Dự thảo sửa đổi Quy chế thi THPT quốc gia: Giữ ổn định và bảo đảm an toàn cao nhất

Dự thảo sửa đổi Quy chế thi THPT quốc gia: Giữ ổn định và bảo đảm an toàn cao nhất

Sửa đổi không làm xáo trộn quy trình tổ chức thi

Đánh giá cao tính chặt chẽ của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT hiện hành, NGƯT Lương Quỳnh Lan – Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội – nhận định: Dự thảo quy chế sửa đổi của Bộ GD&ĐT có nội dung đáng chú ý nhất liên quan đến khâu bảo mật giữa thông tin bài thi và số phách: “Tuyệt đối giữ bí mật về quan hệ giữa số báo danh và thông tin cá nhân của thí sinh với số phách”. Khâu kiểm tra nhập điểm tách rời với các khâu trên và các khâu này đều phải chịu sự giám sát (các cán bộ giám sát thuộc các thành phần khác nhau, vừa giám sát công việc, vừa giám sát nhau thực hiện nhiệm vụ).

Theo Dự thảo, việc chấm thi tại mỗi hội đồng thi được thực hiện tại không quá 2 khu vực. Khu vực chấm thi phải bảo đảm an ninh, an toàn có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy, có công an bảo vệ 24 giờ/ngày; nơi chấm thi, chấm kiểm tra bài thi tự luận và nơi bảo quản bài thi tự luận được bố trí gần nhau; bài thi trắc nghiệm được lưu trữ tại phòng xử lý và chấm bài thi trắc nghiệm hoặc được lưu trữ tại phòng chứa bài thi riêng biệt, tùy theo thực tế triển khai tại đơn vị.

Với Tổ Giám sát, Dự thảo có sửa đổi. Theo đó, Tổ Giám sát, gồm ít nhất 5 người (1 tổ trưởng và ít nhất 4 thành viên): Tổ trưởng Tổ Giám sát là lãnh đạo phòng/ban của trường ĐH, CĐ; các thành viên Tổ Giám sát là viên chức của trường ĐH, CĐ và công chức sở GD&ĐT của tỉnh có bài thi được chấm. Tổ Giám sát làm việc độc lập với các tổ chuyên môn khác.

Tổ Giám sát có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ quy trình chấm bài thi trắc nghiệm, quy trình bảo quản bài thi tại phòng chấm thi trắc nghiệm theo quy định. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu thấy có bất thường, Tổ Giám sát phải báo cáo Trưởng ban để tạm dừng quá trình chấm thi và đề nghị Trưởng ban kiểm tra, xác minh và xử lý trước khi tiếp tục. “Sửa đổi này sẽ làm cho kỳ thi tốt hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng cũng cần lưu ý cả khâu vận chuyển bài thi về khu vực chấm” – NGƯT Lương Quỳnh Lan góp ý.

Nhận định về Dự thảo quy chế, ông Lê Đình Sơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT ICOschool, Bắc Giang – cho rằng, nội dung sửa đổi năm nay không có thêm mới, mà tập trung làm rõ, chi tiết hơn công việc cần làm để đảm bảo an toàn trong quá trình tổ chức thi và chấm thi. Những nội dung sửa đổi không làm xáo trộn công việc và quy trình tổ chức thi, tạo thuận lợi cho địa phương, cơ sở.

Đồng tình hủy bỏ kết quả thi với thí sinh bị đình chỉ thi

Cùng nhận định, ông Lê Đình Khương – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Yên Dũng số 2, Bắc Giang – cho rằng Dự thảo quy chế nhìn chung không có gì thay đổi so với quy chế hiện hành mà chỉ làm rõ hơn.

 Tôi cũng quan tâm đến nội dung bổ sung ở Khoản 5 Điều 49, hủy bỏ kết quả thi đối với thí sinh bị đình chỉ thi. Điều này là đúng, giúp hội đồng thi, hội đồng chấm đỡ phải làm nhiều thủ tục biên bản, và lỗi này còn nặng hơn 3 lỗi trước đã quy định trong quy chế hiện hành. 
Ông Lê Đình Khương nhận định

Ông Lê Đình Khương cho biết quan tâm đến những nội dung sửa đổi, bổ sung ở Khoản 2 Điều 19. Theo đó, khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày; bảo đảm an toàn phòng chống cháy, nổ. Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày; có công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày; có 1 cán bộ của trường ĐH, CĐ làm nhiệm vụ tại điểm thi (phó trưởng điểm thi hoặc thư ký) trực tại phòng trong suốt thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi; riêng trong các ngày thi, thời gian trực tại phòng của cán bộ của trường ĐH, CĐ được tính kể từ thời điểm kết thúc công việc buổi thi cuối ngày thi trước đến thời điểm bắt đầu công việc buổi thi thứ nhất của ngày thi sau. Như vậy, so với năm trước, bổ sung quy định trực đêm tại phòng bảo quản đề và bài thi của thí sinh rõ hơn cho cán bộ coi thi đến từ trường ĐH.

Kỳ thi THPT quốc gia ngày càng được tổ chức khoa học làm giảm áp lực cho xã hội và người học. Ảnh: Hữu Cường
 Kỳ thi THPT quốc gia ngày càng được tổ chức khoa học làm giảm áp lực cho xã hội và người học. Ảnh: Hữu Cường

Sớm chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia 2020

Đại diện các cơ sở giáo dục đều cho rằng, việc giữ ổn định Kỳ thi THPT quốc gia 2020 giúp các trường sớm xác định tư tưởng và chuẩn bị điều kiện hướng tới tổ chức tốt nhất kỳ thi. Theo ông Lê Đình Khương, đến thời điểm này, nhà trường đã tuyên truyền về quy chế thi cho học sinh và tổ chức ôn tập ngay từ đầu năm. Hiện 100% học sinh của trường đã lựa chọn xong môn tổ hợp. Trường THPT Yên Dũng số 2 cũng đã tổ chức thi thử cho học sinh khối 12 làm quen, qua kỳ thi thử đã rút kinh nghiệm cho học sinh và điều chỉnh kế hoạch dạy học của giáo viên. “Theo kế hoạch, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức thi thử 2 lần nữa trong kỳ 2 để giáo viên và học sinh làm quen với quy chế thi” – ông Lê Đình Khương thông tin thêm.

Năm 2020, Trường THPT Yên Dũng số 3 (Bắc Giang) có khoảng 380 học sinh sẽ tham dự Kỳ thi THPT quốc gia. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại trường sẽ tương tự như năm 2019. Hiện tại, nhà trường đang tập trung vào định hướng nghề nghiệp và chọn trường cho học sinh để chuẩn bị làm hồ sơ thi. Ngoài ra, trường cũng có chỉ đạo ra Tết sẽ tập trung cao độ vào ôn luyện kiến thức cho học sinh để chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho kỳ thi tới.

Tại Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội), NGƯT Lương Quỳnh Lan cho biết, ngay khi có Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT chính thức, nhà trường sẽ cho giáo viên tập huấn và phổ biến tới học sinh. Giữa học kỳ, nhà trường sẽ cho thi khảo sát 3 khối để học sinh tập dượt và giáo viên thực hiện theo quy chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ