Dự thảo Luật GDĐH đáp ứng được những đòi hỏi của cuộc sống

Dự thảo Luật GDĐH đáp ứng được những đòi hỏi của cuộc sống

(GD&TĐ) - Dự thảo Luật Giáo dục Đại học đang được hoàn thiện đã được Ủy Ban Văn Hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc Hội đưa ra lấy ý kiến chuyên gia tại 3 địa điểm: Bình Dương, Thành Phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Các chuyên gia đánh giá cao chất lượng của dự thảo luật lần này.

Hầu hết đại biểu đều cho rằng ban soạn thảo luật đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu quốc hội và của các chuyên gia, các nhà khoa học, giáo dục…và cơ bản đã đáp ứng được những đòi hỏi của cuộc sống. Dự thảo cũng đã đưa vào những điều khoản xử lý những vấn đề bức xúc hiện nay của giáo dục đại học: phân tầng đại học, giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục, xã hội hóa giáo dục, kiểm soát chất lượng đào tạo. Theo dõi các Hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nhóm phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại đã tổng hợp các ý kiến góp ý cho thấy phiên bản cuối cùng của Luât, về cơ bản đã đạt được đồng thuận cao.  

TIN LIÊN QUAN
Hướng dẫn sinh viên thực hành nghiên cứu tại Đại học Lâm nghiệp Hà Nội
Hướng dẫn sinh viên thực hành nghiên cứu tại Đại học Lâm nghiệp Hà Nội

Về Hội đồng quản trị và Hội đồng trường

Nhiều ý kiến góp ý xung quanh Hội đồng quản trị và tiêu chuẩn thành viên hội đồng quản trị. Ông Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng cho rằng hội đồng quản trị trường đại học phải là những người am tường về giáo dục đại học chứ không phải chỉ những người có tiền. Đồng quan điểm này Ông Trương Quang Mùi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn nói cần phải xây dựng môi trường sư phạm trong nhà trường trong đó thầy giáo và sinh viên phải được tôn trọng chứ không phải là công ty cỗ phần, người có tiền điều khiển hoạt động nhà trường theo lợi ích của họ. Theo Ông Mùi, trong thực tế hiện nay trong trường tư thục có ông chủ (người có vốn), người làm thuê (thầy giáo) và khách hàng (người học). Mâu thuẫn thường xảy ra ở trường tư thục giữa Chủ tịch hội đồng quản trị và hiệu trưởng vì một bên vì lợi ích của những người góp vốn, một bên vì lợi ích của người học.  

Thư viện, nguồn tài nguyên lớn đối với sinh viên (Ảnh Bùi Tuấn)
Thư viện, nguồn tài nguyên lớn đối với sinh viên (Ảnh Bùi Tuấn)

Để xử lý những bất cập này, Ông Trần Hữu Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Quang Trung - Qui Nhơn, nêu kinh nghiệm của trường mình là Hội đồng quản trị được bầu từ những người cơ hữu của trường, đại diện của Ban giám hiệu, công nhân viên, đảng ủy, đoàn thanh niên, không nhất thiết chỉ bao gồm những người sáng lập hay góp vốn. Hiệu trưởng nếu là cán bộ cơ hữu, cổ đông của nhà trường thì cũng có thể được bầu vào hội đồng quản trị. Ông Huy cho rằng, hiệu trưởng nhà trường do Hội đồng quản trị lựa chọn và đề xuất vì vậy nhiệm kỳ của Hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị chứ không phải nhiệm kỳ của hội đồng quản trị theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng như trong dự thảo luật.  

Hội đồng trường là thiết chế không thể thiếu trong thực thi quyền tự chủ của các trường. GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ GD Đại học, cho rằng dự thảo luật lần này đã tiếp thu ý kiến của các hội nghị trước đây và đã bổ sung điều khoản liên quan đến Hội đồng trường. Tuy nhiên cần nhấn mạnh thêm là “Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học” GS. Thiệp nói. Đây cũng là quan điểm của Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Phó Ban Thường Trực Ban Tuyên Giáo Trung Ương. Thành phần hội đồng trường trong dự thảo luật cần cân nhắc sao cho hoạt động của hội đồng trường là thiết thực, hiệu quả. Theo GS. Từ Quang Hiển, nếu thành phần hội đồng trường như dự thảo luật thì sẽ mang nặng tính hình thức.

Về vấn đề này. GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban GDTNTN&NĐ của Quốc hội, trong phần kết luận của mình cho rằng trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học lần này qui định thành viên hội đồng quản trị không chỉ bao gồm những người góp vốn mà có cả những người đại diện cho cán bộ giảng viên và sinh viên. Thường trực ủy ban sẽ điều chỉnh lại mối quan hệ giữa nhiệm kỳ hiệu trưởng và nhiệm kỳ Hội đồng quản trị trường Đại học tư thục cho phù hợp với thực tế.

Vấn đề tự chủ đại học, đại học 2 cấp

Tự chủ đại học được nhiều đại biểu nêu ra trong hội nghị. GS. Đặng Hữu, nguyên Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, cho rằng quyền tự chủ của trường có ngay từ lúc nó được thành lập và cho phép hoạt động, không cần điều kiện nào khác. “Tôi tán thành điều khoản cơ sở giáo dục đại học được tự chủ” nhưng không tán thành việc giao quyền tự chủ phụ thuộc vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của trường” GS. Hữu nói.  

Nghiên cứu khoa học, nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng trong đào tạo đại học (Ảnh Bùi Tuấn)
Nghiên cứu khoa học, nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng trong đào tạo đại học (Ảnh Bùi Tuấn)

GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội không đồng tình với việc ghi rõ trong dự thảo luật giao quyền tự chủ cho các trường đại học trọng điểm và hạn chế quyền tự chủ một số đại học khác. “Giao quyền tự chủ vĩnh viễn, hạn chế quyền tự chủ vĩnh viễn như vậy là không công bằng và không hợp lý” GS. Thuyết nói. Bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy bản VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội cũng đề nghị không nên ghi rõ trong dự thảo luật trường nào được quyền tự chủ, trường nào không được mà nêu ra các tiêu chí để giao quyền tự chủ. Về kiểm định chất lượng, GS, Thuyết đề nghị bổ sung thêm 10 điều khoản chi tiết để đảm bảo hệ thống kiểm định chất lượng có thể hình thành và đi vào hoạt động sau khi Luật Giáo dục Đại học được ban hành.

Về đại học hai cấp, GS. Nguyễn Văn Nam, Hiệu Trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề nghị dự thảo luật không nên đưa đại học, đại học quốc gia như là những loại hình trường vì thực chất những cơ sở này cũng là các trường đại học. GS. Bành Tiến Long, nguyên Thứ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị dự thảo luật cần làm rõ thêm chức năng, quyền tự chủ của các trường thành viên. GS. Phạm Minh Hạc cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa đại học hai cấp và các trường đại học thành viên vì như hiện nay rất “lủng củng”.  GS. Từ Quang Hiển, nguyên Giám đốc Đại học Thái Nguyên nói rằng nếu các trường đại học thành viên của đại học vùng cũng có quyền tự chủ như các trường đại học khác thì đại học vùng không còn nhiệm vụ gì nhiều. 

Trường ngoài công lập, vấn đề tài chính và các nội dung khác

Ông Trần Quốc Toản, Nguyên Phó Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ cho rằng dự thảo Luật chưa toát lên được những tư tưởng của chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo cũng như tư tưởng về đào tạo nhân lực chất lượng cao. Ông Toản nhấn mạnh dự thảo Luật phải phân biệt rạch ròi trường Đại học vì lợi nhuận và trường đại học không vì lợi nhuận ngay từ đầu để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Cơ cấu hội đồng quản trị của hai loại trường này cũng khác nhau. Trường vì lợi nhuận thì cơ cấu hội đồng quản trị như doanh nghiệp còn trường không vì lợi nhuận, cơ cấu hội đồng quản trị mang tính hàn lâm. 

Về tài chính đại học, Ông Đặng Văn Định, Chủ Tịch Hội đồng Quản Trị Trường Đại học Chu Văn An cho rằng việc qui định trích lập 20% doanh thu của các trường Đại học tư thục để tái đầu tư phát triển nhà trường và được miễn thuế là chủ trương rất tốt. Đối với học phí các trường công lập, GS. Nguyễn Văn Nam đề nghị bỏ trần học phí để các trường công lập tự điều chỉnh mức thu học phí cho phù hợp với chi phí đào tạo. Khi đó các trường có thể giảm qui mô để nâng cao chất lượng. Ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng thì đề nghị dự thảo luật nên qui định sử dụng ngân sách nhà nước chỉ để bao cấp một số sinh viên của các trường đại học tinh hoa. Các trường công lập còn lại tự thu học phí để trang trải chi phí đào tạo. Để tăng học phí mà người học vẫn chi trả được, GS. Phạm Phụ đề nghị nhà nước vay vốn nước ngoài rồi cho sinh viên vay lại để học. “Tôi đề nghị bổ sung điều 10 của dự thảo luật: tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học thông qua việc cho sinh viên vay vốn”, GS. Phạm Phụ đề nghị. Để đảm bảo tính công bằng trong đầu tư của nhà nước cho các trường đại học công lập và ngoài công lập, GS. Trần Hồng Quân đề nghị dự thảo luật đưa ra cơ chế tài chính mới: đầu tư trực tiếp cho sinh viên, bất cứ sinh viên đó học ở trường nào. Điều này sẽ tạo động lực để các trường đại học cạnh tranh nâng cao chất lượng.

Về vấn đề trích lập quỹ tái đầu tư của các trường tư thục, GS. Đào Trọng Thi cho rằng dự thảo luật đưa ra 2 phương án: hoặc dành 25% lợi nhuận để tái đầu tư hoặc dành 20% tổng doanh thu để tái đầu tư. “Phương án thứ hai khả thi hơn”, GS. Thi nói.   

Một giờ học trên giảng đường ĐHQG Hà Nội
Một giờ học trên giảng đường ĐHQG Hà Nội

Liên quan đến việc hiện nay tỉ lệ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ hoặc học hàm PGS, GS còn rất thấp. Việc đào tạo bổ sung không kịp số người về hưu vì vậy GS. Bành Tiến Long, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đề xuất dự thảo luật nên qui định cho các đối tượng này được kéo dài thời gian công tác. Mặt khác phần lớn đại biểu của các trường đại học ngoài công lập đề nghị dự thảo luật không nên giới hạn tuổi bổ nhiệm hiệu trưởng các trường ngoài công lập. “Hiệu trưởng trường đại học tư thục không phải là viên chức nhà nước nên không chịu sự điều chỉnh của Luật cán bộ viên chức”, ông Trần Hữu Nghị, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Trường Đại học Hải Phòng nói. Đó cũng là ý kiến của Ông Lê Công Cơ, Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng.

Dự thảo luật đã đạt được đồng thuận cao

Các đại biểu dự hội nghị ở ba địa điểm đều nhìn nhận sự tiến bộ của phiên bản cuối cùng dự thảo luật và sự tiếp thu ý kiến nghiêm túc của Thường trực Ủy Ban Văn Hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng Quốc Hội. GS. Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đã “hết sức hoan nghênh giải trình của Thường trực Ủy Ban, các ý kiến đóng góp đã được lắng nghe và giải trình đầy đủ”. GS. Phạm Phụ (Đại học Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh) hoan nghênh dự thảo luật đã đưa vào những điều khoản về phân tầng đại học, hội đồng trường sau khi lắng nghe ý kiến của những lần hội thảo trước. GS. Phụ đề nghị dự thảo luật cần làm rõ hơn các tầng trong giáo dục đại học, đó là các đại học nghiên cứu, các đại học và cao đẳng huấn luyện nghề nghiệp. Còn về Hội đồng trường, GS. Phụ đề nghị số thành viên bên ngoài trường nhiều hơn bên trong trường.  

Học và hành luôn gắn với chất lượng đào tạo
Học và hành luôn gắn với chất lượng đào tạo

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng dự thảo luật lần này có nhiều tiến bộ, nếu tiếp tục đầu tư, gia công, hoàn thiện thì có thể thông qua và rất có ích cho hoạt động giáo dục đại học. GS. Từ Quang Hiển cũng nhìn nhận dự thảo luật đã đạt được những bước tiến rất tốt, đã cụ thể hóa những vấn đề mà trong các dự thảo trước còn xử lý bởi các văn bản dưới luật. “Hiện chỉ còn 7 khoản giao cho Chính phủ hay Bộ Giáo dục và đào tạo qui định. Tôi cho như vậy là hợp lý”, GS. Hiển nói. 

GS. Phạm Thị Trân Châu, thành viên Hội đồng tư vấn KHGD, UBMTTQVN tán thành việc thông qua dự thảo luật trong kỳ họp sắp tới của Quốc hội để có cơ sở pháp lý lập lại trật tự, kỷ cương và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Ông Huỳnh Ngọc Đáng, Đại biểu Quốc hội Tỉnh Bình Dương (người nói Luật giáo dục đại học là “luật né” trước đây, PV) cho rằng dự thảo luật đã có những bước tiến quan trọng, nội dung dự thảo đã có những thay đổi căn cơ. Ông nói ví von “nếu dự thảo luật giáo dục đại học lần trước là lươn thì dự thảo lần này là rồng!”.

***

Đại diện cho ban soạn thảo Luật Giáo dục Đại học, GS. Bùi Văn Ga, Thứ Trưởng Bộ Giáo dục & Đào nói rằng ban soạn thảo luật đã phối hợp rất chặt chẽ với Ủy Ban Văn Hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội để phân tích ý kiến của tất cả các đại biểu Quốc hội và nhân dân và đã đưa vào dự thảo luật những điều khoản để xử lý những vấn đề cuộc sống đặt ra cho hoạt động giáo dục đại học. Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, Thứ trưởng Ga tin rằng khi dự thảo luật này được ban hành, hoạt động giáo dục đại học sẽ đi vào nề nếp, nguồn lực sẽ được khai thông, tạo nên sức mạnh tổng hợp nâng cao chất lượng đào tạo. 

Phát biểu tổng kết ý kiến đóng góp cho dự thảo luật, GS. Đào Trọng Thi đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự các hội nghị và sẽ cân nhắc tiếp thu để hoàn thiện dự thảo luật. Những tư tưởng, chủ trương của Đảng và Nhà nước được đưa vào dự thảo luật qua những điều khoản nằm rải rác ở các chương mục khác nhau nhằm xử lý những vấn đề lớn của hoạt động giáo dục đại học. Về phân tầng đại học cần làm rõ hơn khái niệm về đại học nghiên cứu và đại học theo hướng đào tạo, xác lập các tiêu chuẩn tối thiểu và chuẩn quốc gia về chất lượng đại học. Về tự chủ đại học, dự thảo luật tạo hành lang pháp lý, công khai minh bạch để các trường dựa vào đó hoạt động. Về trường đại học vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận, trong bối cảnh nước ta hiện nay, việc qui định các trường tư thục không chia lợi nhuận hay chia lợi nhuận bằng lãi suất ngân hàng có thể được xem là trường không vì lợi nhuận. Cụm từ “phi lợi nhuận” sẽ dành cho các trường đại học tư thục hoàn toàn không phân chia lợi nhuận trong tương lai.

Tham gia Hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia về Luật giáo dục đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Quốc Hội Tòng Thị Phòng, cũng cho rằng dự thảo Luật đã thực hiện đúng qui trình, tham vấn ý kiến rộng rãi, cụ thể hóa những chủ trương chính sách của Đảng, giải quyết những bức xúc hiện tại và tạo hành lang pháp lý cho hệ thống đại học nước ta phát triển. Ban soạn thảo đã làm việc nghiêm túc, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện luật. Phó Chủ Tịch Quốc hội cũng đề nghị các chuyên gia, các nhà giáo, nhà khoa học tiếp tục ủng hộ hoàn thiện dự thảo luật để thông qua ở Quốc hội theo kế hoạch.

Còn tại Hà Nội, phát biểu tại Hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia về Luật giáo dục đại học, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng dự thảo luật lần này có chất lượng cao hơn những lần trước. Mục tiêu của chúng ta là cho ra đời một luật giáo dục đại học có chất lượng. Vì vậy còn thời gian, chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện để nội dung luật tốt hơn theo tinh thần Nghị Quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. Khi dự thảo luật đảm bảo được yêu cầu về chất lượng chúng ta có thể thông qua ở Quốc hội trong kỳ họp tới theo kế hoạch.

Nhóm PV thời sự giáo dục (tổng hợp)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ