Ở bậc học này tôi nhận thấy có bước tiến mới, chẳng hạn như: Học sinh được tự chọn các môn học phù hợp với nguyện vọng, năng lực sở trường của bản thân. Điều này đúng với tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Từ việc tổ chức cho học sinh học các môn học tự chọn, các trường sẽ chủ động hơn trong việc xây dựng phương án các tổ hợp môn học, để vừa đáp ứng nhu cầu của người học,vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường.
Điểm đáng ghi nhận là việc tự chọn các môn học sẽ được thực hiện từ lớp 10 và ở lớp 11, 12 sẽ tăng dần số môn học tự chọn, tạo điều kiện cho các em có định hướng nghề nghiệp theo sở trường của mình.
Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể như trong bản Dự thảo cũng đã giảm tính hàn lâm, chú trọng đến việc phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Qua đó sẽ góp phần hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm.
Tuy nhiên, tôi đề xuất: Ban phát triển Chương trình có thể nghiên cứu để giảm bớt số lượng và chiều sâu kiến thức ở các bộ môn văn hóa. Các kiến thức nâng cao không thiết thực với thực tế thì nên để bậc đại học nghiên cứu.