Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể: Chú trọng phát triển toàn diện theo từng cá nhân HS

GD&TĐ - Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể lần hai vừa được Bộ GD&ĐT công bố, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của toàn xã hội, trước khi hoàn thiện để ban hành chính thức. Dự thảo lần này có nhiều điểm tiến bộ so với dự thảo được công bố vào tháng 8/2015, tuy nhiên vẫn có một số điểm còn băn khoăn, cần được làm sáng tỏ hơn.

Dự thảo Chương trình GDPT tổng thể: Chú trọng phát triển toàn diện theo từng cá nhân HS

Những đổi mới đáng ghi nhận

Dự thảo lần này đã phân định rõ hai giai đoạn của GD: GD cơ bản (cấp tiểu học và THCS) và GD định hướng nghề nghiệp (cấp THPT). Đây là xu hướng chung của GD thế giới. GD cơ bản cung cấp nền tảng kiến thức phổ thông, hình thành những phẩm chất và năng lực cần thiết cho HS để có thể học lên bậc học cao hơn, học nghề hoặc đi vào cuộc sống. Các nước trên thế giới rất coi trọng GD cơ bản nên đã thực hiện GD bắt buộc ở giai đoạn này. Kết thúc GD cơ bản được xem là cái mốc rất quan trọng của mỗi người. Chính vì vậy, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã tiến hành khảo sát PISA để đánh giá năng lực HS quốc tế lứa tuổi 15 (tuổi kết thúc GD bắt buộc), qua đó, đánh giá về vốn con người của mỗi quốc gia.

Dự thảo nhấn mạnh vai trò GD cơ bản là phù hợp với mục tiêu sau năm 2020, nước ta sẽ triển khai GD bắt buộc 9 năm (Bộ GD&ĐT dự kiến trình Quốc hội ở kỳ họp tới về phương án miễn học phí đối với cấp THCS). GD định hướng nghề nghiệp giúp cho HS tiếp cận tốt hơn với nghề nghiệp theo nhu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với năng lực, sở trường và hoàn cảnh của từng cá nhân, đồng thời, tạo điều kiện cho HS học tập một số môn học sâu hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu cao về kiến thức và năng lực ở bậc ĐH.

Dự thảo đã thể hiện rất rõ mục tiêu hướng đến phát triển toàn diện theo từng cá nhân HS. Đó là, phát triển cả phẩm chất và năng lực, gồm 6 phẩm chất và 10 năng lực.

Dự thảo đã thể hiện rất rõ về mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy và GD, cách thức kiểm tra đánh giá. Về mục tiêu, có 3 mục tiêu cơ bản, đó là: Giúp HS phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù và sáng tạo. Nói cách khác, chương trình đã định ra chân dung của người HS sau khi hoàn thành chương trình GDPT. Về nội dung chương trình, dự thảo đã thể hiện tính tích hợp cao ở các lớp, cấp học thấp và phân hóa dần ở các lớp, cấp học cao và đã đưa ra một số môn học mới mà chương trình hiện hành không có như: Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Tìm hiểu công nghệ, Thế giới công nghệ, Nghệ thuật, Tìm hiểu tin học, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở tiểu học; Môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ và Hướng nghiệp ở cấp THCS và mô hình GD kinh tế và Pháp luật, Thiết kế và công nghệ ở cấp THPT.

Về phương pháp giảng dạy, chú trọng đến tự học, tự khám phá của HS, người GV chủ yếu đóng vai trò của người tổ chức và hướng dẫn. Về kiểm tra, đánh giá, xác định rõ 3 hình thức: Đánh giá thường xuyên, đánh giá định kỳ, đánh giá diện rộng trên phạm vi địa phương và quốc gia, tham gia đánh giá quốc tế. Đáng chú ý, chương trình sẽ tiến tới thực hiện xét tốt nghiệp THPT giao cho từng trường chịu trách nhiệm. Đây là vấn đề mới, phù hợp với xu hướng của các nước có nền GD tiên tiến, ở cấp học THPT đã thực hiện theo học chế tín chỉ, HS tích lũy đủ tín chỉ theo quy định được cấp bằng THPT. Việc học theo tín chỉ còn là cơ hội để HS tập dượt, làm quen với học tập theo tín chỉ ở đại học cho những HS có khả năng.

Những vấn đề cần bổ sung, sửa đổi

Trong Chương trình GDPT mới, ở giai đoạn GD cơ bản tập trung vào việc giảng dạy và học tập tích hợp, bắt buộc và giống nhau đối với mọi HS. Sự phân hóa, được thực hiện ở các môn bắt buộc có phân hóa, gồm: Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, GD thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo và thông qua môn tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Theo sự khám phá của khoa tâm lý GD, khả năng và sở thích của HS thường bắt đầu xuất hiện ở lứa tuổi 12 và 13, tức là vào lớp 8 và lớp 9. Vì vậy, ở giai đoạn này, chương trình GD và nhà trường phải làm sao để phát hiện sự khác biệt của HS, HS cũng tự mình có thể khám phá năng lực và sở thích. Hay nói cách khác, lớp 8 và lớp 9 là 2 năm khám phá, cần phát triển, rèn luyện năng lực khám phá bản thân và hiểu được người khác cho HS, để đến khi tốt nghiệp THCS có thể xác định được hướng đi tiếp của mình là học lên THPT hay rẽ sang trung cấp nghề, hoặc vừa học nghề vừa học văn hóa. Muốn vậy, môn Công nghệ và Hướng nghiệp đóng vai trò quan trọng là môn học cung cấp cho HS về nhiều lĩnh vực khác nhau như: Nông - lâm nghiệp; kinh tế gia đình, công kỹ nghệ, doanh thương, thiết kế trang trí...

Qua các lĩnh vực công nghệ như trên, kết hợp với hướng nghiệp, sẽ giúp HS xác định được năng lực và sở thích của mình. Bên cạnh đó, cần phải có các hoạt động hướng dẫn HS hoặc làm các trắc nghiệm hướng nghiệp vào cuối lớp 9, đồng thời phải tăng hoạt động thực tế về hướng nghiệp. Có như vậy, HS mới biết được năng lực, sở trường, xu hướng nghề nghiệp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại về phân luồng sau THCS là chương trình GD THCS chưa tạo điều kiện cho HS khám phá bản thân.

Dự thảo lần này đề xuất 3 môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ 1. Phải khẳng định rằng, Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ là 3 công cụ quan trọng giúp HS học tập các môn khác và vận dụng vào cuộc sống rất nhiều. Tuy nhiên, nếu quy định tất cả HS phải học như nhau đối với 3 môn này là bất hợp lý và trái với quy luật phân hóa và gây ra sự quá tải đối với HS.

Một HS có năng kiếu về văn học, nghệ thuật không nhất thiết phải học hình học không gian hay toán học cao cấp; thay vào đó là học các nội dung nâng cao về văn học hay nghệ thuật. Ngược lại, một HS có năng khiếu về toán thì họ mong muốn có chương trình toán nâng cao. Vì vậy, theo chúng tôi, 3 môn bắt buộc ở THPT gọi là Toán cơ bản, Ngữ văn cơ bản và Ngoại ngữ 1 cơ bản, đồng thời có thêm 3 môn Toán nâng cao, Ngữ văn nâng cao và Ngoại ngữ 1 nâng cao vào nhóm các môn tự chọn. Để HS có năng khiếu về Toán học thêm Toán nâng cao, HS có năng khiếu về văn chương học thêm môn Ngữ văn nâng cao.

Về xét tốt nghiệp THPT như đề xuất của dự thảo là phù hợp với xu hướng chung, tạo điều kiện cho HS nỗ lực theo quá trình để tích lũy các tín chỉ, chứ không phải tập trung học tập cao độ, căng thẳng ở mỗi kỳ thi.

Đối với yêu cầu về phẩm chất, theo chúng tôi, ngoài 6 phẩm chất mà dự thảo đưa ra cần bổ sung thêm 2 phẩm chất nữa là: “Biết sống chung và Kỷ luật”. Hai phẩm chất này kế thừa phẩm chất “Đoàn kết tốt, Kỷ luật tốt” trong 5 điều Bác Hồ dạy mà còn phù hợp với định hướng GD của UNESCO là “Học để chung sống”. Ngoài ra, phần biểu hiện của phẩm chất Yêu đất nước, cần bổ sung thêm “Biết quý trọng, tự hào và vun đắp truyền thống gia đình, dòng tộc, làng xóm, quê hương”. Phần phẩm chất, Yêu con người, cần bổ sung thêm một mục nữa là “Biết quý trọng sinh mạng bản thân và người khác”, “Có ý thức tìm hiểu và tôn trọng quyền con người”.

Chương trình GD phổ thông mới vừa có tính kế thừa, vừa phát triển, thể hiện đường lối, chính sách GD của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn mới. Ban biên soạn cần đưa ra những nét đặc trưng chung nhất của chương trình (giống như triết lý) rồi đến mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, học tập và tổ chức kiểm tra, đánh giá, để không chỉ nhà trường, giáo viên mà cả cộng đồng xã hội cũng có những hiểu biết đầy đủ hơn, có như vậy mới đảm bảo cho sự thành công của Chương trình GDPT mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.