Dự thảo chính sách đối với nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục về hưu có hợp lý?

Dự thảo chính sách đối với nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục về hưu có hợp lý?

(GD&TĐ) - Năm 2010 đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chế độ thâm niên cho nhà giáo gồm 3 đối tượng: nhà giáo đang giảng dạy, nhà giáo làm quản lý và nhà giáo đã về hưu. Tại Nghị định 54/2011/NĐ-CP Chính phủ chỉ cho đối tượng là nhà giáo đương chức. Điều này gây nhiều bức xúc cho đội ngũ nhà giáo. Giải quyết bức xúc đó, Nghị quyết kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 13 số 21/2011/QH 13 trong phần giáo dục - đào tạo có ghi: "Năm 2012 thực hiện chế độ trợ cấp cho nhà giáo không được hưởng chế độ thâm niên".

Các nhà giáo đã nghr hưu luôn được quan tâm và ghi nhận các cống hiến với ngành GD (Ảnh minh họa)
Các nhà giáo đã nghỉ hưu luôn được quan tâm và ghi nhận các cống hiến với ngành GD (Ảnh minh họa)

Các Bộ Ngành liên quan trong dự thảo chính sách trợ cấp dự kiến đưa nhà giáo làm công tác quản lý giáo dục về hưu ra khỏi đối tượng thụ hưởng.

Họ là ai? Đó là:

Những nhà giáo giỏi có nhiều kinh nghiệm, đã kinh qua nhiều năm đứng lớp (15-20 năm), làm công tác quản lý ở cơ sở trường học, được điều động về làm công tác quản lý ở Phòng Giáo dục Quận / huyện, Sở GD&ĐT, Bộ GD&ĐT, các Vụ Đào tạo ở các Bộ Ngành, Ban Khoa giáo của Đảng; làm cán bộ Công đoàn Giáo dục, làm công tác nghiên cứu tại Viện khoa học giáo dục, làm nhà báo của ngành.
Họ là những người cùng toàn ngành giáo dục - đào tạo đóng góp cho sự nghiệp trồng người giai đoạn khó khăn của đất nước có chiến tranh, giai đoạn đầu khôi phục kinh tế sau chiến tranh với tư cách vừa là người thầy vừa là người quản lý.

Họ là những người có ý thức tổ chức, chấp hành sự phân công của Đảng, của tổ chức mặc dù nguyện vọng khi chọn ngành nghề là làm nhà giáo, là được gắn bó với học sinh.

Họ là những người bị thiệt thòi khi được điều động không làm giáo viên để làm quản lý xét về mặt thu nhập (giảm 50%): không còn phụ cấp đứng lớp, không còn phụ cấp dạy vượt giờ… mặc dầu lúc đó chưa có sự  phân biệt chế độ cho nhà giáo đứng lớp và nhà giáo làm quản lý.

Họ là những người đã đóng bảo hiểm xã hội trong đó có phần phụ cấp thâm niên nhà giáo giai đoạn 1988-1993.

Vậy tại sao họ bị 3 lần “kỷ luật”: giảm thu nhập khi được điều động làm quản lý giáo dục; không được hưởng phụ cấp thâm niên và nay lại không được hưởng trợ cấp cho nhà giáo về hưu chưa được hưởng thâm niên theo Nghị quyết của Quốc hội?

Trong cuộc gặp với Giáo sư, NGND Phạm Minh Hạc, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có nói: “Mặc dù đất nước ta còn nghèo, ngân sách Nhà nước hiện còn rất khó khăn, nhưng vấn đề này (thâm niên cho nhà giáo –NMB) phải được xem xét một cách thấu đáo, đảm bảo sự công bằng, hợp lý, thể hiện sự ghi nhận công lao đối với nhà giáo đã nghỉ hưu có tác dụng động viên, khích lệ đối với các nhà giáo đang làm việc” (Thông báo 94/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 20-4-2011).

Đề nghị các nhà làm Chính sách suy nghĩ cân nhắc lại.

Nhà giáo Nguyễn Mậu Bành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ