Du ngoạn Huế bằng... công nghệ thực tế ảo

Du ngoạn Huế bằng... công nghệ thực tế ảo

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mở cửa đón khách trong suốt những ngày Tết Canh Tý bằng sự kiện “Xuân Canh Tý – Áo dài và hoa”.

Sự kiện này đang đặc biệt thu hút sự quan tâm của công chúng khi lần đầu có phòng trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR.

Vừa được thưởng thức những loại mứt Tết truyền thống cùng kẹo dồi, kẹo kéo... du khách vừa đeo kính thực tế ảo VR là có thể vi vu với những lễ hội hoa 3 miền, thưởng thức nghi lễ đón Tết cổ truyền của dân tộc Mường.

Du khách vừa được thưởng thức kẹo, mứt truyền thống vừa được trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR. Ảnh: Bình Thanh
Du khách vừa được thưởng thức kẹo, mứt truyền thống vừa được trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR. Ảnh: Bình Thanh 

Không chỉ thế, du khách còn được nghe những tích truyện tranh Đông Hồ như: Hứng dừa, đàn gà, nhân nghĩa, đám cưới chuột... được kể dưới hình ảnh động cũng như đắm chìm trong những thanh âm, nét dịu dàng xứ Huế qua tà áo dài.

"Hai đứa nhỏ nhà tôi vô cùng thích thú khi được đứng trong không gian Tết truyền thống và trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR.

Đây là cách kết hợp công nghệ để đưa văn hóa truyền thống đến gần hơn với công chúng trẻ tôi thấy khá hiệu quả.

Còn nếu chỉ là một video 2D treo trên tường, ban tổ chức sẽ khó lòng giữ chân được những công chúng nhí ấy." - Chị Mai Hạnh (Long Biên) nói.

Bộ sưu tập áo dài "Tranh dân gian Đông Hồ" của nhà thiết kế, nghệ nhân áo dài Lan Hương. Ảnh: Bình Thanh
Bộ sưu tập áo dài "Tranh dân gian Đông Hồ" của nhà thiết kế, nghệ nhân áo dài Lan Hương. Ảnh: Bình Thanh 

“Xuân Canh Tý – Áo dài và hoa” còn có triển lãm “Việt Nam vóc dáng trường tồn” trưng bày những bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế, nghệ nhân áo dài Lan Hươngnghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng.

Nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng tạo ấn tượng với bộ sưu tập áo dài làm từ hoa. Khi đó, không chỉ hoa hồng, hoa lan... mà cả hoa cúc họa mi cũng có thể dệt lên những bộ áo dài tha thướt.

Nghệ nhân Lan Hương thì kỳ công giới thiệu đến công chúng những bộ sưu tập áo dài: “Bốn mùa hoa”, “Tranh dân gian Đông Hồ”, “Cổng làng”.

Bộ sưu tập "Áo dài và hoa" của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Bình Thanh
Bộ sưu tập "Áo dài và hoa" của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Bình Thanh 

Đặc biệt, nghệ nhân Lan Hương còn giới thiệu bộ y phục của Linh Nhân Hoàng thái hậu - triều Lý (Nguyên phi Ỷ Lan), bộ y phục của Hoàng hậu Nam Phương – triều Nguyễn, các bộ y phục triều Trần, triều Lê hay áo ngũ thân, áo tứ thân, áo dài Giao Lãnh.

Ngoài ra, dịp này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn giới thiệu bộ sưu tập những bộ áo dài của các cô dâu Hà Nội được may từ những năm 50 của thế kỷ trước và cả bộ áo dài cổ thuyền – kiểu áo thịnh hành những năm 1960 – 1970 ở miền Nam.

Bộ sưu tập áo dài truyền thống của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh
Bộ sưu tập áo dài truyền thống của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Bình Thanh 

Ngoài ra, du khách còn có thể tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm khác như: Ký tên và đóng dấu hoa lên cặp áo dài có tên gọi “Áo dài của chúng ta”, cùng tô màu và ghép vải vụn trên bức tranh lớn với chủ đề “Tết 2020”.

Theo ban tổ chức, đây là những hoạt động đón xuân giúp khách tham quan thể hiện tình yêu và sự trân trọng trang phục truyền thống của Việt Nam cũng như cùng gắn kết khi xuân sang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ