Du lịch Việt loay hoay trước TPP

GD&TĐ - Việc triển khai các cam kết trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có tác động tích cực đối với ngành du lịch, tuy nhiên cơ hội luôn đi liền với thách thức.

Du lịch Việt loay hoay trước TPP

Vì vậy, để nắm bắt cơ hội, đón nhận dòng khách trong nội khối TPP, ngành du lịch phải có những bước chuẩn bị nội tại thì mới có thể phát triển và thu hút nhiều hơn nữa du khách quốc tế.

Cơ hội lớn

Với việc triển khai các cam kết trong hiệp định mà nội dung chính là mở cửa thị trường, nới lỏng điều kiện tự do đầu tư và di chuyển lao động giữa 12 nước, đó sẽ là cơ sở cho sự gia tăng dòng khách nội khối tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư vào du lịch tại Việt Nam.

Đồng thời, du khách quốc tế còn có thêm cơ hội làm thủ tục thuận lợi, dịch chuyển nhanh và rẻ hơn nhờ những cam kết Chương Nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh trong khuôn khổ TPP. Từ đây sẽ gia tăng khả năng thu hút đầu tư và nguồn doanh thu cho ngành du lịch nước nhà. Không những thế, việc hội nhập sẽ thúc đẩy ngành phát triển theo hướng tích cực trên tất cả các mặt dịch vụ du lịch, cơ sở hạ tầng, văn hóa ứng xử, nguồn nhân lực… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng môi trường sống và cơ sở hạ tầng du lịch thiên nhiên sẽ được cải thiện hơn bằng các cam kết siết chặt yêu cầu vệ sinh dịch tễ, môi trường sống, chống buôn bán động vật hoang dã… trong TPP. Hiện, có 5/12 nước trong khối thuộc danh sách các nước đa dạng sinh thái hàng đầu thế giới.

Ngoài ra, những cam kết về phát triển thương mại điện tử và các dịch vụ bảo hiểm, thanh toán thẻ điện tử, cùng với việc các thành viên đồng ý thông qua, duy trì trong luật và thông lệ của mình các quyền cơ bản của người lao động như: Quyền tự do liên kết và quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ lao động trẻ em, cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; loại bỏ sự phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp...

Từ những yếu tố trên có thể thấy cơ hội không nhỏ từ việc mở cửa đối với “ngành công nghiệp không khói” ở Việt Nam. Trước một thị trường mới 800 triệu dân, chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại thế giới của TPP, là thời cơ thuận lợi để ngành du lịch Việt Nam nói chung và mỗi địa phương tìm kiếm cho mình cơ hội phát triển.

Những thách thức

Nói về tác động của TPP đối với ngành du lịch mới đây, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, du lịch là ngành không biên giới, vì vậy sau WTO là TPP chúng ta đang đứng trước cơ hội về đầu tư, kinh doanh, thị trường rất lớn. Để chủ động hội nhập với TPP buộc chúng ta cần phải có cách tiếp cận mới, đủ khả năng thích ứng với các cam kết trong nội khối.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành du lịch khuyến cáo, hiện thách thức nặng nề nhất là khối doanh nghiệp lữ hành. Bởi khi thực hiện cam kết trong TPP doanh nghiệp nước ngoài sẽ đưa khách vào thị trường trong nước buộc doanh nghiệp nội phải chia sẻ thị phần. Nếu không có năng lực và có một chiến lược cạnh tranh doanh nghiệp nội sẽ rất dễ thua trên sân nhà…

“Chúng ta cần xem xét các quy định, rào cản để bảo vệ cho doanh nghiệp trong nước. Ngược lại, doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao năng lực, liên kết tạo sản phẩm hấp dẫn nhằm gia tăng thị phần.

Ngoài ra, với ngành du lịch nói chung cần có bước chuẩn bị để phát triển sản phẩm phù hợp, hướng tới dòng khách kết hợp kinh doanh, hội họp khi lưu chuyển thương mại, đầu tư, dịch vụ trong nội khối TPP được tạo ra; tập trung vào chất lượng và hiệu quả khai thác khách hơn là số lượng. Mặt khác, phải tạo điều kiện đi lại thuận lợi hơn cho du khách, kết nối có hiệu quả giữa du lịch và các lĩnh vực khác như giao thông, thương mại, ngoại giao, cải thiện năng lực cạnh tranh về điểm đến trong khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, một số tồn tại như môi trường du lịch, tình trạng đeo bám du khách, trộm cắp, an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm cần giải quyết một cách triệt để. Đồng thời tích cực tăng cường liên kết, kết nối trong khu vực để đa dạng hóa sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm, quảng bá thu hút khách từ nước thứ ba, cũng như trao đổi khách giữa các nước” - ông Siêu nói.

Thời cơ nhiều nhưng thách thức cũng rõ ràng với ngành du lịch khi tham gia TPP. Việc mở cửa trên quan điểm không phân biệt đối xử giữa các nước thành viên và không phân biệt đối xử giữa nhà cung cấp dịch vụ trong nước với nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ gia tăng tính cạnh tranh ngay ở thị trường nội địa. Để có thể tận dụng tốt thời cơ cần có thời gian và sự nỗ lực nhằm nâng cao năng lực, sức hấp dẫn của các dịch vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực, đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ