(GD&TĐ) - Trên góc độ văn hóa, mỗi làng nghề, phố nghề được xem là nét văn hóa - xã hội truyền thống, không chỉ là sản phẩm có giá trị về vật chất và văn hóa, địa chỉ văn hóa, lối sống, phong tục tập quán của cộng đồng cư dân mà còn là một dạng tài nguyên có giá trị nhân văn, có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch…
“Hà Nội 36 phố phường”
Hàng Mã là một trong những phố cổ đến nay vẫn còn giữ nghề truyền thống |
Câu thành ngữ quen thuộc này được hiểu là tên của 36 ngành nghề đặt cho đường phố Hà Nội xưa. Đến nay bộ mặt đô thị đã có nhiều thay đổi, nhưng những con phố vẫn còn giữ nguyên những cái tên từ thuở nào và cũng còn khá nhiều trong số đó vẫn là tên nghề.
Theo tài liệu thống kê, Hà Nội ngày nay có tới 1.350 làng nghề và làng có nghề chiếm 59% tổng số làng, có 47 nghề trên 52 nghề của toàn quốc. Có gần 300 làng nghề được UBND thành phố cấp bằng danh hiệu làng nghề, trong đó là hơn 200 làng nghề truyền thống được công nhận. Những tên Phố Hàng, trước tên nghề tạo thành các phố nghề truyền thống, tuy đến nay hầu hết các phố nghề không tồn tại nữa nhưng đâu đó vẫn còn phảng phất một nét văn hóa làng nghề truyền thống trong phố cổ Hà Nội.
Thay vào đó là các làng nghề ở khu vực ngoại ô như Gia Lâm, Long Biên, Phú Xuyên, Hà Đông, Thường Tín, đang trỗi dậy với một sức sống mãnh liệt với những nét văn hóa đặc sắc riêng biệt như làng Ngũ Xã với nghề đúc đồng, Bát Tràng với nghề Gốm, Vạn Phúc với nghề Tơ tằm, Cống Xuyên nghề dệt, Đình Tổ nghề thêu…
Hệ thống các làng nghề vành đai thuộc tỉnh Hà Tây cũ là nơi được coi là quê hương của những làng nghề thủ công, truyền thống “Đất trăm nghề” với những sản phẩm độc đáo, nổi tiếng được khách trong và ngoài nước ưa chuộng. Đây là nguồn tài nguyên quý giá có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch cho Thủ đô Hà Nội….
Xây dựng sản phẩm du lịch
Theo định hướng thu hút khách du lịch đến năm 2020 Hà Nội sẽ đón 21 triệu lượt khách du lịch trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế; đến năm 2030 đón 31 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Quy hoạch cũng định hướng ưu tiên phát triển du lịch cho thủ đô Hà Nội bao gồm: Trung tâm Hà Nội, Sơn Tây - Ba Vì, Hương Sơn - Quan Sơn, Đền Sóc - Hồ Đồng Quan, Vân Trì - Cổ Loa và Hà Đông - phụ cận.
Từ quan điểm và mục tiêu phát triển này, TS Võ Quế, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: Vấn đề khai thác tiềm năng và lợi thế địa phương gắn với làng nghề, phố nghề truyền thống để tạo ra sản phẩm văn hóa thu hút khách du lịch đến tham quan là hết sức quan trọng, chính vì vậy Hà Nội cần có một quy hoạch tổng thể cho sản phẩm gắn liền với nghề, làng nghề và phố nghề truyền thống, xác định những sản phẩm làng nghề, phố nghề có thể khai thác xây dựng thành sản phẩm du lịch, lựa chọn một số làng nghề có đủ những yếu tố để xây dựng thành sản phẩm du lịch, đi đôi với sản phẩm vật chất đáp ứng nhu cầu mua bán của khách du lịch thì sản phẩm du lịch phi vật thể như lễ hội, phong tục tập quán, tâm linh tại làng nghề cũng là yếu tố quan trọng để thu hút khách tham quan, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho một số làng nghề, phố nghề đang hút khách du lịch.
Bên cạnh đó, để tạo sự lôi cuốn khách du lịch, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dịch vụ và trình độ dân trí của cộng đồng cư dân làng nghề, đào tạo lao động cho các làng nghề để nâng cao chất lượng và độ tinh xảo, xây dựng các mẫu mã, thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm du lịch. Đào tạo để phát triển nguồn nhân lực du lịch như đào tạo về phong cách tiếp đón, thuyết minh, hướng dẫn… các nghiệp vụ chuyên môn dịch vụ bàn, bar, dịch vụ ăn uống… cho chính lao động trong làng nghề.
Ngoài ra cũng cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá sản phẩm, chuẩn hóa các thông tin du lịch làng nghề, tạo môi trường du lịch, cảnh quan sạch đẹp văn minh tại các làng nghề, phố nghề, liên kết chặt chẽ các làng nghề với các công ty lữ hành chuyên nghiệp.
Anh Quang