Du học sinh Adelaide:“Đi du học để biết trái tim mình thuộc về Hà Nội“

Xuất sắc đạt 8.5 IETLS trong lần thi đầu tiên và những ngày đầu theo học ngành Khoa học Xã hội “không như mong đợi” là hai trong số những trải nghiệm du học đáng nhớ của nhân vật Trần Ngọc Lan. Cùng Hotcourses Vietnam tìm hiểu cách Ngọc Lan “tô hồng” cuộc sống du học tại Đại học Adelaide, Nam Úc nhé!

Du học sinh Adelaide:“Đi du học để biết trái tim mình thuộc về Hà Nội“

Được biết bạn du học ngay sau khi tốt nghiệp THPT. Bạn đã chuẩn bị như thế nào để thực hiện giấc mơ du học Úc trong khoảng thời gian gấp gáp và nhiều ngã rẽ như vậy?

Mặc dù mình sang Úc ngay sau khi tốt nghiệp THPT nhưng giấc mơ du học của mình đã được ấp ủ từ rất lâu rồi. Mình lên kế hoạch và thực hiện mọi thứ ngay từ đầu năm lớp 12. Ở lớp, mình cố gắng đạt kết quả cao năm cuối cấp và tham gia nhiều cuộc thi học sinh giỏi thành phố để chứng tỏ năng lực và thành tích.

Trong quá trình làm hồ sơ, mình cũng cố gắng thể hiện bản thân để tách khỏi đám đông, chứng minh bản thân xứng đáng là một ứng cử viên xuất sắc của trường.

Ngoài ra, mình cũng dành nhiều thời gian chuẩn bị cho các bài kiểm tra chuẩn hóa. Trong kỳ thi IELTS, mình nhận được số điểm 8.5/9 và mình cũng như bố mẹ rất vui, hãnh diện và cả bất ngờ vì điều đó.

Ngoài ra về mặt tài chính cũng như pháp lí, cả gia đình cũng mất khá nhiều thời gian để tự chuẩn bị mọi thứ, trong đó có nhiều giấy tờ chứng minh tài chính cũng như làm hộ chiếu, xin visa và dịch thuật.

Điều gì khiến bạn lựa chọn ngành học Xã hội học? Theo bạn đâu là những tiêu chí nên cân nhắc khi chọn ngành?

Mình rất quan tâm về những vấn đề xã hội và văn hóa tại Việt Nam và trên thế giới, cẳng hạn những vấn đề liên quan đến nhân quyền, tài chính, giáo dục, công bằng xã hội. Sau khi học thêm bộ môn Nhân văn của một cô giáo người Philippines, mình cảm thấy những vấn đề này rất bức thiết, khiến mình hiểu được tình trạng xã hội Việt Nam theo một quan điểm khách quan cũng như có một cái nhìn sâu sắc hơn về xã hội trên thế giới.

Tiêu chí hàng đầu khi chọn ngành học của mình là đam mê và lòng nhiệt huyết. Mặc dù gia đình có quan ngại về ngành xã hội học mà mình đã chọn, nhưng mình vẫn cương quyết chọn đi theo bản ngã cá nhân.

Lý do lớn nhất là vì việc chọn ngành ở bậc đại học sẽ quyết định con đường tương lai. Có thể làm bác sĩ hay doanh nhân sẽ thành công về mặt tài chính hơn, nhưng đó không phải con người hay đích đến mình mong muốn. Sống chân thật với bản thân và được trở thành con người mà mình mong muốn là những lý do khiến mình chọn Xã hội học.

Bạn có thể chia sẻ phương pháp giảng dạy và chất lượng đào tạo tại Đại học Adelaide? Đâu là lý do khiến bạn quyết định chọn ngôi trường này làm bến đỗ?

Hiện mình đang học chương trình Cử nhân Khoa học Xã hội, chuyên ngành Xã hội học (Bachelor of Social Sciences, major in Sociology) tại Đại học Adelaide, một trong top 8 trường đại học danh giá nhất nước Úc. Trường chú trọng vào việc làm thế nào để sinh viên tham gia vào việc học một cách tích cực, cũng như tăng cường ý thức đóng góp vào cộng đồng học thuật.

Nhà trường đặt ra các mục tiêu cụ thể để nâng cao kết quả học tập và phát triển khả năng thông thạo công nghệ của sinh viên, đồng thời đặt ra những cam kết rõ ràng - chẳng hạn như tăng cường phương pháp thực hành và giáo dục tích cực trong toàn thể cộng đồng giáo dục, đặc biệt tập trung vào các hình thức học nhóm và học dựa trên yêu cầu thông qua sáng kiến Kinh nghiệm Khám phá Nhóm Nhỏ (Small Group Discovery Experience hay SGDE).

Ngoài ra Đại học Adelaide còn tổ chức rất nhiều chương trình tình nguyện, đem lại cơ hội thực tập cho sinh viên để tạo dựng các mối quan hệ dù là về mặt chuyên môn hay ngoài xã hội, qua đó nâng cao kinh nhiệm và kỹ năng quan trọng cần thiết cho công việc sau tốt nghiệp. Là một sinh viên khoa Nhân văn ngành Cử nhân Khoa học Xã hội, được tình nguyện và cống hiến sức lao động và trí óc cho xã hội là lý do mình chọn ngôi trường này.

Trong số các môn học chủ chốt của ngành Xã hội học? Bạn ấn tượng với môn học nào nhất?

Những môn học chủ chốt của ngành Xã hội học trong năm nhất bao gồm Giới thiệu về Xã hội học (Introduction to Sociology), Giới thiệu về vấn đề xã hội (Social Problems).

Năm thứ hai, bộ môn Xã hội học có định đướng chuyên sâu vào kỹ năng lập luận tư duy và giải quyết vấn đề từ phương diện Xã hội học, gồm những môn như Lý thuyết Xã hội học trong thực tiễn (Sociological Theory in Action) và những môn khác về chính trị (Politics, Policy and Citizenship); nghiên cứu (Social Research), truyền thông (Public Scandals and Moral Panics – Bê bối và Hoảng loạn đạo đức).

Đến năm thứ ba, mình sẽ phải học một khóa học nâng cao để hoàn tất chuyên ngành Xã hội học của mình.

Mình ấn tượng nhất là khóa Lý thuyết Xã hội học trong Thực tiễn và Xã hội học trong chính trị (Politics, Policy and Citizenship). Hai bộ môn này đã thay đổi nhận thực của mình về thực tiễn và chính sách xã hội trên phương diện Xã hội học. Không những mình phát triển được khả năng tư duy và nhận định chiều hướng phát triển xã hội, mà mình còn có cơ hội được phát triển các đề án chính sách xã hội từ những nhận định này.

Định hướng chung của sinh viên Xã hội học sau khi tốt nghiệp chương trình Xã hội học là gì, và hoạch định tương lai của bạn ra sao?

Sinh viên ngành Khoa học Xã hội và Xã hội học có một cái nhìn rất rộng mở về định hướng tương lai, trong đó có công tác hoạch định xã hội, hoạch định chính sách, nghiên cứu thị trường, truyền thông và quan hệ công chúng, các tổ chức phát triển viện trợ, cơ quan môi trường, công tác thanh niên, phát triển cộng đồng, hòa nhập xã hội hay ở các cơ quan y tế…

Cũng giống như những sinh viên khác, với những kiến thức và kỹ năng tích lũy được, mình cũng có một cái nhìn rất tự tin và lạc quan về kế hoạch tương lai sau này. Mình dự định sẽ hoạt động công tác xã hội cho các tổ chức phát triển cộng đồng và văn hóa xã hội tại Việt Nam.

Được biết bạn đã nhận được học bổng du học của trường. Bạn có thể chia sẻ về hành trình đăng ký học bổng của mình?

Mình cảm thấy khá may mắn khi được trao học bổng International Undergraduate Award 2017 vì quá trình đăng kí học bổng diễn ra tương đối suôn sẻ. Thay vì làm hai hồ sơ riêng biệt để đăng ký nhập học và đăng ký học bổng, Đại học Adelaide chỉ yêu cầu một hồ sơ duy nhất.

Hồ sơ này chỉ xếp ứng viên vào diện xem xét cấp học bổng khi bạn thực sự có nhu cầu đăng kí theo học. Bù lại, ứng cử viên phải rất chú trọng và trau chuốt bộ hồ sơ ngay từ đầu vì sẽ không có cơ hội thứ hai để thay đổi hồ sơ.

Trước khi đi du học, quá trình học tiếng Anh của bạn ra sao? Bạn có thể chia sẻ một vài bí quyết tự học với các độc giả?

Quá trình học ngoại ngữ của mình thật sự là một quá trình dài và đầy thăng trầm. Cũng như nhiều bạn khác, mình chính thức bắt đầu học Tiếng Anh từ năm lớp 6 đến năm lớp 12. Tự học cũng nhiều, và học thêm hay học tại trung tâm cũng có.

Mình cảm thấy may mắn bởi Tiếng Anh đến với mình rất tự nhiên, luôn tràn đầy hứng thú. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn không cần không khổ luyện, hay phải thông minh hơn, hay có khả năng “trời phú” như nhiều người quanh mình thường bảo.

Cách mình hiểu là thế này: Ta dành càng nhiều thời gian làm việc gì, ta càng giỏi ở việc đó. Nếu bạn dành nhiều thời gian rửa bát, bạn sẽ rất giỏi rửa bát. Nếu bạn dành nhiều thời gian chơi e-sport, bạn sẽ rất giỏi e-sport.

Còn mình, mình dành rất nhiều thời gian học tiếng Anh (làm bài tập, đề cương, nghe nhạc, xem phim tiếng Anh, giao tiếp…), vì vậy mình có thể nói mình giỏi tiếng Anh. Cái khó là phải giữ được ý chí để vượt qua mỗi khi thấy chán, và vực dậy mỗi khi thấy nản. Với môn tiếng Anh, mình chưa bao giờ bỏ cuộc, và hiện tại vẫn đang ôn luyện hàng ngày.

Việc giỏi tiếng Anh mang lại cho bạn những thuận lợi gì cho việc học Xã hội học?

Đối với một bộ môn yêu cầu khả năng suy nghĩ độc lập cao như Xã hội học, khả năng tiếng Anh là lợi thế để trình bày mạch lạc tư duy của bản thân qua các bài thuyết trình và luận án. Ngoài ra, việc giỏi tiếng Anh còn giúp mình giao tiếp và trao đổi trong những hoạt động nhóm, để phát triển và tạo nên những trải nghiệm học tập tích cực và hiệu quả.

Bạn đã tham gia những hoạt động nào khi đang học tập tại Úc?

Tại Đại học Adelaide, mình hiện giữ vai trò Cố vấn cùng rất nhiều bạn khác cho dịch vụ Hỗ Trợ Sinh viên Quốc tế của trường. Công việc chính của mình là trò chuyện và đón sinh viên mới trong tuần lễ Orientation (Định hướng), tổ chức nhiều hoạt động miễn phí cho sinh viên như Morning Tea (Tiệc trà buổi sáng), hay chương trình Language and Cultural Engagement (Tiếp cận Ngôn ngữ và Văn hóa) nhận được sự hưởng ứng rất lớn từ sinh viên bản địa lẫn quốc tế.

Ngoài ra, mình cũng đã và đang tình nguyện cho nhiều tổ chức trong trường như làm Cố vấn cho Khoa Nhân văn (Arts), và tình nguyện viên cho Ecoversity Student Health and Wellbeing (Sức khỏe và Phúc lợi sinh viên).

Bên cạnh đó, mình còn tham gia vào Hội chữ thập đỏ tại Úc (Australian Red Cross) với vai trò là hội đồng cố vấn cho quyền lợi, sự an toàn của giới trẻ đang sinh sống và học tập tại thành phố Adelaide, cũng như trên toàn Nam Úc.

Mình cảm thấy bản thân có một nghĩa vụ đặc biệt với học sinh quốc tế tại Adelaide và Nam Úc. Trong thời gian này, mình cũng đã giúp gây quỹ cho những nông dân thiệt hại cho hạn hán kéo dài trên toàn địa bàn nước Úc.

Cuộc sống của bạn những ngày đầu tiên ở Úc như thế nào? Bạn ấn tượng điều gì nhất về thành phố bạn hiện đang sinh sống, sau một thời gian học tập ở đây?

Cuộc sống những ngày đầu ở Úc không như mình mong đợi. Adelaide là một thành phố rất nhỏ so với Hà Nội với lượng dân số ít, nhịp sống yên bình, khiến mình rất nhớ Hà Nội, nhớ gia đình, nhớ giao thông đông đúc inh ỏi, nhớ cách giải trí của Hà thành. Đến với Adelaide, mình nhận ra rằng cuộc sống du học không phải lúc nào cũng màu hồng.

Không có gia đình hay bạn bè ở bên, cũng không có nhiều thời gian đi ăn hay đi chơi khám phá. Bạn phải tự tay làm những công việc hàng ngày như đi học, nấu cơm, việc nhà… và bạn làm những điều đó trong một môi trường xa lạ mọi người đều nói tiếng nước ngoài.

Những ngày đầu du học đối với mình thực sự rất khó khăn, và mình đã được an ủi đôi chút từ ngành học mà bản thân theo đuổi. Mình luôn thầm nghĩ rằng ít ra mình yêu bộ môn Khoa học Xã hội và Xã hội học, điều đó đã giúp mình vượt qua.

Sau này, việc tham gia vào nhiều hoạt động tình nguyện giúp cho cuộc sống của mình ở Adelaide trở nên dễ dàng hơn với bạn học đến từ khắp nơi trên thế giới. Thế rồi, mình nhận ra Adelaide cũng có những nét đẹp, bí mật ẩn mình trong con phố nhỏ, giống như Hà Nội mỗi ngõ ngách một tính cách, một văn hóa riêng vậy. Giờ đây mình đã rất gắn bó và thêm yêu thành phố Adelaide.

Cuối cùng, bạn có thể cho độc giả biết làm thế nào để biết mình có phù hợp với lĩnh vực Xã hội học, và bạn có lời khuyên nào dành cho những bạn muốn theo ngành Khoa học Xã hội tại Úc?

Xã hội học là một bộ môn nghiên cứu khoa học về hành vi của con người trong xã hội họ sống, cách thức tổ chức và phát triển, và những gì nó có thể trở thành trong tương lai. Bộ môn này đặc biệt ở chỗ nó không yêu cầu một kiến thức hay kỹ năng cụ thể để theo học.

Ngược lại, nó dạy bạn cách suy nghĩ và tư duy, đưa ra câu trả lời cho các vấn đề phức tạp ở cấp độ cao. Vì vậy, để biết mình có phù hợp với bộ môn Xã hội học hay không, bạn chỉ cần xem bản thân mình có quan tâm đến những vấn đề xã hội, văn hóa, chính trị trong xã hội hiện nay, và liệu bạn có muốn thay đổi xã hội theo chiều hướng tích cực hay không.

Bên cạnh đó, mình nhận thấy rằng Xã hội học là một trong số những bộ môn yêu cầu khả năng tư duy và suy nghĩ độc lập khá cao, vì mỗi người đều có một nhận thức xã hội riêng biệt và không có câu trả lời đúng hay sai trên phương diện Xã hội học. Do đó, khả năng tư duy độc lập theo mình là một trong những yêu cầu thiết yếu duy nhất để bạn có thể trở nên thực sự giỏi trong bộ môn này.

Trong quá trình du học, đôi khi bạn có thể phải học ngành bạn không mong muốn, không tìm được việc làm, hay thành phố bạn sống không như bạn mong đợi. Điều quan trọng nhất khi ấy là có ý chí và nghị lực vượt qua và tiến lên trong cuộc sống. Bản thân mình cảm thấy rất may mắn vì được sống xa nhà, có cơ hội tìm kiếm bản ngã cá nhân, tìm được ý chí và khát vọng.

Và đặc biệt hơn cả, khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn. Bây giờ mình đã biết trái tim mình thật sự thuộc về Hà Nội, thuộc về bố mẹ, ông bà, với những người bạn cách xa 8000 cây số nhưng vẫn nhắn tin và mong chờ ngày mình về. Mình cảm thấy thật sự rất may mắn vì đã nhận ra điều ấy.

Theo hotcourses.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ