(GD&TĐ) - Thời gian ở lại nước sở tại lâu hơn, từ đó kiếm được nhiều tiền hơn, đó là lý do rất nhiều người hiện nay tìm cách ra nước ngoài với cái “mác” du học. Nắm bắt nhu cầu này, nhiều công ty chuyên về du học định cư mở ra và kiếm bộn tiền.
->> Hết thời “thả nổi” dịch vụ tư vấn ->> Con đường không trải hoa hồng ->> Lựa chọn con đường du học: Cần bản lĩnh, kỹ năngTìm hiểu thông tin tại các triển lãm du học |
Định cư nước ngoài, chuyện đơn giản!
Du học - định cư tại Úc, không cần Anh văn, không cần tay nghề - quảng cáo hấp dẫn của Công ty CP lữ hành Quốc tế xanh này có thể tìm thấy trên rất nhiều trang mạng. Chỉ với điều kiện vô cùng đơn giản: độ tuổi từ 18 đến 40, đã học xong lớp 12, ngay sau khi đến Úc có thể làm việc thời gian 20 giờ/tuần; nếu có vợ hoặc chồng, con có thể mang theo; đảm bảo có visa đi Úc sau 8 tuần kể từ ngày nộp đủ hồ sơ. Khi sang Úc, được hỗ trợ việc làm bán thời gian trong khi học và toàn thời gian trong dịp hè. Sau hai năm, được hỗ trợ để trở thành thường trú vĩnh viễn, nghĩa là được hưởng những quyền lợi như một công dân Úc: trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp bệnh tật, hỗ trợ tiền bạc từ chính phủ để học tập, mua nhà, sinh con…
Theo tư vấn của nhân viên công ty này, nếu trình độ ngoại ngữ kém, “khách hàng” sẽ phải học thêm từ 8 đến 10 tháng tiếng Anh với chi phí khoảng 10 nghìn đô Úc; trình độ tiếng Anh tốt rồi chỉ phải học thêm 4 tuần, chi phí khoảng 5 nghìn. Sau tối thiểu 2 năm học, văn phòng công ty bên Úc sẽ hướng dẫn, hỗ trợ làm thủ tục định cư, mức chi phí cho việc này vào khoảng 15 đến 20 nghìn đô Úc. Tuy nhiên, nhân viên này cũng lưu ý, nghề nghiệp chọn học phải nằm trong list các ngành nghề mà chính phủ Úc yêu cầu như kế toán; CNTT; y dược sĩ; người giúp đỡ, dạy dỗ trẻ em, làm nail, cắt tóc, đầu bếp; kĩ sư cơ khí, xây dựng, hóa học, kiến trúc sư; thợ thủ công, kĩ thuật…
Mảnh đất du học định cư Úc có vẻ rất hấp dẫn, nên chỉ cần tìm từ khóa nội dung này trên google có thể được trả cả triệu kết quả. Rất nhiều công ty du học đưa ra những điều kiện hấp dẫn khiến khách hàng có cảm giác cơ hội định cư tại Úc ở ngay trong tầm tay. Ngoài Úc, thị trường du học định cư các nước như Canada, Nhật Bản, Đài Loan ... cũng rất sôi động.
Anh Phan Chính, đại diện một công ty tư vấn du học cho biết, những thị trường nói trên hiện được nhiều người Việt Nam lựa chọn vì cho rằng dễ định cư, nói là đi học nhưng thực chất là sang để làm việc kiếm tiền. Du học là con đường vừa “sang”, vừa có lợi vì ngoài được ở lại nước sở tại thời gian lâu hơn so với đi xuất khẩu lao động còn có cơ hội để định cư lâu dài. Tuy nhiên, việc định cư tại các nước nói trên thực chất không hề dễ dàng. Nhiều công ty chỉ muốn tuyển được người học để hưởng hoa hồng nên quảng cáo quá sự thật. Không ít người đã mắc bẫy “lừa” của các công ty, cũng như “cò” du học vì tin vào những quảng cáo hấp dẫn như trên.
Sinh viên Việt Nam nhận bằng tốt nghiệp tại ĐH Troy, Mỹ |
Vỡ mộng vùng đất hứa
Phạm Đỗ Duyên, cựu du học sinh trường Sanritsu (Nhật Bản), hiện đang sinh sống tại Nhật bức xúc, nhiều công ty du học tại Việt Nam quảng cáo đưa lưu học sinh sang Nhật du học kiêm cả giới thiệu việc làm. Nhưng để có công việc, ví dụ như bán hàng hay phục vụ thì phải biết tiếng, phải trải qua vòng phỏng vấn, nếu đạt yêu cầu mới được nhận vào làm. Công ty tư vấn du học nhận tiền rồi đem con bỏ chợ, sinh viên phỏng vấn không đạt cũng không biết kêu ai. Hoặc nhiều khi các công ty này đưa lưu học sinh vào làm tại những nơi như đóng cơm hộp hay đóng rau, những chỗ này thì đơn giản hơn vì không cần biết tiếng. Nhưng vì đặc thù công việc phải làm đêm nên hôm sau đến lớp không thể học được, chỉ có ngủ. Tuy nhiên, vì vẫn có tiền gửi về nhà, người nhà không hiểu cứ nghĩ rằng sang đó vừa được đi học, vừa kiếm ra nhiều tiền nên vẫn đua nhau tìm cách cho con sang.
“Nhiều công ty hứa hẹn sang Nhật học xong sẽ có việc làm ngay, nhưng sự thật không đơn giản như vậy. Nếu có, họ giới thiệu mối làm giấy tờ, người làm phải chi thêm khoảng 60 vạn Yên, nếu có giấy tờ đi làm công ty sẽ được ở lại. Sau đó thì phải tự túc tìm việc, không thì phải làm kết hôn giả” – Duyên cho biết.
Trước thực trạng nhiều học sinh xin visa sang Đài Loan học tiếng Trung ở lại quá hạn, bỏ trốn hoặc lao động bất hợp pháp, Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội đã phải ra thông báo quy định rõ, Văn phòng chỉ tiếp nhận trường hợp xin visa du học tiếng Trung tại Đài Loan đối tượng là học sinh tốt nghiệp (hoặc đang theo học) đại học trở lên. Với những trường hợp tốt nghiệp PTTH hoặc cao đẳng phải có thành tích học tập trung bình chung các môn học từ 6.0 trở lên. Ngoài ra, người nộp hồ sơ phải có đầy đủ chứng minh tài chính và trình độ tiếng Trung hoặc tiếng Anh cơ bản. Ví dụ chứng chỉ tiếng Trung do Trung tâm tư vấn giáo dục Đài Loan cấp, chứng nhận “Trắc nghiệm năng lực tiếng Trung” TOCFL do Bộ Giáo dục Đài Loan cấp hoặc các chứng chỉ tiếng Anh khác như T0FEL, TOEIC hoặc IELTS…)
Ước mơ du học định cư tại Mỹ lại càng khó khăn hơn vì từ năm 2008, Chính phủ nước này siết lại việc tiếp nhận du học sinh. Quy định bất kỳ một đương đơn nào xin vào Mỹ với bất kỳ mục đích nào đều được xem là có ý định ở lại nước này tại Luật Di trú của Mỹ khiến việc xin visa du học đến nước Mỹ trở nên rất khó khăn.
Không chặt chẽ như Mỹ, chính sách xin visa của Úc có thoáng hơn. Từ tháng 9/2011, Chính phủ Úc đã thông báo một số thay đổi trong chính sách visa sinh viên, theo đó nới lỏng điều kiện về tài chính và chứng chỉ tiếng Anh. Nhưng theo anh Phan Chính, giám đốc một công ty tư vấn du học tại Hà Nội, đó là đối với đối tượng muốn đi học và trải nghiệm đích thực. Nếu lợi dụng chính sách “mở” này, lưu học sinh tìm cách sang Úc để ở lại định cư hay bỏ học để đi làm sẽ dễ làm đất nước này siết chặt quản lý trở lại. Đó là chưa kể, những công ty tư vấn du học chuyên làm công việc này sẽ bị lãnh sự quán lưu ý. Còn theo Tổng lãnh sự quán Úc tại TP.HCM, nhiều du học sinh nộp đơn định cư tại Úc khi hoàn thành khóa học, nhưng đây là quá trình riêng biệt và không có đảm bảo nào cho việc định cư cả; việc định cư theo diện có tay nghề tại Úc, thông thường phụ thuộc vào thị trường lao động, tiêu chuẩn cấp thị thực thì có thể thay đổi để phù hợp hoàn cảnh kinh tế.
Hải Bình