Dự án trường quốc tế Pháp Alexandre Yersin: Những câu chuyện dở khóc, dở cười

Dự án trường quốc tế Pháp Alexandre Yersin: Những câu chuyện dở khóc, dở cười

(GD&TĐ) - Được coi là “lá phổi xanh” của phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội và là mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương; Nhiều năm nay, “Ngọc cảnh viên” đã trở thành điểm đến của người dân Thủ đô Hà Nội và những vùng lân cận, đến thăm quan và học tập kinh nghiệm làm nghề sinh vật cảnh (Một nghề đã và đang trở thành ngành kinh tế sinh thái, đóng góp tích cực vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các địa phương). Song khu vườn này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ bởi dự án xây dựng trường quốc tế Pháp Alexandre Yersin dự kiến sẽ được triển khai tại đây. Tuy nhiên xung quanh dự án này có rất nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười mà ở đó quyền lợi của người dân cần được giải quyết thỏa đáng. 

Dự án xây dựng trường quốc tế Pháp Alexandre Yersin tại tổ 19, phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội khiến “Ngọc cảnh viên” có nguy cơ bị xóa sổ
Dự án xây dựng trường quốc tế Pháp Alexandre Yersin tại tổ 19, phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội khiến “Ngọc cảnh viên” có nguy cơ bị xóa sổ

Từ một bãi đất thùng vũng trở thành “Ngọc Cảnh Viên”

Tiền thân là một bãi đất nông nghiệp với nhiều thùng vũng, chiêm trũng thuộc tổ 19, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội. Ngày 21/12/2006 UBND quận Long Biên có quyết định số 2182/QĐ – UBND về việc phê duyệt phương án chuyển đổi cây trồng, cây ăn quả, hoa cây cảnh tại khu vực này. Đến ngày 15/01/2007, UBND phường có thông báo số 33/TB – UBND về việc mời thầu “đấu thầu thực hiện phương án chuyển đổi cây trồng, cây ăn quả, hoa cây cảnh” trên địa bàn tổ 19 với thời gian thực hiện là 20 năm, chu kỳ hợp đồng 5 năm.

Trên cơ sở đó, một số hội viên Hội sinh vật cảnh phường Ngọc Thụy đã thống nhất tham gia đấu thầu và cử ông Đỗ Văn Quang làm trưởng nhóm để đại diện tham gia. Ông Quang kể lại: Toàn bộ “Ngọc cảnh viên” rộng hơn 9.000m2; ban đầu là một bãi đất thùng vũng, chiêm trũng, có những chỗ sâu tới hàng mét. Sau khi trúng thầu, các thành viên trong nhóm đã đầu tư nhiều tỷ đồng để san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, trồng một số cây cảnh và lấy tên là “Ngọc cảnh viên”.

Bản thân ông Quang cũng phải bỏ ra số vốn ban đầu gần 8 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng và mua một số giống cây cảnh bonsai. Ông Quang cũng cho biết thêm: Trong nhóm, người ít cũng phải bỏ ra trên dưới 5 tỷ đồng, người nhiều thì đóng góp trên 8 tỷ để đầu tư xây dựng thành “Ngọc cảnh viên” được như ngày hôm nay.

… Nguy cơ bị xóa sổ

Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay thì với những người dân nơi đây, “Ngọc cảnh viên” được ví như là “lá phổi xanh” của địa phương. Nhiều người còn ví đó như là một công viên cây xanh điển hình của quận Long Biên vừa đem lại lợi ích kinh tế, vừa tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động là con em địa phương và góp phần nhân rộng mô hình tới nhiều gia đình trên địa bàn, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Tuy nhiên, ngày 19/10/2011, UBND quận Long Biên ra thông báo về việc thu hồi đất thực hiện công tác giải phóng mặt bằng ô đất quy hoạch ký hiệu A1-1/TH và A1-1/THCS thuộc phường Ngọc Thụy để chuẩn bị mặt bằng dự án xây dựng trường quốc tế Pháp Alexandre Yersin. Theo đó, toàn bộ “Ngọc cảnh viên” nằm trong diện tích đất bị thu hồi. Như vậy công viên cây xanh này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Chị Phạm Thị Lan và một số người dân địa phương bộc bạch: “Tôi rất tiếc nếu như “Ngọc cảnh viên” mất đi. Điều đó có nghĩa là sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến miếng cơm  manh áo của những thành viên trong nhóm, còn chúng tôi thì mất đi một không gian xanh”.

Những thành viên trong vườn “Ngọc cảnh viên” lo lắng: Trong vòng chưa đầy 1 tháng, hàng nghìn cây cảnh các loại như thế này không biết phải di chuyển đi đâu?
Những thành viên trong vườn “Ngọc cảnh viên” lo lắng: Trong vòng chưa đầy 1 tháng, hàng nghìn cây cảnh các loại như thế này không biết phải di chuyển đi đâu?

…Những câu chuyện dở khóc, dở cười

Ngay sau khi có thông báo về việc thu hồi toàn bộ diện tích đất của “Ngọc cảnh viên” để xây dựng trường quốc tế Pháp Alexandre Yersin, với phương án bồi thường hỗ trợ là 113 triệu đồng. Thấy không thỏa đáng, ông Quang và 7 thành viên còn lại đã kiến nghị lên UBND phường Ngọc Thụy thì được tăng lên 458 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo ông Quang và các thành viên khác: “Mức đền bù như vậy vẫn chưa thỏa đáng" so với số tiền nhiều tỷ đồng mà các ông bỏ ra để tôn tạo, đấy là chưa kể sau gần 5 năm đầu tư phát triển thì tài sản hiện có trên “Ngọc cảnh viên” có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng, với hàng nghìn cây cảnh các loại.

Song điều mà các ông hoang mang, lo lắng đó là: Sau khi “Ngọc cảnh viên” bị thu hồi, toàn bộ số cây ở đây sẽ không có chỗ để. Thêm vào đó, số tiền vay vốn từ ngân hàng và người thân lên đến hàng tỷ đồng sẽ khó có khả năng để trả nợ. Gia đình ông Đào Tiến Thông là một ví dụ. Để có được số vốn ban đầu là 5 tỷ đồng, ông đã phải bán cả lò bánh mỳ của gia đình và thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với ngân hàng để huy động nguồn vốn. Ông Thông tâm sự: “Hiện nay, tiền lãi chưa thấy đâu mà nợ thì vẫn còn đó, nếu mà phải giải tỏa thật thì chúng tôi bị lâm vào đường ngõ cụt và trở nên điêu đứng”.

Ông Đỗ Văn Quang trưởng nhóm vườn “Ngọc cảnh viên” tâm sự: Hiện chúng tôi đang rơi vào hoàn cảnh “dở khóc, dở cười”.
Ông Đỗ Văn Quang trưởng nhóm vườn “Ngọc cảnh viên” tâm sự: Hiện chúng tôi đang rơi vào hoàn cảnh “dở khóc, dở cười”.

Ông Đỗ Văn Quang trưởng nhóm vườn “Ngọc cảnh viên” trao đổi: Theo phương án hỗ trợ của UBND phường Ngọc Thụy, thì việc hỗ trợ di chuyển một số cây cảnh trên chậu là 10% so với công di chuyển của các loại cây dưới đất (nếu quy ra tiền tương đương khoảng 10.000đ/cây) là chưa hợp lý, bởi hiện tại trong vườn hầu hết đều là cây to được trồng trên chậu lớn, khi vận chuyển phải thuê xe cẩu từ 5->6 tấn với chi phí vài triệu đồng/cây.

Còn ông Đặng Xuân Hiệp và ông Phạm Văn Nhâm phân trần: Vì phương án được duyệt thực hiện là 20 năm nên chúng tôi mới mạnh dạn bỏ ra số tiền lớn như vậy để đầu tư vào sinh vật cảnh. Ai ngờ mới chỉ đầu tư chưa được 5 năm (chưa hết thời hạn hợp đồng lần 1) đã có kế hoạch bị giải tỏa. Điều mà chúng tôi bức xúc đó là: “Kể từ ngày ra thông báo, trong vòng chưa đầy 1 tháng, UBND phường Ngọc Thụy yêu cầu chúng tôi phải thực hiện di chuyển cây cảnh để trả lại quỹ đất sạch cho chính quyền địa phương. Với quỹ thời gian đó, việc vận chuyển hàng nghìn cây cảnh trong vườn là không thể thực hiện được. Thực tế để di chuyển toàn bộ số cây trong vườn cần có thời gian ít nhất từ 3 đến 5 tháng và có một mặt bằng rộng tương đương như “Ngọc cảnh viên”. Thông báo của phường đã khiến chúng tôi dở khóc, dở cười”.

Trao đổi với chúng tôi, tất cả các thành viên đều cho rằng: “Nếu là dự án để phục vụ cho việc xây dựng các trường công lập nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, hay phục vụ cho an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì chúng tôi không nói làm gì; thậm chí nếu đúng là chủ trương của Thành phố dành quỹ đất để xây dựng trường quốc tế Pháp theo đúng nghĩa thì anh em sẵn sàng chấp hành các phương án hỗ trợ, bồi thường. Song nguyện vọng của chúng tôi là: Nếu phải thu hồi, giải phóng mặt bằng, chính quyền các cấp cần xem xét, tạo điều kiện cho các thành viên của “Ngọc cảnh viên” một diện tích đất tương đương để có thể tiếp tục duy trì và phát triển chứ không thể “đem con bỏ chợ” như vậy được”.

Được biết, theo quy định về thời hạn thuê đất nông nghiệp 20 năm đối với đất nông nghiệp thì khi hết thời hạn, người dân vẫn có thể thuê tiếp nếu Nhà nước không có nhu cầu thu hồi để sử dụng vào các vấn đề an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Liên quan đến vấn đề này, nhiều người dân địa phương đã đặt câu hỏi: Trường quốc tế Pháp Alexandre Yersin có nằm trong điều kiện ưu tiên trên hay không? Có phục vụ lợi ích công cộng hay không? Bởi thực tế để được vào học một trường như vậy không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện để cho con em mình theo học!?

Thực tế cho thấy, để người dân yên tâm sản xuất, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng nên kéo dài thời gian giao đất cho người nông dân để họ có thể yên tâm đầu tư, sản xuất. Đã đến lúc chúng ta phải tính tới sự yên tâm của nhà đầu tư khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nên thời hạn giao đất có thể không phải 20 năm, mà lên đến 30 năm đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và có thể nâng lên 70 năm hay 90 năm đối với đất trồng cây lâu năm”.

GS. TSKH Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường đã từng phát biểu trên báo chí: “Thời hạn và hạn điền đối với đất sản xuất nông nghiệp, rừng sản xuất, nuôi trồng thủy sản, làm muối của hộ gia đình, cá nhân chưa thỏa đáng. Với thời hạn 20 năm, động lực suy giảm dần vì người sử dụng đất không yên tâm tập trung đầu tư đất đai, phát triển kinh tế trang trại. Nên bỏ thời hạn và hạn điền đối với đất nông nghiệp để tạo động lực mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp, làm cho xã hội nông thôn phát triển và nông dân khá giả hơn”.

Từ những ý kiến nêu trên có thể hình dung hoàn cảnh khó khăn mà các thành viên trong “Ngọc cảnh viên” đang gặp phải.

Với tất cả những vấn đề nêu trên, chúng tôi đã nhiều lần liên lạc với bà Phạm Thị Kim Oanh – Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, Quận Long Biên, Hà Nội để làm việc và tìm một số lời giải đáp nhưng đều bị bà từ chối với lý do là bận họp. Phải chăng phía sau câu chuyện này còn có những câu chuyện khác chưa thể thông báo công khai, minh bạch./.

Minh Hằng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ