Dự án ODA đầu tư cho GD&ĐT đã thực sự phát huy hiệu quả

GD&TĐ - Các dự án ODA đầu tư cho GD&ĐT dù chiếm tỷ trọng không lớn nhưng có vai trò quan trọng và đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển GD&ĐT.

Phiên giải trình của Chính phủ về hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA và chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực GD&ĐT
Phiên giải trình của Chính phủ về hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA và chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực GD&ĐT

Đó là nhận định đáng chú ý trong báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đánh giá trong phiên giải trình của Chính phủ về hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA và chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực GD&ĐT diễn ra sáng nay (28/12).

Dự phiên giải trình, về phía Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội có GS.Viện sĩ Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban; các Phó Chủ nhiệm và thành viên Ủy ban; đại diện Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội.

Về phía Chính phủ có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận; Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tí; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương…

Các dự án ODA đã được đầu tư đúng trọng tâm

Thay mặt Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, GS.Viện sĩ Đào Trọng Thi khẳng định:

Các dự án ODA đầu tư cho GD&ĐT không chỉ giúp tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của Ngành mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu áp dụng các mô hình GD&ĐT tiên tiến trên thế giới và các phương pháp, kinh nghiệm tốt trong quản lý GD&ĐT, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra một số hạn chế như: Các quy định về pháp luật liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA trong lĩnh vực này còn chồng chéo, chưa đồng bộ, thiếu ổn định và giá trị pháp lý chưa cao; hệ thống thông tin về ODA còn chưa đầy đủ, thống nhất và cập nhật…

Để tiếp tục tăng cường, thu hút, tận dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn ODA trong lĩnh vực GD&ĐT, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện thay đổi nhận thức, tư duy về quản lý, sử dụng vốn ODA; hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn chương trình mục tiêu quốc gia; tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn này và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm...

Nhiều thành viên của Ủy ban đều có chung nhận định về sự hiệu quả, đầu tư đúng trọng tâm của các dự án ODA trong GD&ĐT.

“Qua giám sát và trực tiếp theo dõi chương trình mục tiêu quốc gia và dự án, tôi thấy các dự án, chương trình đã phát huy khá hiệu quả, kể cả ở các vùng khó khăn. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã triển khai các chương trình tiếp cận với đổi mới giáo dục, từng bước thực hiện Nghị quyết 29 hiệu quả” - Đại biểu Nguyễn Xuân Trường nhận định.

Tại phiên giải trình, đại diện Chính phủ và thành viên Ủy ban đã có những trao đổi thẳng thắn, cởi mở về những vấn đề liên quan đến sử dụng nguồn vốn ODA, các chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực GD&ĐT.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan đến lĩnh vực giáo dục
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan đến lĩnh vực giáo dục   

Đề xuất 4 dự án, chương trình sử dụng vốn ODA giai đoạn 2016 - 2020

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận báo cáo kết quả thực hiện các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA và chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực GD&ĐT.

Báo cáo cho biết: Phần lớn các dự án ODA trong lĩnh vực GD&ĐT đều được đánh giá đảm bảo tiến độ thực hiện và thời hạn kết thúc dự án. Một số dự án còn chậm trễ trong giai đoạn khởi động do triển khai tại các tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn (công trình xây dựng nhỏ lẻ, năng lực triển khai dự án ở cấp trường, cấp địa phương thấp…).

Với cơ chế phân cấp, ủy quyền triệt để của Bộ GD&ĐT cho các tỉnh thụ hưởng dự án từ khâu lập dự án, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư đến khâu thanh, quyết toán công trình hoàn thành, cùng với sự hỗ trợ sát sao của các Ban quản lý dự án đã giúp cho các dự án đầu tư lĩnh vực giáo dục phổ thông giai đoạn 2011 – 2015 đều kết thúc đúng hạn, đảm bảo mục tiêu dự án.

Về tỷ lệ giải ngân, trong số các dự án ODA thuộc giai đoạn 2004 - 2014, có 12 dự án đã kết thúc (đạt tỷ lệ giải ngân khi hoàn thành 93%; một số dự án khi kết thúc đã giải ngân trên 100%) và 11 dự án đang triển khai.

Trong số các dự án ODA đang thực hiện có một số dự án sắp kết thúc có kết quả thực hiện được nhà tài trợ đánh giá tốt như Chương trình phát triển giáo dục trung học; Dự án tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non.

Trên cơ sở các định hướng ưu tiên của Chính phủ, Chiến lược đối tác quốc gia và chính sách ưu tiên của các nhà tài trợ, sau khi trao đổi với các nhà tài trợ và cơ quan quản lý nhà nước liên quan, Bộ GD&ĐT đã chính thức đề xuất các dự án ODA cho giai đoạn 2016 - 2020, gồm: Dự án Phát triển các trường sư phạm; Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục ĐH; Chương trình phát triển giáo dục trung học giai đoạn 2; Dự án Tăng cường cơ sở vật chất cho các trường mầm non.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia GD&ĐT, đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, về cơ bản, các tỉnh/thành phố đã hoàn thành được nhiệm vụ, mục tiêu về GD&ĐT theo kế hoạch đề ra, cơ sở vật chất các trường học đã được tăng cường và có những thay đổi đáng kể.

Một ví dụ, kết quả về huy động trẻ, học sinh trong độ tuổi đến trường tương đối tốt (99% số trẻ em 5 tuổi được đến trường; 99,5% trở lên trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non được học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục mầm non mới, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch…)

Về củng cố và duy trì phổ cập giáo dục, đến năm 2015 đạt 98% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức đô 1; 90% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập THCS đúng độ tuổi, đạt kế hoạch đề ra…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả các Dự án, Chương trình, báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trình bày đề xuất: Tiếp tục nâng cao năng lực cho các chủ đầu tư, các phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT; chỉ đạo thống nhất cơ chế quản lý tại Trung ương, trong đó Bộ GD&ĐT có vai trò cụ thể hơn trong việc hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định phân giao; khắc phục tình trạng địa phương không tuân thủ ưu tiên các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình Trung ương phê duyệt.

Đồng thời, chỉ đạo thống nhất cơ chế phối hợp quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia GD&ĐT tại địa phương; trong đó, Sở GD&ĐT là đầu mối của các chương trình về giáo dục.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tăng tỷ lệ vốn đối ứng của địa phương, bao gồm cả ngân sách địa phương và các nguồn huy động của doanh nghiệp, cộng đồng; tăng cường hoạt động giám sát đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia cả ở cấp Trung ương và địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ