Dự án đầu tư công chưa hiệu quả

Dự án đầu tư công chưa hiệu quả

(GD&TD)-Đó là vấn đề tập trung nhiều ý kiến đóng góp của các ĐBQH trong phiên thảo luận tại hội trường sáng nay (27/10), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Nhiều công trình đầu tư công tốn kém nhưng hiệu quả thấp (ảnh MH)
Nhiều công trình đầu tư công tốn kém nhưng hiệu quả thấp (ảnh MH)

Theo kế hoạch, hôm nay, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận 2 ngày về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012.

Trong phần thảo luận, đa số các đại biểu tập trung đưa ra các giải pháp nhằm giảm lạm phát, nợ công, chính sách tài chính-tài khoá phù hợp.

Theo đại biểu Nguyễn Cao Sơn, Chính phủ cần đưa ra những giải pháp trong điều hành kinh tế những tháng cuối năm, tiếp tục thực hiện Nghị quyết XI. Muốn ngăn chặn lạm phát phải có chính sách đồng bộ về chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ.

Thời gian qua, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chịu tác động rất lớn từ bất ổn của nền kinh tế thế giới và trong nước. Các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính. Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn nước ngoài thường xuyên. Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, các Bộ, ngành liên quan cần phối hợp hoàn thiện đề án Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) nhận định: Do chính sách thắt chặt tiền tệ và tài khoá, chúng ta đã giảm được chỉ số CPI nhưng mức giảm hàng hoá vẫn chưa khả quan. Do đó, trong năm 2012, Chính phủ cần phấn đấu giảm lạm phát xuống còn 1 con số, còn nếu như chỉ số CPI vẫn ở mức 2 con số như hiện nay thì chúng ta sẽ mất hết những thành quả kinh tế đã đạt được trong nhiều năm qua.

Xung quanh vấn đề này, đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) nêu ý kiến: Chính phủ cần đưa ra quyết tâm chống lạm phát năm 2012 xuống dưới 1 con số, trước mắt là chưa đưa ra con số tăng trưởng kinh tế quá cao.

Song song với vấn đề giảm lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ cần nghĩ tới tái cấu trúc nền kinh tế. Đó là quan điểm của đại biểu Hà Ngọc Chiến (đoàn Cao Bằng). Theo đó, tái cấu trúc nền kinh tế phải phù hợp, trong đó có tái cơ cấu ngân hàng phải có lộ trình cụ thể nhằm tránh ảnh hưởng xấu tới nền kinh tế vĩ mô.

Về vấn đề đầu tư công, theo đại biểu Trần Du Lịch, 6 nhóm giải pháp của Nghị quyết XI đề ra là phải đồng bộ nhưng khi tiến hành triển khai trong thực tiễn, vẫn còn những bất cập.

Chính sách tiền tệ và tài khoá, thắt chặt đầu tư công vẫn chưa đạt được như kế hoạch đề ra. Đầu tư công vẫn tăng tới 15%, với 23.000 tỷ đồng. Cụ thể là trong một năm, chúng ta phê duyệt trên 20.000 dự án, trong đó có 15.000 dự án tiếp tục đầu tư, hơn 5.400 dự án đầu tư mới. Những dự án này chủ yếu là do nước ta phải vay tiền nước ngoài. Vì vậy, cần quản lý, siết chặt nợ công.

Đại biểu Lê Phước Thanh (đoàn Quảng Nam) cho rằng: Cần phải rà soát đầu tư công. Trong thời gian qua, đầu tư công cho các công trình còn dàn trải nhưng hiệu quả chưa cao.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Cao Sơn nêu ý kiến, Chính phủ cần đưa ra các giải pháp điều hành các dự án đang thi công thực hiện bằng nguồn ngân sách. Với giá nguyên vật liệu biến động như đầu năm 2011 đã tăng trên 20%, trong khi đó mức dự phòng cho việc trượt giá 10% thì các doanh nghiệp xây dựng sẽ không bù đắp được chi phí dẫn đến việc thi công kéo dài, gây lãng phí.

Minh Duy
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ