(GD&TĐ) - Đợt I kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, không có trường hợp thí sinh nào mang thiết bị điện tử công nghệ cao vào phòng thi. Điều này đã giải tỏa những lo lắng không đáng có của giám thị trước ngày thi. Ngay khi kết thúc đợt thi, báo GD&TĐ đã phỏng vấn Thứ trưởng Bùi Văn Ga - Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ - về việc trên.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga - Trưởng Ban chỉ đạo Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 |
Toàn xã hội thấy rõ hơn không gian thực sau cánh cổng trường thi
- Thưa Thứ trưởng, chủ trương cho phép thí sinh được mang vào phòng thi những thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng không thu phát, không xem, nghe trực tiếp, của Bộ GD&ĐT đã được xã hội đánh giá cao.
Quan điểm chỉ đạo trên phải chăng với mục đích tăng cường tính minh bạch trong phòng thi, khi xã hội cho rằng còn có những “vùng cấm” trong tuyển sinh mà không phải các Đoàn thanh tra lúc nào cũng đến được?
* Việc Bộ cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng phát âm, phát hình tại chỗ, không có chức năng truyền được thông tin ra ngoài là nhằm mục đích tăng cường thêm tính nghiêm túc của kỳ thi thông qua kênh tự giám sát. Điều này sẽ làm cho giám thị nâng cao thêm ý thức trách nhiệm khi làm nhiệm vụ, góp phần ngăn chặn tiêu cực trong phòng thi.
Sự giám sát của thí sinh với những bằng chứng cụ thể sẽ làm cho xã hội thấy rõ hơn không gian thực sau cổng trường thi. Trước đây, không gian này chỉ có những người trong cuộc mới biết, thiếu công khai, minh bạch, gây nghi ngờ tính công bằng và khách quan.
- Không phản đối chỉ đạo của Bộ, nhưng nhiều Hội đồng thi, cán bộ coi thi không khỏi có những lo lắng về việc kiểm tra thí sinh mang thiết bị điện tử vào phòng thi là loại được phép hay không. Rồi thí sinh lạm dụng việc cho phép này để sử dụng thiết bị công nghệ cao quay cóp?
* Không đến mức phải lo lắng như thế! Thực tế đã diễn ra trong mùa thi tuyển sinh năm ngoái: Trong cả nước không có thí sinh nào mang các thiết bị này vào phòng thi.
Thiết bị ghi âm, ghi hình công nghệ cao rất đa dạng nên không thể nào liệt kê đầy đủ danh mục của chúng. Nhưng ai cũng biết, muốn nghe được âm thanh thì phải có loa hoặc tai nghe; muốn xem được hình ảnh thì phải có màn hình hiển thị thông tin. Đó là những điều mà giám thị nào cũng nhận biết được. Nếu nghi ngờ thiết bị có thể truyền tin ra ngoài thì báo với Hội đồng thi để kiểm chứng.
Để ngăn chặn gian lận bằng thiết bị công nghệ cao thì giám thị phải hết sức quan tâm đến trách nhiệm của mình khi làm nhiệm vụ. Nếu quan sát kỹ phòng thi một cách nghiêm túc thì không có sự gian lận nào, dù là xem tài liệu truyền thống hay sử dụng thiết bị công nghệ cao, có thể qua mắt được cán bộ coi thi.
Đợt I của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 vừa kết thúc. Đến giờ này đường dây nóng của Bộ trưởng cũng chưa nhận được phản ánh tiêu cực nào từ các phòng thi trên cả nước. Những thí sinh bị đình chỉ thi năm nay chủ yếu là mang điện thoại di động vào phòng thi, không có thí sinh nào bị xử lý vì gian lận bằng thiết bị công nghệ cao.
Đừng nghĩ đến việc vào ĐH bằng con đường tiêu cực
- Thưa Thứ trưởng, buối thi môn Toán sáng 4/5, Học viện An ninh Nhân dân đã phát hiện một trường hợp thi hộ của thí sinh ở điểm thi Trường THCS Nguyễn Trãi, (Hà Đông, Hà Nội). Việc phát hiện khi thí sinh này đang làm bài, cho thấy vai trò của cán bộ coi thi là rất quan trọng. Ban chỉ đạo thi có ý kiến gì về vụ việc này?
* Qui chế tuyển sinh đã qui định rõ qui trình kiểm tra thí sinh khi vào phòng thi qua đối chiếu ảnh của thí sinh trên thẻ dự thi, trên giấy tờ tùy thân, trên danh sách ảnh của phòng thi. Khi có nghi ngờ thí sinh thi hộ thì giám thi cần báo cho điểm trưởng điểm thi biết để xác minh.
Việc xác minh những trường hợp này không khó nhưng vấn đề quan trọng là phải phát hiện thí sinh có dấu hiệu thi hộ. Điều này phụ thuộc nhiều vào vai trò và trách nhiệm của cán bộ coi thi. Mặt khác, các hội đồng thi cần chấp hành nghiêm qui chế về lập danh sách ảnh để đối chiếu với thí sinh khi đến dự thi.
Việc xác minh thi hộ không phải chỉ diễn ra trong quá trình thi mà còn được tiến hành sau khi thí sinh đã trúng tuyển vào trường thông qua việc đối chiếu chữ viết trên bài làm, trên hồ sơ và chữ viết thực tế của thí sinh. Việc làm này cũng không phải dừng lại khi thí sinh nhập học mà thực hiện lại bất cứ lúc nào có sự nghi ngờ trong quá trình học, thậm chí sau khi thí sinh đã tốt nghiệp. Nếu phát hiện gian lận vẫn bị xử lý bình thường.
Thi tuyển sinh đại học, cao đẳng là kỳ thi nghiêm túc, có tính cạnh tranh cao nên khó có hành vi gian lận nào mà không bị phát hiện. Vì vậy thí sinh cần đặc biệt chú ý điều này, sức đến đâu làm bài đến đó, đừng bao giờ nghĩ đến mình có thể đạt được kết quả cao hơn bằng con đường tiêu cực.
Trước giờ làm bài thi, Thứ trưởng động viên thí sinh bình tĩnh, tự tin |
Giám thị nêu cao tinh thần trách nhiệm - Thí sinh cố gắng hết sức cho tương lai
- Trước khi bắt đầu đợt 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, Thứ Trưởng có điều gì lưu ý đến các Hội đồng tuyển sinh?
* Tuy đã tập huấn và phổ biến qui chế ở đợt 1 nhưng các Hội đồng thi cần quán triệt lại qui chế thi đối với tất cả cán bộ làm nhiệm vụ coi thi và thí sinh trong các đợt tiếp theo. Những tình huống bất thường chưa có trong qui chế cần phải báo cáo về ban chỉ đạo quốc gia để hướng dẫn xử lý.
Các giám thị cần làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình một cách nghiêm túc, quán xuyến phòng thi để đảm bảo trật tự, an toàn. Những hội đồng ở xa địa điểm in sao đề thi cần lưu ý đảm bảo an toàn tuyệt đối đề thi. Nếu nhận nhiều đề thi cùng lúc cần đặc biệt lưu ý đến lịch thi để tránh nhầm lẫn.
Các hội đồng thi đảm bảo mọi điều kiện thuận lợi để thí sinh mang các thiết bị được phép vào phòng thi, không gây bất kỳ khó khăn, phiền hà nào. Tuy nhiên nếu phát hiện thí sinh mang tài liệu hay các vật dụng, thiết bị nhằm mục đích gian lận thì phải xử lý nghiêm
- Và thông điệp Thứ trưởng muốn gửi đến các thí sinh dự thi đợt 2?
* Các em hãy bình tĩnh, tự tin và quyết tâm đạt kết quả cao nhất. Một phút cố gắng hôm nay có thể thay đổi cả cuộc đời ngày mai. Một hành động bồng bột trong phòng thi dẫn đến vi phạm qui chế thi hôm nay có thể ảnh hưởng cả tương lai nghề nghiệp lâu dài.
Vì vậy các em hãy nhớ hai điều: Đừng lãng phí một giây phút nào trong quá trình làm bài thi, cố gắng tối đa và hài lòng với kết quả mình đạt được. Không mang tài liệu, điện thoại di động, các thiết bị công nghệ cao nhằm mục đích gian lận vào phòng thi. Chúc các em thành công!
Xin cám ơn Thứ trưởng!
Đợt I kỳ thi tuyến sinh ĐH, CĐ với số thí sinh dự thi là 650.420 đạt tỷ lệ 77,09 %. Các hội đồng thi đã huy động 69.468 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh. Kết thúc đợt I, có 134 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 19; cảnh cáo: 4; đình chỉ: 111). Trong số 111 thí sinh bị đình chỉ thi, có 1 trường hợp thi hộ, còn lại chủ yếu mang điện thoại di động vào phòng thi; có 7 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách: 5; đình chỉ: 2). |
Bạch Ngọc Dư (Thực hiện)