Đông y bàn về xông hơi và tắm thuốc

Không xông thuốc, tắm hơi thuốc, tắm thuốc cho những người đang có những chứng bệnh như: huyễn vựng (tăng huyết áp, huyết áp thấp, huyết áp dao động)...

Đông y bàn về xông hơi và tắm thuốc

Tắm hơi thuốc

Kỹ thuật viên chuẩn bị theo chỉ định của thầy thuốc bao gồm: dược liệu, nồi xông, sau đó cho thuốc đã sạch vào nồi kỹ thuật đun sôi từ 15 - 30 phút, khi nào thấy mùi thơm bay ra nhiều là vừa đạt yêu cầu về hơi thuốc.

Kiểm tra phòng tắm hơi thuốc theo quy định như hệ thống dẫn hơi, hệ thống đèn báo (nếu có) các yếu tố báo độ an toàn và sắp xếp những dụng cụ cần thiết phù hợp để chuẩn bị xả hơi thuốc cho bệnh nhân khi xông.

Các thao tác kỹ thuật:

Xả hơi thuốc: Khi thuốc đã đạt yêu cầu (đã có mùi thơm nhiều) xả hơi thuốc từ từ vào phòng tắm hơi đến khi đèn báo xanh hiện ra là bắt đầu đủ nhiệt độ, giảm hơi và dừng ở nhiệt độ theo chỉ định của thầy thuốc.

Nếu đèn đỏ xuất hiện báo hiệu quá nhiệt độ phải dừng ngay. Trường hợp những cơ sở chưa có điều kiện phòng tắm hơi theo tiêu chuẩn cần phải có nhiệt kế theo dõi nhiệt độ phòng tắm hơi và các biện pháp liên lạc để theo dõi bệnh nhân trong khi đang tắm hơi thuốc, nhưng vẫn phải bảo đảm kín đáo để bệnh nhân yên tâm.

Nhiệt độ:

Thông thường từ 25 - 35oC bảo đảm đủ ấm tùy theo mùa.

Thời gian:

Từ 5 - 40 phút, tùy theo từng bệnh, đến khi ra mồ hôi theo yêu cầu điều trị thì dừng xông hoặc tắm hơi, chuyển sang các công đoạn khác. Tối đa không quá 60 phút.

Các bước tiếp theo:

Sau khi mồ hôi đã ra, bệnh nhân dùng khăn ấm, ẩm lau sạch đầu, thân, mình, sau đó lau lại bằng khăn khô, thay quần áo sạch, sang phòng chờ có thể ăn cháo hành hoặc uống nước ấm hoặc thuốc... Tùy theo điều kiện cụ thể và chỉ định của thầy thuốc.

Tắm ngâm thuốc

Kỹ thuật viên chuẩn bị theo chỉ định của thầy thuốc bao gồm: Dược liệu, chậu đựng nước tắm hoặc bồn tắm... Sau đó cho nước thuốc đã nấu đạt yêu cầu, gạn bỏ bã, cho nước thuốc vào chậu hoặc bồn tắm, nhiệt độ khoảng từ 25 - 35oC bảo đảm đủ ấm tùy theo mùa.

Các thao tác kỹ thuật:

Xả nước thuốc vào chậu hoặc bồn tắm: Khi nước thuốc đã đạt yêu cầu (đã có mùi thơm nhiều) xả nước thuốc vào bồn hoặc chậu tắm trong phòng tắm cần có đủ điều kiện để khi đủ thời gian ngâm tắm thực hiện và các thông tin để thông báo khi cần thiết.

Nhiệt độ:

Thông thường từ 25 - 35oC bảo đảm đủ ấm tùy theo mùa.

Thời gian:

Từ 15 - 45 phút tùy theo từng bệnh và chỉ định của thầy thuốc, khi bệnh nhân cảm giác thấy sảng khoái hoặc da thấy cắn nhức, máy giật thì dừng ngâm tắm thuốc, ra khỏi bồn hoặc chậu tắm chuyển sang các công đoạn khác. Thời gian tối đa không quá 60 phút.

Các bước tiếp theo

Sau khi đã ngâm tắm thuốc xong, bệnh nhân dùng khăn khô lau sạch đầu, thân, mình, thay quần áo sạch, sang phòng chờ có thể ăn cháo hành hoặc uống nước ấm hoặc thuốc... Tùy theo điều kiện cụ thể và chỉ định của thầy thuốc.

Những người không nên xông, tắm thuốc

Không xông thuốc, tắm hơi thuốc, tắm thuốc cho những người đang có những chứng bệnh như: huyễn vựng (tăng huyết áp, huyết áp thấp, huyết áp dao động); hồi hộp đánh trống ngực mạnh (bệnh tim mạch); phù thũng (viêm thận cấp, mạn tính); hoàng đản (viêm gan cấp, mạn tính); các chứng bệnh ôn dịch, ôn độc (sốt xuất huyết, sởi...); hen suyễn cấp tính dang có khó thở; những bệnh thấp nhiệt đang sốt cao (nhiễm khuẩn); phụ nữ có thai; những bệnh cấp tính chưa xác định nguyên nhân gây bệnh...

Xông thuốc, tắm thuốc chữa ngoại cảm

Áp dụng trong các trường hợp ngoại cảm, sốt không mồ hôi, đau đầu, cắn nhức hai thái dương.

Dược liệu thường dùng: Lá tre một nắm (40 - 50g), tử tô một nắm nhỏ (30 - 40g), cúc tần nắm (40 - 50g), cây cứt lợn một nắm nhỏ (30 - 40g), gừng tươi 1 củ (20g), sả cả cây (cả lá và củ) 40 - 50g, nếu toàn củ từ 20 - 30g, lá long não một nắm nhỏ (20 - 30g), hương nhu một nắm nhỏ (20 - 30g), đài bi một nắm nhỏ (khoảng 30 - 40g).

Nếu kèm theo đau họng: thêm bạc hà một nắm nhỏ (20 - 30g).

Nếu kèm theo sốt: thêm cây sậy cả rễ và cây (20 - 30g).

Nếu kèm theo đau đầu: Thêm cúc hoa 15 gam.

Nếu kèm theo ho, đờm: Thêm xạ can.

Nếu mùa hè: thêm hương nhu 1 nắm nhỏ (khoảng 20 - 30g).

Nếu mùa đông: tăng gừng tươi.

Số lượng thuốc trên dùng cho 1 nồi cho một người/một lần, nếu dùng cho nhiều người tăng số lượng cho phù hợp.

Xông hơi

Thích hợp với các gia đình không gần cơ sở phòng tắm hơi quy mô. Dùng dược liệu cho vào nồi đun sôi đến khi mùi thơm bay ra nhiều, mang vào phòng xông dùng rổ thưa úp đậy để tránh thân mình áp vào nồi nước sôi.

Người bệnh ngồi trên ghế cao khoảng 10-15cm ôm lấy nồi nước dược liệu. Lấy 1 mảnh vải sạch dày, gấp đôi phủ kín người, mở vung cho hơi thuốc bay ra, tiến hành xông hơi cho đến khi ra mồ hôi, bỏ khăn phủ, lau người, thay quần áo, tốt nhất ăn một bát cháo hành để trợ lực.

Chú ý: Không đi ra ngoài ngay, tránh gió lạnh.

Tắm hơi

Cho bệnh nhân vào phòng tắm, ngồi ghế tựa hoặc ngồi ở tư thế thoải mái. Xả hơi thuốc vào phòng tắm hơi trong thời gian từ 5 - 25 phút với nhiệt độ tăng dần từ 25 - 35oC.

Khi bệnh nhân thấy mồ hôi ra đều toàn bộ người, dùng khăn ẩm, ấm lau người sau đó lau lại bằng khăn khô, ra phòng thay quần áo sạch, sang phòng chờ nghỉ từ 10 - 15 phút, nên ăn một bát cháo hành hoặc uống một ít nước đường ấm hoặc uống thuốc... tùy theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Chú ý: Không đi ra ngoài ngay, tránh gió lạnh.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.