(GD&TĐ)-Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2011), tối 5/6, cầu truyền hình "Hồ Chí Minh-Cuộc hành trình của thời đại" đã được tổ chức trọng thể tại 5 điểm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cao Bằng, Nghệ An và Đồng Tháp.
Thiếu nhi TP Hồ Chí Minh ca múa mừng kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. |
Tham dự tại các điểm cầu truyền hình trên có: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm...
Chương trình cầu truyền hình qua 5 điểm cầu đã khái quát lại cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những hy sinh, cống hiến của Người cho đất nước. Đặc biệt chương trình tập trung phân tích động lực thật sự khiến người thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành kéo dài cuộc hành trình 30 năm qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Cuộc hành trình đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết tiên phong của thời đại giúp Người tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có ước mơ cháy bỏng khi nước nhà thống nhất sẽ xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, sánh vai với các cường quốc năm châu. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức phấn đấu thực hiện ước nguyện đó của Người.
Tại điểm cầu TP.HCM |
Chủ tịch nước cho rằng ba trọng tâm mà Việt Nam cần làm để đạt được mục tiêu trên là giữ vững ổn định chính trị của đất nước và thành quả cách mạng của dân tộc; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong nước, quốc tế để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong quá trình xây dựng đất nước; đồng thời, mỗi người dân Việt Nam đều phải ý thức đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm của mình, tiếp tục học tập và rèn luyện theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, ra sức lao động, sáng tạo, không ngừng học tập nâng cao trình độ để xây dựng nguồn nhân lực mạnh mẽ, rộng khắp trong mọi lĩnh vực mà đất nước yêu cầu.
Trong chương trình, các vị khách mời đã phân tích rõ những quyết sách tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng khó khăn nhất của cách mạng Việt Nam. Những câu hỏi và ý kiến trao đổi trong chương trình cũng cho thấy tinh thần nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành 100 năm về trước, luôn soi rọi cho thế hệ trẻ hôm nay con đường bảo vệ và xây dựng đất nước.
Nhìn nhận về tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày bôn ba tìm đường cứu nước ở nước ngoài, nhà sử học người Pháp Alain Ruscio cho rằng: Một trong những việc làm mà Hồ Chí Minh trong hàng ngũ của Đảng Xã hội và sau này là Đảng Cộng sản Pháp muốn thực hiện là thu hút sự chú ý của các đồng chí người Pháp vì tầm quan trọng của cuộc đấu tranh của các dân tộc ở châu Phi và châu Á. Ông là người đầu tiên đưa ra ẩn dụ so sánh chủ nghĩa đế quốc với con bạch tuộc hai vòi và cần phải cắt cả hai vòi đó. Ông nói với các đồng chí của mình là cần phải đập tan hệ thống này trên các thuộc địa. Và, ông trở thành người mở đầu cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.
Thông qua cầu truyền hình "Hồ Chí Minh - Cuộc hành trình của thời đại", khán giả cả nước có dịp hiểu rõ hơn về hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cách đây tròn 100 năm, tại Bến Cảng Gài Gòn lịch sử, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên tàu ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân với quyết tâm cháy bỏng là tìm tự do cho đồng bào mình, độc lập cho Tổ quốc mình…
Những mốc lịch sử quan trọng và chói lọi về hành trình cứu nước từ Làng Sen đến Cảng Sài Gòn để giành độc lập cho dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện qua nhiều bức ảnh, thước phim tư liệu cùng những cuộc giao lưu với các nhà nghiên cứu và nhân chứng lịch sử. Tất cả, một lần nữa khẳng định, việc ra đi tìm đường cứu nước của Bác cách đây 100 năm là hết sức cấp thiết và đúng đắn. Cuộc hành trình 30 năm, qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác Lê Nin, học thuyết cách mạng tiên phong của thời đại. Người đã tiếp cận Chủ nghĩa Mác-Lê Nin với một tư duy độc lập và vận dụng sáng tạo để giải phóng dân tộc mình khỏi ách áp bức.
Tại thủ đô Hà Nội, cầu truyền hình được thực hiện trong khuôn viên Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời của Người. Hà Nội đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước gắn liền với tên tuổi Hồ Chí Minh. Hà Nội còn là nơi Bác yên nghỉ, nơi vọng tưởng thiêng liêng của nhân dân Việt Nam và thế giới về Người anh hùng của thời đại.
Tại Nghệ An nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ chào mừng đã diễn ra |
Nơi sinh ra con người vĩ đại ấy - Nghệ An - cũng là điểm cầu gắn liền với những gì thân thương và gần gũi nhất về Bác Hồ thời niên thiếu. Điểm cầu truyền hình Nghệ An đã tái hiện lại giai đoạn lịch sử khi Bác rời Nghệ An đi Phan Thiết.
Tại điểm cầu Cao Bằng, những tháng ngày cách mạng gian khó nhưng hào hùng dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ đã được tái hiện rõ nét, chân thực. Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, hoạt động và lãnh đạo cách mạng từ nước ngoài, cuối năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng.
Người đã chọn Cao Bằng - nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa - để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Pắc Bó - Cao Bằng đã trở thành căn cứ địa đầu tiên của cách mạng Việt Nam.
Tại suối Lênin - một địa danh của cách mạng Việt Nam - địa phương đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc đã chọn khi trở về nước, ông Nông Hải Pín, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Cao Bằng, tâm sự: Về nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện ngay việc tập hợp và bồi dưỡng, giáo dục phong trào quần chúng cho cán bộ. Từ đây, phong trào quần chúng đã len vào tận thôn xóm. Mặt trận Việt Minh là sợi dây nối liền chặt chẽ giữa Đảng và dân. Bác khẳng định yếu tố “Lấy dân làm gốc”, chính là yếu tố quan trọng. Từ đó đến nay, 54 dân tộc đã đoàn kết xung quanh Đảng và đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác
Điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có sự hiện diện của ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; bà Nguyễn Thị Nhàn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh; lãnh đạo các sở, ban, ngành và gần 1.000 người dân trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng từ rất sớm, đông đảo người dân đã đến Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc để tham dự cầu truyền hình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và mang đầy ý nghĩa này.
Những câu chuyện và lời kể xúc động của các nhân vật khách mời tại điểm cầu Đồng Tháp - nơi an nghỉ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khắc họa tình cảm của những người con miền Nam - thành đồng Tổ quốc, đi trước về sau dành cho vị cha già dân tộc.
Chương trình văn nghệ tại đầu cầu Đồng Tháp |
Cách đây 100 năm, đau xót trước cảnh nhân dân bị áp bức, người thanh niên ưu tú Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. 13 tiết mục văn nghệ, những đoạn phim tư liệu nói về cuộc đời và hành trình tìm đường cứu nước của Bác đã làm cho những người có mặt nơi đây bồi hồi xúc động.
Đặc biệt, thông qua chương trình, khán giả còn được giao lưu với ông Võ Hồng Nhân, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp, Bí thư Thị uỷ Cao Lãnh từ năm 1972 – 1975. Sau khi xem đoạn phim tư liệu nói về tình cảm của Bác dành cho tấm ảnh nhân dân miền Nam gửi tặng, ông kể lại: “Tấm ảnh được chụp vào khoảng năm 1954 – đó là thời điểm cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Lúc bấy giờ, Tỉnh ủy Long Châu Sa đã chỉ đạo Tiểu đoàn 311 xây dựng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và đến khoảng đầu tháng 10/1954 thì công trình hoàn thành.
"Hồ Chí Minh - Cuộc hành trình của thời đại" còn là chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, quy tụ hàng trăm ca sĩ, nghệ sĩ, với nhiều tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, khắc họa từng giai đoạn lịch sử về hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, nhân dân Việt Nam thêm tự hào về Người-lãnh tụ kính yêu của dân tộc, danh nhân văn hóa của thế giới..
Ngọc Khánh-Thanh Hằng-Đức Trung