Vấn đề còn lại là tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện, nâng cao chất lượng dạy và học để đảm bảo kết quả tốt nhất, theo ý kiến của cán bộ quản lý cấp cơ sở.
PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng: Coi trọng việc tổ chức nghiêm công tác coi thi
Toàn Đại học Đà Nẵng nhất trí cao với những điểm mới và quan trọng của dự thảo.
Giải pháp sử dụng 4 giấy chứng nhận kết quả khác nhau có mã vạch nhận dạng để sử dụng cho các đợt tuyển tương ứng về cơ bản sẽ chấm dứt tình trạng hồ sơ ĐKXT ảo giữa các trường trong mỗi đợt xét tuyển.
Tuy nhiên, để giải pháp này phát huy tác dụng, Bộ GD&ĐT cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định này để tránh trường hợp một thí sinh có thể được nhận nhiều hơn 4 giấy chứng nhận kết quả hoặc các trường thu hồ sơ đăng ký từ xa không theo các đợt đã quy định.
PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng |
Về quy định thí sinh được chọn 4 ngành hoặc nhóm ngành trong cùng một trường để đăng ký từ xa trong một đợt, các trường đại học có nhiều ngành tuyển sinh như ĐH quốc gia, đại học vùng và các trường đại học lớn sẽ tỏ ra có ưu thế với quy định này do thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn ngành với cùng 1 đợt đăng ký xét tuyển. Tổ chức thi cụm sẽ giảm áp lực di chuyển thí sinh cho toàn xã hội và có ý nghĩa tiết kiệm rất lớn…
Đại học Đà Nẵng là đơn vị đã tổ chức kỳ thi chung ngay từ khi có chủ trương thi “3 chung” của Bộ GD&ĐT. Số lượng thí sinh đăng ký dự thi tại ĐH Đà Nẵng trung bình là 50.000/lượt/năm, năm cao nhất lên đến trên 60.000, chủ yếu tập trung trong đợt 1 và đợt 2.
Trong những năm qua, công tác tổ chức kỳ thi tại ĐH Đà Nẵng diễn ra an toàn, chính xác. Năm nay, được chọn là đại học chủ trì tổ chức cụm thi liên tỉnh, ĐH Đà Nẵng đã chủ động khảo sát và lên kế hoạch chuẩn bị cho công tác tổ chức thi.
Trong thi 3 chung, thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo một cách sâu sát các Sở, ban, ngành, quận, huyện phối hợp đồng bộ, có hiệu quả với ĐH Đà Nẵng trong công tác tổ chức thi tuyển sinh với quy mô lớn trong tất cả các khâu từ chuẩn bị thi, đề thi, coi thi, chấm thi… Vì vậy đối với Kỳ thi THPT quốc gia sẽ càng thuận lợi.
Trong công tác coi thi và giám sát phòng thi, ngoài việc sử dụng giảng viên của ĐH Đà Nẵng và giáo viên các trường THPT trên địa bàn thành phố, ĐH Đà Nẵng sẽ điều động sinh viên năm gần cuối của các cơ sở giáo dục thành viên để đảm bảo ít nhất trong mỗi phòng thi có 1 cán bộ hoặc sinh viên của ĐH Đà Nẵng làm công tác coi thi.
Với cách bố trí như vậy, ĐH Đà Nẵng tin tưởng sẽ đảm bảo tính nghiêm túc trong tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 giống như đã tổ chức các kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng trong những năm trước đây.
Bên cạnh đó, với việc Ban Thanh tra của ĐH Đà Nẵng đi vào hoạt động, sẽ có nhiều tổ thanh tra nội bộ do ĐH Đà Nẵng thành lập để thường xuyên giám sát mọi khâu của quá trình tổ chức thi.
Ông Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình |
Ông Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình: Việc tổ chức thi theo Cụm là hết sức khoa học, khách quan
Tôi đánh giá cao Dự thảo Quy chế Kỳ thi Quốc gia mà Bộ GD&ĐT đã ban hành. Để có được Dự thảo với nhiều ưu điểm và những điểm mới, Bộ đã có một lộ trình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đồng thời với lộ trình chuẩn bị cho đổi mới Chương trình, Sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.
Một kỳ thi mà thực hiện được cả 2 nhiệm vụ, vừa để xét tốt nghiệp lại có cơ sở để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, như thế đã thấy được tầm quan trọng của kỳ thi theo đúng ý nghĩa “quốc gia” như thế nào.
Ngay ở học kỳ I vừa qua, quán triệt tinh thần chỉ đạo trong các văn bản của Bộ, Sở GD&ĐT Quảng Bình đã chỉ đạo các trường chuẩn bị kỹ tâm thế cho học sinh sẵn sàng tham gia kỳ thi. Trước hết, phải tích cực đổi mới từ khâu quản lý tới thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá của giáo viên.
Rất nhiều cuộc họp, hội nghị đều đi vào trọng tâm bàn bạc cụ thể, cho học sinh tiếp cận với cách học mới, theo hướng tích hợp, tăng cường thực hành, giao tiếp. Giáo viên các trường đã không còn lối dạy chỉ truyền thụ kiến thức một chiều nữa, mà phát huy được tính tích cực học tập của học sinh.
Cá nhân tôi cho rằng, việc tổ chức thi theo cụm là hết sức khoa học, khách quan, học sinh thi xong muốn được tuyển vào trường đại học, cao đẳng nào là do các em, chứ lại có một kỳ thi ở tỉnh nào đó nữa thêm phần tốn kém. Việc một số trường đại học muốn tổ chức thi thêm một số môn cho phù hợp với tính chất, đặc trưng riêng của trường gì đấy, theo tôi cũng cần có biện pháp quản lý cho chặt chẽ.
Đừng đòi hỏi quá cao ở học sinh; đừng nghĩ rằng, học sinh của ta học xong trung học phổ thông là đã hoàn hảo. Cần giúp đỡ các em, tạo thuận lợi nhất cho các em để chỉ tham gia một kỳ thi, không phải lo đối phó thêm một kỳ thi nữa.
Tôi đồng ý với chủ trương phát huy tự chủ trong tuyển sinh, nhưng tự chủ cũng phải phù hợp quy luật phát triển của giáo dục, chứ không phải mỗi người làm một kiểu, không theo quy luật nào cả…