Đóng tàu không cần bản vẽ
Năm 25 tuổi, chàng trai làng biển Lương Thửng bắt đầu đi làm thuê cho các xưởng đóng tàu thuyền nổi tiếng như Long Hương, Xóm Động (Phan Thiết), Cà Ná (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa)... Đến năm 35 tuổi, Lương Thửng trở về làng biển Đông Tác quê mình và tự mở xưởng để đóng tàu, thuyền theo đơn đặt hàng của ngư dân trong vùng.
Quá nhuần nhuyễn với nghề đã gắn bó với cuộc đời mình hơn 60 năm qua, ông đã thuộc nằm lòng mọi chi tiết, cấu kiện trên những chiếc thuyền truyền thống của làng mình, từ loại gỗ nào đóng be, gỗ nào đóng đà, diềm, cột buồm cho đến những sợi dây lèo, lái… “Tôi không giỏi vẽ nên không có bản vẽ như những người thợ ngày nay, nhưng chỉ cần cầm đục, cầm chàng lên là tự khắc đóng được tàu thuyền. Tất cả mọi chi tiết nó nằm sẵn ở trong đầu tôi. Một số người gọi tôi là kỹ sư không bằng”, lão ngư Lương Thửng nói chắc nịch.
Lão ngư Lương Thửng không nhớ mình đã đóng, đã sửa bao nhiêu chiếc ghe bầu, bao nhiêu chiếc tàu câu cá ngừ đại dương. Bốn người con trai của ông đều nối nghiệp cha một cách thành thạo. Nhớ nghề, ông lại có mặt ở xưởng như một vị tổng lái, hướng dẫn con cháu hợp sức đưa ghe thuyền lên sửa chữa, rồi hạ thủy, ra khơi…
Có một câu chuyện mà ông nhớ mãi trong lòng suốt 50 năm qua. Đó là việc ông sửa một chiếc tàu vận chuyển lương thực, vũ khí mà địch không hề hay biết trong hải trình của những con tàu không số huyền thoại trên đường cập vào bến Vũng Rô. Ngày đó, giữa lòng địch, ông giữ kín được chuyện sửa chữa tàu cho cách mạng quả là một điều không dễ.
Làm tàu, thuyền chỉ để... ngắm
Sống một mình trong căn nhà trống trải, cũng chẳng phải là người giàu có, nhưng tích cóp được đồng nào là ông Thửng lại cho ra đời những “đứa con tinh thần” tàu thuyền. Từ 2009 đến nay, ông bỏ hàng trăm triệu đồng để mua gỗ, nguyên vật liệu về đóng những chiếc thuyền mô hình. Tất cả những mô hình đều được ông Thửng trưng bày để cùng những người hàng xóm... ngắm cho thích mắt.
Trước hiên và bên trong căn nhà mái ngói vách xây có 9 chiếc tàu thuyền mi ni bằng gỗ với các kiểu dáng khác nhau, từ ghe bầu, thuyền buồm đến tàu đánh bắt cá ngừ đại dương có chiều dài 1 đến 3m. Tất cả đều do ông Thửng tự đóng rất công phu với tổng chi phí vật tư, nhân công ước tính hơn 100 triệu đồng.
Mỗi chiếc tàu được ông Thửng đục đẽo, chạm khắc, sơn phết, lắp đặt đầy đủ các chi tiết từ buồng lái, cửa kiếng, dây neo, mũi neo đến cột cờ, cột buồm, lá buồm, dây lèo để điều khiển... Tất cả đều giống như tàu thật. Trong số đó, những chiếc tàu dài 1m được ông thiết kế từ một súc gỗ nguyên vẹn, không lắp ghép. “Số hiệu đăng kiểm” ghi trên tàu là năm sản xuất, bốn ký tự phía trước và sau là tên địa phương và tên gọi năm âm lịch. Ví như chiếc tàu gỗ mi ni mang “số hiệu” PY- 2009 KS có nghĩa là Phú Yên 2009 Kỷ Sửu.
Không chỉ đóng tàu thuyền bầu truyền thống Việt Nam, ông Thửng còn đóng chiếc thuyền buồm của Đài Loan từng chở hàng đến buôn bán ở vùng biển Nam Trung bộ Việt Nam. Chưa hết, ông còn đóng mô hình một chiếc thuyền cano, loại hiện nay nhiều ngư dân Phú Yên đang sử dụng cho hoạt động đánh bắt cá ngừ đại dương. Điều thú vị là phía dưới mỗi chiếc thuyền mô hình, ông Thửng đều lắp ráp bộ bánh lái nên khá tiện cho việc di chuyển chúng.
Ông Thửng nói với vẻ tự hào: “Tuy mang tiếng là ghe mô hình, nhưng đã có lần tôi mang chiếc thuyền bầu lái đeo thả xuống biển, gắn thêm động cơ và chạy được với 2 người điều khiển. Với hai chiếc thuyền bầu lái đeo và lái ống xà bát, hiện nay dù nhiều người có tiền cũng không chắc gì đã đóng được”.
Khi được hỏi điều gì đã thôi thúc ông đóng những chiếc thuyền mi ni này, ông trải lòng: “Hơn 60 năm qua, tàu thuyền, biển cả đã thấm đẫm trong máu thịt và luôn hiện hữu trong từng giấc ngủ của tôi. Chính nỗi nhớ đó đã đánh thức nhiều kỷ niệm đẹp về những năm tháng hành nghề đóng mới, sửa chữa tàu thuyền và thôi thúc tôi đi mua gỗ về tự tay mình cưa xẻ, đóng mới những ghe bầu, thuyền buồm, tàu đánh bắt cá ngừ đại dương mi ni để... ngắm cho vui. Vợ tôi đã về với tổ tiên mấy chục năm rồi, trong căn nhà này chỉ còn mình tôi với mấy chiếc tàu thuyền mi ni này là người bạn thân thiết”.
Ông Lương Luận, lạch trưởng lạch Đông Tác, cho biết: “Không chỉ đóng ghe thuyền chất lượng phục vụ ngư dân đánh bắt hải sản mà các mô hình thuyền buồm, ông Lương Thửng làm cũng độc đáo. Ông ấy có óc quan sát kỹ và trí nhớ rất tốt. Có lẽ vậy mà nhìn thấy thuyền buồm Đài Loan từ thời chống Pháp ông đã nhớ đến từng chi tiết để làm lại ghe mô hình trông rất đẹp mắt”.
Ước nguyện cuối đời
Cuộc đời ông Thửng không mấy suôn sẻ. 37 năm trước, khi đứa con trai út mới 4 tháng tuổi thì vợ ông mất. Ông lặn lội với nghề nuôi 7 người con. Ông cười vui: “Một mình gà trống nuôi con, nhưng các con tôi giờ đều trưởng thành, có công ăn việc làm, nhà cửa ổn định. Tôi đã có cháu cố, còn các cháu nội, ngoại giờ đã học xong đại học, cao đẳng và hầu hết làm việc tại TPHCM”.
Bao nhiêu năm làm nghề, bây giờ ông Thửng đã đến tuổi nghỉ ngơi, mọi công việc nhà đều đã có con cháu lo toan, nhưng ông vẫn không thể quên được cái nghề truyền thống mà bao nhiêu năm mình gắn bó. Mỗi khi chiều xuống, ông lại ra khu xưởng đóng tàu ngoài bờ biển để theo dõi những đám thợ trẻ đang mải mê đóng những chiếc ghe cano.
Bây giờ, ông muốn truyền nghề lại cho con cháu trong nhà và lớp trẻ trong làng nhưng ngặt nỗi, hiện nay ghe bầu không còn tồn tại và cũng chẳng ai muốn học cái nghề mà biết chắc sẽ không được sử dụng sau khi học. “Ngày nay ghe bầu và các loại ghe buồm không còn sử dụng nữa, tất cả đều dùng máy móc, hơn nữa bọn trẻ hiện nay cũng không ai quan tâm đến chúng nữa. Đó, mấy đứa con trai của tôi chỉ biết đóng ghe cano thôi chứ nói chi đến ghe buồm trước đây”, ông Thửng bộc bạch.
Cũng có lẽ vậy nên ông đem nỗi buồn đó gửi gắm vào những tác phẩm do chính mình tạo ra. Chúng tôi cảm nhận ánh mắt của ông lấp lánh niềm vui khi ông mải mê ngắm nhìn những chiếc tàu thuyền mi ni do chính mình tạo tác và mong muốn con cháu lưu giữ mãi mãi trong căn nhà khi ông đi xa. Tình yêu biển cả và quê hương đất nước của lão ngư Lương Thửng thật đáng trân quý.