(GD&TĐ) - Là một cô giáo có nhiều kinh nghiệm khi đã vào nghề được hai mươi năm, cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên chủ nhiệm dạy bộ môn văn lớp 9 của tôi, không chỉ giỏi chuyên môn trên lớp mà còn nhiều việc khác cô cũng không thua kém, luôn nhiệt tình như một người chị cả trong gia đình. Đôi khi, cô lại như một người mẹ dìu dắt các con thơ từng bước một, cô luôn hòa đồng và nói chuyện cùng học sinh mỗi giờ ra chơi, hay trong khi giảng bài trên lớp. Mái tóc tết dài đen, đôi mắt biết nói của cô luôn làm cho học sinh phải nể phục kể cả đó là học sinh hư hay ngoan. Khi học sinh mắc lỗi, cô lại ân cần hỏi lý do mắc lỗi và nguyện vọng của học sinh đó là gì?
Ảnh minh họa/internet |
Cô luôn khéo léo xử lý những tình huống ấy sao cho hợp lý nhất, làm cho những bạn đang có tâm sự sẽ chia sẻ cùng cô để cô định hướng và giúp đỡ trong khả năng của mình. Cứ mỗi lần đến giờ học của cô, tôi luôn náo nức nghe cô giảng bài vì cô có chất giọng giảng bài nhỏ nhẹ, cách truyền đạt bài văn của cô làm tôi cảm thụ một cách sâu sắc và hứng thú. Đã rất lâu rồi, chúng tôi cũng chưa được bàn luận, và nghe cô giảng bài. Cô luôn mang trong mình một nghị lực, nghị lực ấy như truyền tải đến những người xung quanh cô, mang cho mọi người một sức sống mới… đã rất lâu rồi tất cả điều đó chưa được lặp lại…
Rất lâu, tôi chưa hỏi thăm sức khỏe của cô và cũng rất lâu, tôi chưa có dịp trò chuyện và khoe với cô rằng tôi đã lớn, đã đỗ cấp ba với một số điểm khá cao. Giờ đây cô không còn là cô giáo của chúng tôi như ngày ấy, nhưng tôi tin cô luôn là người mang lại nhiều kiến thức, là người truyền tải những thông điệp ý nghĩa của cuộc sống cho mỗi học sinh, cho những thế hệ đi sau, cô như bóng mát luôn đi bên để che chắn cho những ngây ngô đầu đời của chúng tôi, để chúng tôi lớn khôn hơn mỗi ngày. Giờ đây chúng tôi đã thực sự lớn khôn mà chưa một lần đền đáp công ơn cô, có phải chúng tôi đã quá vô tâm chăng? Tôi sẽ không bao giờ quên những công lao ấy của cô.
Khi kỳ thi học kỳ cuối năm lớp chín cận kề cùng với đó là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, cô luôn theo sát bài vở của lớp để đạt được kết quả tốt trong kỳ thi cuối năm và kỳ thi tuyển sinh. Trong giờ Văn, cô luôn nhấn mạnh kiến thức trọng tâm của bài học và mở rộng sự cảm nhận để phong phú thêm cách phân tích những bài thơ, bài văn. Những điều cô truyền đạt đều được tôi áp dụng vào trong bài làm của mình và đã đạt được kết quả tương đối tốt trong kỳ thi cuối năm và vào cấp ba. Cô luôn ân cần quan tâm đến chúng tôi về học tập, tâm tư và định hướng tương lai cho chúng tôi để có thể thành công trong cuộc sống sau này.
Hình ảnh một người cô tận tâm với nghề và luôn nghĩ về học sinh làm tôi không sau quên được!
Thời gian cứ thế trôi đi, tôi lên lớp 10. Bước chân về trường cũ, nơi cô đã là người dạy bảo và nhiệt huyết với tôi, giờ đây cảnh vật cũng có vẻ khác. cây đa ở trường thêm to và xum xuê bóng mát, ghế đá hàng dài từ cổng trường đi vào, đi dưới hàng cây mà đôi mắt tôi thấy rưng rưng dòng lệ như chực muốn tuôn ra.
Giờ đây, khuôn viên trường cũng đã khác xưa quá, nhiều cảnh đẹp hơn, nhìn từng lớp học im lắng, chỉ nghe thấy những tiếng giảng bài của giáo viên đang say mê với những bài giảng, đang truyền tải lại cho học sinh với tâm thế đầy nhiệt huyết. Đi dọc theo từng dãy nhà một, tôi có thể nhận biết được rằng cô đang giảng bài tại lớp 6A5, lớp cô mới được phân chủ nhiệm sau khóa học của chúng tôi.
Tôi biết vậy nhưng không muốn làm phiền cô, lặng lẽ bước đi từng phòng ngắm và nghe những lời thầy cô đang giảng dạy tận tình và nhiệt huyết. Cứ đi qua mỗi phòng, tôi lại thấy như mình đang bị lạc lõng bởi sự đổi mới của nhà trường, tôi thấy mình lạc lõng ngay trong ngôi trường xưa cũ của mình, giờ đây nhiều thầy cô giáo mới, và khá trẻ nữa, những bạn học sinh cũng trẻ và năng động quá, đôi mắt ngây dại của các bạn trẻ mà làm lòng tôi thấy thèm khát được như họ.
“Cô ơi, em đội ơn cô dạy cho em biết yêu tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Cô dạy em biết – nên biết đọc tiểu thuyết hay để nuôi dưỡng lòng nhân ái. Hôm nay em được dăm ba chữ, biết yêu cái đẹp của văn chương nghệ thuật là phần nhiều nhờ cô chỉ bảo”. Vâng, tất cả mọi dòng sông đều chảy! Tôi – một nhánh sông nhỏ của thầy cô đang trôi nhẹ vào đời, khi xa cô rồi tôi chợt hiểu rằng nên biết quý trọng những gì mình đang có.n
Mã số: 1062