Đồng phục và “hoa hồng”

GD&TĐ - Những ngày đầu năm học, một trong những câu chuyện nóng nhất trên diễn đàn các bà mẹ là… đồng phục học sinh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không chỉ mệt mỏi, tốn kém với việc đồng phục thay mẫu mã, đầu năm học, không ít phụ huynh còn hoa mắt với các loại đồng phục biến tướng khác như đồng phục ngủ trưa (bán trú), ba lô, bao tập… Một phụ huynh cho biết chị và chồng đã tỉ mỉ chọn từng bao tập giấy, bọc, dán nhãn cho con gái yêu vào lớp 1.

Thế nhưng, ngay sau hôm tựu trường, bé đã báo ba mẹ làm sai rồi. Cô giáo quy định vở này màu cam, vở nọ màu xanh lá… cần bao thêm cả lớp giấy ni lông cho sạch nữa. Vậy là hai vợ chồng phải hì hục tháo gỡ công trình bao tập thân thiện với môi trường, nghe theo đồng phục bao tập của cô!

Đồng phục là nét đẹp của văn hóa học đường, góp phần tạo nên sự quy củ, nền nếp, môi trường bình đẳng giữa các học sinh nên quy định mặc đồng phục là cần thiết, cần được giữ gìn. Ngành GD-ĐT đã có những văn bản quy định về đồng phục. Theo đó, đồng phục phải bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp lứa tuổi, tiết kiệm. Nhà trường căn cứ vào tình hình khí hậu, thời tiết, điều kiện nhà trường và đặc biệt là sự đồng thuận của cha mẹ học sinh để quy định về kiểu dáng, màu sắc, số ngày mặc đồng phục/tuần. Trường muốn thay đổi kiểu dáng, màu sắc đồng phục phải được sự đồng ý của hội đồng trường và ban đại diện cha mẹ học sinh…

Thế nhưng trên thực tế không ít trường lại tích cực thay đổi đồng phục, thậm chí biến tướng đồng phục từ quần áo đi học sang cả đồ ngủ trưa, balo, bao tập… khiến phụ huynh, học sinh ngao ngán. Vì sao vậy? Có thể khẳng định, trong câu chuyện triển khai đồng phục chưa đúng quy định hay biến tướng đồng phục sang các nội dung khác như vừa kể trên, không hẳn chỉ là câu chuyện cứng nhắc trong quản lý, mà đã có thoảng vị “hoa hồng”.

Một số chủ doanh nghiệp tư nhân may mặc cho biết để chen chân giành được một hợp đồng cung ứng đồng phục cho nhà trường là việc không đơn giản. Ngoài giá cả trên hợp đồng để phụ huynh coi được, doanh nghiệp còn phải lo những khoản “hoa hồng” riêng cho quản lý nhà trường!

Mỗi khi câu chuyện đồng phục nhuốm vị “hoa hồng” thì không những quyền lợi của phụ huynh, học sinh bị bỏ qua mà còn làm lãng phí chung cho toàn xã hội, làm mất niềm tin của phụ huynh vào nhà trường. Tăng cường kiểm tra, giám sát để đồng phục thực sự là nét đẹp văn hóa của nhà trường, trách nhiệm này thuộc về các phòng/sở GD&ĐT!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ