Động lực từ xã hội hóa dạy nghề

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến Việt Nam trước đây chưa thể giành được huy chương trong các Kỳ thi tay nghề thế giới. Một trong những nguyên nhân quan trọng đó là công tác huấn luyện thí sinh chưa theo kịp với các nước phát triển, công nghệ lạc hậu, chi phí tốn kém…

Động lực từ xã hội hóa dạy nghề

Tuy nhiên, đến nay điều này đã bắt đầu thay đổi từ sự tham gia của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Doanh nghiệp FDI vào cuộc

Chuẩn bị cho Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43 vừa qua, khác với những kỳ thi trước, tại những nghề đăng ký dự thi đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp FDI đã trực tiếp đỡ đầu từ A - Z, từ tổ chức huấn luyện cho tới đưa thí sinh đi thi. Trong toàn bộ công tác huấn luyện thí sinh, Tập đoàn Denso (Nhật Bản) đã chi tới 665.000 USD ở hai nghề là Điện công nghiệp và Phay kỹ thuật số CNC. Còn Samsung đã chi 350.000 USD ở 2 nghề Giải pháp phần mềm CNTT và nghề Thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD… Số tiền này dùng để mua sắm thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu, thuê phiên dịch viên, mời chuyên gia, đưa thí sinh đi huấn luyện ở Nhật Bản, Hàn Quốc, và đưa thí sinh đi thi tại Brazil.

Đại diện Tập đoàn Samsung cho biết: “Chúng tôi có trách nhiệm trong việc nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cũng chính là vì lợi ích của doanh nghiệp, đầu tư vào nhân lực là động lực lớn cho việc phát triển. Tôi cho rằng, Việt Nam nên chú trọng những cuộc thi tay nghề như thế này, đồng thời đầu tư vào những ngành nghề có triển vọng”.

Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đặc biệt chú trọng các cuộc thi tay nghề. Họ tham gia với mong muốn giúp Việt Nam thành công không chỉ trong kỳ thi mà những thí sinh tham gia kỳ thi sẽ là nhân tố để nhân rộng nguồn lực phát triển công nghiệp, quảng bá uy tín của Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế. Có tham gia thi thì mới biết được mình đang ở vị trí nào, đồng thời có sự giao lưu, học hỏi, có cơ sở và động lực cho bước phát triển mới.

Các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đã tiếp tục cam kết hỗ trợ Việt Nam trong các cuộc thi tay nghề ASEAN và thế giới. Sự tham gia gắn kết chặt chẽ của doanh nghiệp với dạy nghề nói chung và thi tay nghề nói riêng được xem là nhân tố quyết định của thành công, minh chứng cụ thể nhất là thành công của Việt Nam tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43 năm 2015 vừa qua.

Phát huy nguồn lực

Là năm đầu tiên thực hiện xã hội hóa trong huấn luyện thí sinh, theo đánh giá, tay nghề của thí sinh Việt Nam không thua kém so với các nước trên thế giới. Qua những lần đi thi chúng ta có thể cập nhật và theo kịp các công nghệ sản xuất tiên tiến, rút ra những bài học kinh nghiệm và tránh được những sai lầm.

PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết: Điểm mới và nổi bật của Đoàn Việt Nam trong công tác chuẩn bị và tham dự kỳ thi lần này là có sự phối hợp với các doanh nghiệp hàng đầu, có thương hiệu, có kinh nghiệm của các nước có quan hệ chiến lược, hữu nghị với Việt Nam như Tập đoàn Denso, Toyota, Tổ chức JAVADA của Nhật Bản; Samsung, Vikotec của Hàn Quốc, là những tổ chức đã có kinh nghiệm nhiều năm huấn luyện thí sinh dự thi và đạt thành tích cao tại các Kỳ thi tay nghề thế giới.

Việc xã hội hóa, huy động nguồn lực này không chỉ giảm bớt gánh nặng kinh phí cho Nhà nước mà còn giúp các em thí sinh được huấn luyện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm đã từng huấn luyện thí sinh đạt giải cao tại các Kỳ thi tay nghề thế giới trước đây, đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Các em thí sinh được huấn luyện trên các công nghệ tối tân, máy móc hiện đại của Denso, Samsung, Vikotec, Toyota, Ford… tại các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài nước. Nhiều thí sinh được huấn luyện thời gian dài, cùng với thí sinh của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Brazil.

Tham dự thi tay nghề thế giới chính là động lực nhằm phát triển kỹ năng nghề cho học sinh - sinh viên học nghề, lao động trẻ, cũng như khẳng định vị thế của lao động trẻ nước ta với sự phân công lao động quốc tế. Hội nhập với thế giới về kỹ năng nghề thông qua việc tham dự các Kỳ thi tay nghề thế giới là cơ hội và là giải pháp hữu hiệu nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ