Động lực để cống hiến trọn vẹn với nghề

GD&TĐ - Vinh dự nhận giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo”, cô Đặng Thị Minh Nguyệt - GV Ngữ văn Trường THPT Đan Phượng (Hà Nội), bộc bạch: “Dù nhận giải thưởng, nhưng tôi vẫn không ngừng phấn đấu để có được sự ghi nhận trong trái tim và sự trưởng thành của những thế hệ học trò”.  

Động lực để cống hiến trọn vẹn với nghề

Hài hòa giữa khoa học và nghệ thuật

Cô Nguyệt trải lòng, theo thời gian, xã hội vận động, con người vận động, học trò cũng thay đổi. Bởi vậy, một nhà giáo không chỉ cần có kiến thức, mà còn phải có sự say mê, nhiệt huyết và luôn sáng tạo, đổi mới. Cô quan niệm, mỗi giờ học Văn là sự hài hòa giữa khoa học và nghệ thuật, nên có thể kết hợp kiến thức các môn nghệ thuật khác để giờ học sinh động, hấp dẫn, hiệu quả. Cô sử dụng những bài hát, bức tranh, đoạn phim phù hợp với bài dạy. Có những bức ảnh cô tự chụp, có những bài ca cô tự hát.

Cô luôn khích lệ HS biết đặt câu hỏi rồi tự tìm câu trả lời, cô giáo là người thẩm định, định hướng, bổ sung, mở rộng. Cô tạo điều kiện tối đa cho các em phát huy sự sáng tạo trong mỗi bài học, từ đó phát hiện ra những HS giỏi để lưu tâm bồi dưỡng. “Tôi biết không ít HS khi học lên bậc THPT thường mang tâm lí sợ môn Ngữ văn. Có thể một phần vì các em đã quen với kiểu học đọc chép và học thuộc lòng. Nhưng ở lứa tuổi này thường có nhiều cảm xúc, suy tư, ý thức khẳng định cá nhân, ý thức được tôn trọng đã khá rõ nét. Bởi vậy trong các giờ dạy, tôi xác định rõ ràng: ngoài những phút hết mình trên bục giảng, cần phải dành thời gian cho các em được tỏa sáng” - cô Nguyệt chia sẻ.

Đây là lý do vì sao cô luôn tạo điều kiện để HS được tự tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra quan điểm của riêng mình. Cô luôn tránh việc áp đặt nhận xét ý kiến HS. Thay vào đó, cô lắng nghe để thấu hiểu suy nghĩ và cảm nhận của các em. Từ đó, cố gắng tìm một hướng đi đúng trong suy nghĩ của HS, rồi khích lệ các em phát triển tư duy của mình; đồng thời thể hiện bằng cách diễn đạt sao cho thuyết phục và phù hợp.

“Có những bài học, tôi cho các em chuẩn bị trước ở nhà để lên lớp thuyết trình, thảo luận và phản biện. Trong những giờ học như vậy, HS không cảm thấy nhàm chán… Ngoài việc giảng dạy các nội dung kiến thức của văn bản Văn học, bao giờ tôi cũng liên hệ, lồng ghép cả các vấn đề xã hội liên quan để các em được mở mang kiến thức, hình thành các kĩ năng và phát triển các năng lực, phẩm chất cần thiết, để các em không trở thành những cô cậu “mọt sách” hay “gà công nghiệp”” - cô Nguyệt dí dỏm nói.

Thay đổi để lớp học hạnh phúc

Hiện nay, với vai trò là Tổ trưởng tổ chuyên môn Văn - Sử - Công dân, cô Nguyệt luôn trăn trở: Làm thế nào để việc dự giờ, đánh giá thực sự hiệu quả? Việc dự giờ từ trước tới nay có phần mang tính hình thức, GV thường mang tâm lí “bị” dự giờ hơn là được dự giờ.

Năm học 2017 - 2018, cô quyết định thay đổi cách thức dự giờ, đánh giá. Cô phân nhóm GV theo khối và môn học, định hướng chọn những bài khó dạy. Trước khi GV dạy từng bài cụ thể, cô tổ chức họp nhóm theo chuyên đề, trao đổi, bàn bạc, thống nhất nội dung, đổi mới phương pháp sao cho phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất. Sau đó GV tiến hành dạy trên lớp. Tiếp đến, cô tổ chức họp tổ, nhóm một lần nữa, rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn. Kết quả, chất lượng các giờ dạy của các thành viên trong tổ tốt hơn rất nhiều, GV không còn tâm lý e ngại, ai nấy đều vui vẻ và cảm thấy nhẹ nhàng, không căng thẳng, áp lực như trước.

Nhắc đến khẩu hiệu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, cô Nguyệt thực sự muốn HS THPT cũng phải có được niềm vui và hạnh phúc khi đến lớp, đến trường. Lớp học có vui vẻ, hạnh phúc hay không, phụ thuộc rất nhiều vào người thầy. Người thầy phải thay đổi trong phương pháp giảng dạy và GD học trò. “Tôi quan niệm, trong những giờ lên lớp, mình vừa phải là nhà khoa học, vừa phải như người nghệ sĩ; là nhà sư phạm, nhà tâm lí; là thầy, là bạn của học trò… Tất cả đều phải bắt nguồn từ sự thấu hiểu để yêu thương, trân trọng các em. Đối xử công bằng, quan tâm phát hiện được điểm mạnh điểm yếu của từng em, chân thành chia sẻ với các em về mọi vấn đề, kể cả việc học hỏi, cập nhật ngôn ngữ từ lớp trẻ” - cô Nguyệt bộc bạch.

Theo cô Nguyệt, nếu người thầy đặt cương vị của mình lên trên HS sẽ khiến các em xa lánh và tạo khoảng cách nhất định giữa thầy với trò, khi ấy làm sao có được cảm giác hạnh phúc! “Tôi muốn được ở gần học trò, lắng nghe tiếng nói từ các em và đọc sách của chúng để hiểu sâu sắc hơn về học trò của mình. Đó là những giờ phút cô trò thực sự hạnh phúc!” - cô Nguyệt tâm sự.

Bấy nhiêu năm đứng trên bục giảng, áp lực từ công việc rất nhiều, có những lúc không tránh khỏi cảm giác buồn. Nhưng khi bước vào lớp, nhìn thấy ánh mắt của HS, với những đêm đọc tin nhắn tâm sự của học trò, tôi hiểu rằng, các em vẫn rất cần mình. Rất đỗi giản đơn nhưng đó chính là nguồn động lực to lớn để tôi tiếp tục cống hiến trọn vẹn với nghề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ