(GD&TĐ) - Một năm học mới lại bắt đầu. Sau những nỗi lo của cha mẹ về sách vở, giày dép, đồng phục để con tới trường là biết bao kỳ vọng đặt lên đôi vai trẻ. Thế nhưng, làm thế nào để giúp trẻ ham học và học hiệu quả thì không phải cha mẹ nào cũng hiểu và làm đúng cách.
Áp lực học hành
Nhiều bài tập quá không chỉ khiến học sinh cảm thấy quá tải, mà còn ảnh hưởng đến những hoạt động bổ ích khác của trẻ như vui chơi thể thao, giải trí. |
Chị Lan Phương (Đội Cấn – Hà Nội) than thở: Con trai bước vào lớp 5 nhưng ngày nào vợ chồng chị cũng phải nhắc nhở rất nhiều cháu mới chịu ngồi vào bàn học. Chưa kể mỗi khi gặp bài khó một chút, cậu bé nhanh chóng đầu hàng, ngồi thừ ra để đợi bố mẹ trợ giúp.
Chị Phương cho biết, khi bé mới vào lớp 1, vợ chồng chị đã không rèn cho con thói quen tự học mà cứ giờ nào rảnh thì lôi sách vở của con ra kiểm tra. Bởi vậy, con chị gần như không hình thành thói quen tự ngồi vào bàn học các buổi tối. Năm nay, gia đình chị quyết tâm hạn chế công việc, dành nhiều thời gian hơn để rèn cho bé thói quen tự học mặc dù chị biết rằng sẽ khó khăn.
Chị Hà (Hoàng Mai – Hà Nội) làm hướng dẫn viên du lịch nên công việc lấy đi phần lớn quỹ thời gian của chị, còn chồng chị lại không đủ kiên nhẫn để dạy con. Thế nên việc học hành của cô con gái đang học lớp 4 được phó mặc hoàn toàn cho nhà trường và 3 buổi học thêm ở trung tâm vào buổi chiều, 2 buổi tối là gia sư kèm tại nhà. Các buổi học thêm của bé Bống tại trung tâm thường kéo dài từ 2-3giờ đồng hồ, còn gia sư tại nhà là 2 giờ. Chị còn nhờ giáo viên chủ nhiệm giao bài tập về nhà cho con. Không những thế, vào thời điểm kiểm tra giữa kỳ hay thi cuối năm, chị lại tiếp tục tăng cường gia sư đến kèm cặp tại nhà vào các tối trong tuần. Với thời gian biểu học tập dày đặc như vậy nên thời gian vui chơi của con chị rất hiếm.
Tuy vậy, một thực tế mà chị vẫn canh cánh trong lòng đó là thời gian học của con chị tương đối kín song kết quả học tập cũng chỉ vào diện trung bình khá trong lớp. Mặt khác, con chị luôn thèm chơi, xem hoạt hình, mỗi khi ngồi học lại uể oải, và tỏ ra vui mừng khi được nghỉ học.
Thực tế, tồn tại một bộ phận phụ huynh học sinh kỳ vọng quá lớn vào thành tích học tập của con cái. Trong suy nghĩ của họ thì “Không thầy đố mày làm nên”, việc học chính ở trường, học thêm ở nhà thôi chưa đủ, nếu muốn thành tích cao trong các kỳ thi ở lớp, ở trường... nhất định phải tham gia vào những lớp ôn luyện nâng cao kiến thức. Họ tìm hết trung tâm gia sư này, cô giáo nọ... mà các bậc phụ huynh truyền tai nhau là tốt nhất để gửi con em mình theo học. Và để tăng động lực học tập cho con nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng treo giải thưởng bằng những chuyến đi du lịch, quần áo, đồ chơi đắt tiền... Chính vì vậy, việc học đối với nhiều học sinh trở thành phản xạ có điều kiện chứ không vì ham học, thích học, tìm được niềm vui trong học tập.
Học tốt gắn liền với phương pháp hiệu quả
Hoạt động tập thể cũng mang lại lợi ích cho trẻ trong quá trình học tập Ảnh: Lê Văn |
Rõ ràng phụ huynh nào cũng mong muốn con mình học giỏi. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách dạy con để giúp con phát huy hết khả năng của bản thân. Nhồi nhét học thêm ngoài giờ lên lớp, tăng cường gia sư, bài tập… không thể mang lại kết quả tốt nếu bản thân trẻ không chủ động, hào hứng với học tập. Chỉ có thói quen tự học mới mang lại niềm say mê, kết quả tốt cho việc học.
Vậy tự học được hiểu sao cho đúng? Nhiều cha mẹ cứ lầm tưởng tự học chỉ đơn giản là con cái biết ngồi vào bàn học đúng thời gian quy định, hoàn thành các bài tập chưa xong tại lớp, bài được giao ở lớp học thêm. Song các chuyên gia tâm lý giáo dục lại cho rằng như vậy chưa đủ. Tự học phải là quá trình bé học cách tự sắp xếp và chủ động lên kế hoạch thực hiện lĩnh hội kiến thức của riêng mình. Yếu tố quan trọng của việc tự học phải giúp hình thành trong trẻ phẩm chất tò mò, ham học, ham tìm hiểu các kiến thức…
Mặt khác, việc học bao nhiêu ngoài giờ lên lớp cũng đòi hỏi suy nghĩ khoa học hợp lý khi cha mẹ áp dụng cho con cái. Không phải cứ học nhiều mới tốt. Cô Đào Thu Bình - giáo viên Trường Tiểu học Kim Liên (Hà Nội) - chia sẻ: Tác dụng của bài tập về nhà là giúp trẻ có thói quen tự học tập ngoài giờ cũng như giúp trẻ hình thành ban đầu kỹ năng sắp xếp thời gian. Trẻ học cấp Tiểu học khi chịu khó làm bài tập thường được điểm cao hơn các bạn khác trong những bài kiểm tra kiến thức định kỳ. Tuy nhiên, ở lứa tuổi học sinh tiểu học (đặc biệt là học sinh lớp 1), thời lượng học thêm ngoài giờ học chính cần tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe, khả năng của từng em.
Các bậc phụ huynh cần hiểu rằng, với các phương pháp kèm con không khoa học, độc đoán thì không thể mang lại tác dụng, thậm chí là tác dụng ngược. Không thể vì con trẻ chưa làm theo sự nhắc nhở từ phía cha mẹ mà cha mẹ bực tức hay thiếu kiềm chế mắng mỏ, xỉ vả con cái. Như vậy việc học ở nhà giữa con cái và cha mẹ trở thành đánh vật. Nếu cha mẹ không biết chấp nhận và kiên nhẫn khắc phục kết quả học tập cùng con, chỉ nghĩ đến trừng phạt thì việc học dễ rơi vào tình trạng đối phó, chống đối.
Cha mẹ phải là người thực sự hiểu rõ sức học của con đến đâu, kết quả kém vì lười học hay vì tiếp thu chậm… để từ đó có kế hoạch bồi đắp cho con. Một điều vô cùng quan trọng đó là hãy động viên con thể hiện năng lực tốt nhất, nhưng mức độ đòi hỏi có thể tăng dần. Thay vì đặt ra những quy định cho trẻ trong việc làm bài tập thì có thể giải thích cho trẻ hiểu việc học ở trường và ở nhà đều quan trọng, với lượng bài tập về nhà vừa đủ, hợp lý sẽ củng cố thêm kiến thức ở lớp cho trẻ...
Cũng sẽ là sai lầm nếu phụ huynh nào cho rằng học thêm càng nhiều tại các trung tâm, hay tăng thời gian học tập tại nhà cho trẻ mới có thể giúp trẻ đạt kết quả tốt. Những buổi dã ngoại tại bảo tàng, đi công viên, tham gia các trò chơi ngoài trời cũng là cách học hiệu quả giúp trẻ biết cảm nhận, quan sát cuộc sống, học cách tổ chức, phát biểu suy nghĩ, ý kiến của mình...
Để trẻ phát triển toàn diện, học tập hiệu quả thì cha mẹ cần chú trọng đến việc cân bằng giữa nhiều yếu tố như thể lực, trí tuệ, cảm xúc và kỹ năng sống, ứng xử trong xã hội. Học đủ, học đúng cái học sinh cần, còn thiếu, học thật khoa học mới giúp trẻ tiến bộ và tiếp thu được chứ không phải là học nhiều về thời gian và số lượng sẽ bù được chất lượng. Nhiều bài tập quá không chỉ khiến học sinh cảm thấy quá tải, mà còn ảnh hưởng đến những hoạt động bổ ích khác của trẻ như vui chơi thể thao, giải trí. Để trẻ phát triển toàn diện, học tập hiệu quả thì cha mẹ cần chú trọng đến việc cân bằng giữa nhiều yếu tố như thể lực, trí tuệ, cảm xúc và kỹ năng sống, ứng xử trong xã hội. Học đủ, học đúng cái học sinh cần, còn thiếu, học thật khoa học mới giúp trẻ tiến bộ và tiếp thu được chứ không phải là học nhiều về thời gian và số lượng sẽ bù được chất lượng. |
Ngọc Hà