Đồng hành cùng học viên xóa mù chữ

GD&TĐ - Huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và đạt được những kết quả tích cực.

Đồng hành cùng học viên xóa mù chữ.
Đồng hành cùng học viên xóa mù chữ.

Công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ được sự quan tâm

Đại Từ là huyện miền núi nằm ở phía Tây bắc của tỉnh Thái Nguyên, cách Thành phố Thái Nguyên 24 km, phía Bắc giáp huyện Định Hoá, phía Nam giáp huyện Phổ Yên và Thành phố Thái Nguyên; phía Đông giáp huyện Phú Lương; phía Tây bắc và Đông nam giáp tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Phú Thọ. Cơ cấu kinh tế của huyện chủ yếu là nông nghiệp với thế mạnh là cây lúa và cây chè.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của Tỉnh, sự lãnh đạo của cấp uỷ và sự điều hành của chính quyền, tốc độ phát triển kinh tế của huyện luôn đạt mức tăng trưởng khá, các hoạt động văn hóa - xã hội ngày càng phát triển, an sinh xã hội được giải quyết kịp thời, đời sống nhân dân ổn định và ngày càng được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Huyện đã chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Toàn ngành tập trung đầu tư cho công tác bồi dưỡng để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, từng bước hiện đại hóa trang thiết bị dạy học, đáp ứng tiêu chí kiểm định chất lượng, xây dựng trường chuẩn quốc gia và các tiêu chí về giáo dục trong xây dựng Nông thôn mới; duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục, công tác xóa mù chữ. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Thực hiện tốt chính sách bồi dưỡng nhân tài, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của huyện.

Công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Quá trình triển khai thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ được UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban của huyện, UBND các xã, thị trấn, các trường học với vai trò nhiệm vụ của mình thực hiện nâng cao chất lượng.

Hàng năm UBND huyện kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ huyện và chỉ đạo các xã, thị trấn kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ của địa phương cho phù hợp với thực tế và yêu cầu của từng đơn vị. Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xoá mù chữ phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, quan tâm đến công tác tuyên truyền một cách thường xuyên, liên tục; có văn bản chỉ đạo đến các cơ sở, thành viên về mục tiêu, ý nghĩa, trách nhiệm của mỗi người thực hiện phổ cập giáo dục, xoá mù chữ do đó mọi tầng lớp nhân dân đã nâng cao nhận thức, hiểu về làm phổ cập giáo dục, xoá mù chữ các nhà trường đã có nhiều giải pháp trong việc tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp.

Về điều kiện đảm bảo công tác xóa mù chữ: 100% các xã, thị trấn có phân công người theo dõi công tác xóa mù chữ.Các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn các xã, thị trấn bảo đảm duy trì tốt công tác xóa mù chữ theo quy định. Hiện đang tổ chức 05 lớp dạy học xóa mù chữ cho người chưa biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 tại 5 xã (An Khánh, Tân Linh, Văn Yên, Tiên Hội, Phú Lạc).

Lớp học xoá mù chữ tại xã Văn Yên, huyện Đại Từ.

Lớp học xoá mù chữ tại xã Văn Yên, huyện Đại Từ.

Giáo viên nỗ lực giảng dạy

Tại xã Văn Yên, huyện Đại Từ, hiện nay trên địa bàn xã chỉ còn các học viên mù chữ ở giai đoạn 2, chính vì vậy địa phương đã và đang nỗ lực vận động, khuyến khích học viên đến lớp học đầy đủ, hoàn thành chương trình.

Cô giáo Lê Thị Mong, giáo viên trường Tiểu học Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Theo chương trình học, các học viên sẽ phải học các môn là Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lý. Lớp học được tổ chức vào buổi tối tại Nhà văn hoá xóm Bầu 2, xã Văn Yên. Học từ 19 giờ 00 đến 23 giờ từ thứ Ba đến Thứ Bảy hằng tuần. Một số buổi cần sử dụng máy tính và tivi thì đến đón học viên lên trường Tiểu học Văn Yên để học.

Chia sẻ về quá trình dạy học, cô Mong cho biết: Chúng tôi giảng dạy dựa trên tài liệu tham khảo của sách giáo khoa các môn Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lí của lớp 4 chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mà hiện tại đang dạy cho học sinh lớp 4 chương trình chính khoá.

Trên cơ sở khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi đã soạn giảng giáo án, lựa chọn phương pháp dạy phù hợp để học viên dễ tiếp thu nhất. Dạy Toán gắn với các ví dụ cụ thể trong đời sống của học viên, nhờ đó học viên đều rất hứng thú với các buổi học.

Tuy nhiên, do các học viên đều đã có tuổi (trên 50 tuổi) nên nhận thức và sự ghi nhớ bài học khó khăn, họ phải lo nhiều việc nên không có thời gian ôn lại bài học, đôi khi họ còn xấu hổ khi tham gia lớp học chính vì vậy, để duy trì sĩ số lớp học, chúng tôi còn thường xuyên quan tâm, chia sẻ, động viên để các học viên tham gia đầy đủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ