Dòng hải lưu đang trở nên nhanh hơn

Dòng hải lưu đang trở nên nhanh hơn

Nghiên cứu mới được công bố vào ngày 6/2 trên tạp chí Science Advances, phát hiện ra rằng sự tăng tốc này đang diễn ra trên toàn cầu, với những tác động đáng chú ý nhất xảy ra ở các vĩ độ nhiệt đới. Tốc độ được tăng cường không chỉ xảy ra trên bề mặt đại dương mà còn xuống tới độ sâu 6.560 feet (2.000 mét).

Đồng tác giả nghiên cứu Janet Sprintall, nhà hải dương học tại Viện Hải dương học Scripps tại Đại học California, San Diego, cho biết trong một tuyên bố: “Mức độ gia tốc của dòng hải lưu mà chúng tôi phát hiện trên khắp đại dương và ở độ sâu 2.000 mét là kết quả mang đến nhiều bất ngờ. Cho dù có dự kiến về một số phản ứng sẽ xảy ra với những cơn gió gia tăng trong hai thập kỷ qua, nhưng sự tăng tốc vượt xa dự kiến này rất có thể là do biến đổi khí hậu toàn cầu”.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy gió thổi qua đại dương mạnh dần với tốc độ gia tăng 1,9% mỗi thập kỷ. Sự gia tăng tốc độ của gió này truyền năng lượng xuống bề mặt đại dương, và sau đó, xuống vùng nước sâu hơn.

Khoảng 76% phần diện tích khu vực có độ sâu từ 2.000m trở lên của các đại dương được quan sát có sự gia tăng về động năng kể từ những năm 1990. Nhìn chung, tốc độ hiện tại của các dòng hải lưu đã tăng lên khoảng 5% mỗi thập kỷ kể từ đầu những năm 1990, nghiên cứu cho thấy.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Shijian Hu, một nhà hải dương học tại Viện Hải dương học ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Hu, Sprintall và các đồng nghiệp của họ quan tâm đến việc tìm hiểu những thay đổi toàn cầu đối với các dòng hải lưu vì nghiên cứu trước đây đã vạch ra một bức tranh khó hiểu.

Ví dụ, dòng hải lưu trong vùng cận nhiệt đới truyền năng lượng từ xích đạo đến các cực đã tăng cường trong thế kỷ qua. Nhưng một số dòng hải lưu lớn trong khu vực, chẳng hạn như Kuroshio ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương, cho thấy rất ít bằng chứng tăng tốc, các nhà nghiên cứu viết.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã phân tích lại dữ liệu dòng hải lưu cũ và lấy thông tin mới từ Sứ mệnh Argo, một dự án khoa học sử dụng hàng nghìn phao hình tên lửa tự động để thu thập thông tin về nhiệt độ, độ mặn và dòng hải lưu.

Việc tăng tốc không trở nên rõ ràng ngay lập tức vì các dòng hải lưu vốn di chuyển chậm, đồng tác giả nghiên cứu Michael McPhaden, một nhà nghiên cứu tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia, nói với tờ The Washington Post.

Ví dụ, dòng xích đạo phía Nam ở Thái Bình Dương chỉ di chuyển một dặm mỗi giờ, do đó, nó sẽ chỉ tăng tốc thêm 0,05 dặm/giờ trong một thập kỷ, ông nói.

Tuy nhiên, với lượng nước khổng lồ được di chuyển, phải mất một lượng năng lượng đầu vào đáng kể để tạo ra gia tốc đó. Những thay đổi lớn hơn những gì được dự kiến theo sự biến thiên của tự nhiên, cho thấy sự nóng lên toàn cầu chính là thủ phạm.

Còn rất nhiều câu hỏi để trả lời về những thay đổi trong sự lưu thông của đại dương, Hu và các đồng nghiệp đã viết trong bài báo mới của họ. Ví dụ, có rất ít quan sát về sự lưu thông ở độ sâu thấp hơn, vì vậy họ có rất ít thông tin về những thay đổi trong các đại dương rất sâu.

Hiểu được những thay đổi trong sự lưu thông của đại dương rất quan trọng để hiểu về biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó, các nhà nghiên cứu viết.

Dòng hải lưu di chuyển nhiệt trên toàn cầu, từ đó có thể ảnh hưởng đến môi trường sống đại dương, thời tiết địa phương và nhiệt độ địa phương.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.