Theo Viện Vật lý địa cầu, tại khu vực Bắc Trà My, từ đầu năm 2013 đến nay độ lớn của động đất có xu hướng giảm so với các tháng cuối năm 2012, tần suất động đất cũng có xu thế suy giảm nhưng chưa rõ ràng như độ lớn của động đất và chưa có biểu hiện kết thúc
Vì vậy, cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của hoạt động động đất, trong đó cần chú ý nghiên cứu mối quan hệ giữa động đất và lượng nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2.
Đáng chú ý, thời gian quan trắc càng dài sẽ giúp cho việc dự báo xu thế hoạt động động đất càng chính xác hơn. Việc tiếp tục quan sát động đất là rất cần thiết để có thể đưa ra kết luận một cách đúng đắn xu thế của hoạt động động đất ở đây.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, cho biết trong mấy năm gần đây, động đất trung bình và nhỏ vẫn thường xuyên xảy ra trên lãnh thổ và thềm lục địa Việt Nam.
Nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam không có động đất mạnh. Ở khu vực Tây Bắc đã từng ghi nhận được trận động đất có độ lớn tới 6,8 độ Richter (động đất tại Tuần Giáo năm 1983).
Bên cạnh đó, tâm chấn của các trận động đất ghi nhận được không phân bố ngẫu nhiên mà tập trung vào một số đới đứt gẫy cụ thể. Trên lãnh thổ miền Bắc, động đất xảy ra dọc theo các đới đứt gẫy Mường La-Bắc Yên, Sơn La, Sông Mã, Sông Cả... đã được biết đến từ lâu là các vùng nguồn có khả năng phát sinh động đất.
Ở miền Nam Việt Nam, động đất chủ yếu xảy ra trên thềm lục địa ngoài khơi Vũng Tàu. Độ lớn của tất cả các trận động đất gần đây đều ở vào khoảng trên dưới 3 độ Richter và không vượt quá 4,7 độ Richter.
Các trận động đất này không có khả năng gây thiệt hại nặng về người và của, vì vậy không thể so sánh với những trận động đất mạnh, rất mạnh, hay hủy diệt xảy ra trên thế giới.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Cao Đình Triều thuộc Viện Vật lý địa cầu, những trận động đất xảy ra gần đây ở khu vực huyện Mường La, tỉnh Sơn La thuộc chuỗi hoạt động của đới đứt gãy Mường La-Bắc Yên, nằm phía trên Thủy điện Sơn La nên không có khả năng ảnh hưởng tới khu vực lòng hồ thủy điện.