Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí Võ Chí Công đã từ trần hồi 7 giờ 17 phút, ngày 8/9/2011 (tức ngày 11 tháng 8 năm Tân Mão) tại Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.
|
Đồng chí Võ Chí Công |
Hôm nay (8/9), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Thông cáo đặc biệt, vô cùng thương tiếc báo tin:
Đồng chí Võ Chí Công (tên khai sinh là Võ Toàn), sinh ngày 7/8/1912, quê quán xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam); thường trú tại số nhà 76/14 đường Quốc Hương, phường Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1930; vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tháng 5/1935; nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội các khoá VI, VII, VIII.
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần hồi 7 giờ 17 phút, ngày 8/9/2011 (tức ngày 11 tháng 8 năm Tân Mão) tại Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Đồng chí mất đi là một tổn thất đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Võ Chí Công, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Võ Chí Công theo nghi thức Quốc tang.
Linh cữu đồng chí Võ Chí Công quàn tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh.
Lễ viếng đồng chí Võ Chí Công được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu từ 8 giờ đến 18 giờ các ngày 10 và 11/9/2011.
Lễ truy điệu trọng thể đồng chí Võ Chí Công được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu từ 6 giờ đến 7 giờ ngày 12/9/2011.
Lễ an táng đồng chí Võ Chí Công cùng ngày tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh.
Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp lễ truy điệu và lễ an táng đồng chí Võ Chí Công tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu đồng chí Võ Chí Công tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu đồng chí Võ Chí Công tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội và tại trụ sở Tỉnh uỷ Quảng Nam.
Trong hai ngày tang lễ đồng chí Võ Chí Công (ngày 10 và ngày 11/9/2011), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
TÓM TẮT TIỂU SỬ ĐỒNG CHÍ VÕ CHÍ CÔNG
nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng,
nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Cố vấn
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ______ Đồng chí Võ Chí Công (tên khai sinh : Võ Toàn)
Sinh ngày 07 tháng 8 năm 1912 tại xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam).
Tham gia hoạt động cách mạng năm 1930, vào Đảng tháng 5 năm 1935.
QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG
Đồng chí sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng và hoạt động phong trào thanh niên ở cơ sở từ năm 1930 - 1931; tháng 5 năm 1935, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Năm 1936, đồng chí làm Bí thư Chi bộ ghép (một số xã thuộc huyện Tam Kỳ). Năm 1939, làm Bí thư Huyện uỷ Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1940, làm Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1941, đồng chí được phân công phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam - Đà Nẵng đến Phú Yên. Năm 1942, đồng chí được phân công vào gây dựng cơ sở tại các tỉnh cực nam Trung Bộ.
Năm 1943, đồng chí bị địch bắt, kết án tù chung thân, sau đó giảm xuống 25 năm tù giam ở nhà lao Hội An, sau đầy đi nhà tù Buôn Mê Thuột.
Sau đảo chính Nhật, tháng 3 năm 1945, đồng chí ra tù về Quảng Nam làm Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh, chỉ huy cướp chính quyền ở Quảng Nam - Đà Nẵng.
Sau Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, đồng chí làm Trưởng ty Tư pháp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Chính trị viên Trung đoàn 93.
Năm 1946, làm Phó ban Tổ chức cán bộ và làm Thanh tra Quân khu V. Năm 1951, làm Bí thư Ban cán sự Đông - Bắc Miên, Khu uỷ viên khu V. Năm 1952, làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1954, làm Đoàn uỷ viên cải cách ruộng đất ở khu Việt Bắc. Năm 1955, làm Phó Bí thư Khu uỷ V.
Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Khu uỷ V.
Năm 1961, làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Năm 1962, làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1964, làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, phụ trách Bí thư Khu uỷ V, Chính uỷ Quân khu V.
Năm 1975, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, đồng chí là Phó ban đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ ở miền Nam, phụ trách khu V. Năm 1976, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá VI, được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản.
Tháng 12 năm 1976, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Năm 1978, đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng Ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam.
Tháng 4 năm 1981, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá VII và được cử giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Tháng 3 năm 1982, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phân công làm Thường trực Ban Bí thư. Tháng 6 năm 1986, đồng chí được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Tháng 12 năm 1986, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và được cử tham gia Đảng uỷ Quân sự Trung ương.
Tháng 4 năm 1987, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá VIII và được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng.
Đồng chí là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII (tháng 6 năm 1991) và khoá VIII (tháng 6 năm 1996). Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khoá VI, VII, VIII.
Do công lao và thành tích hoạt động cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. |
Theo Chinhphu.vn