Anh Y Thi Mlô ở vùng sâu buôn Choăh, xã Dliê Yang (huyện Ea H’Leo) phấn khởi cho biết: Ở quê hương, qua hệ thống thông tin đại chúng, anh được biết ngày 21/1, tại Thủ đô Hà Nội diễn ra lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. “Nhờ có Đảng, nhờ có Chính phủ, mà đồng bào các dân tộc thiểu số ở các buôn làng không những không còn đói cơm, nhạt muối mà đã được ăn no, ăn ngon, mặc ấm, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu chính đáng, ốm đau bệnh tật đều được các y, bác sĩ tận tình chăm sóc”, anh Y Thi Mlô tâm sự.
Gia đình anh Y Thi Mlô trước đây rất nghèo, sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ đất sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng gia đình anh đã nỗ lực lao động, học tập những gương sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn. Nhờ vậy, gia đình anh đã từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu. Gia đình anh đã chuyển trên 4 ha đất nương rẫy gieo trồng cây lúa cạn, ngô kém hiệu quả kinh tế sang trồng cà phê kết hợp với việc làm chuồng trại chăn nuôi lợn, gia cầm; bình quân mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu được từ 200 triệu đồng trở lên. Anh Y Thi Mlô tin tưởng Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào đang sinh sống ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Đồng bào các dân tộc hướng về Đại hội Đảng Ảnh: Dương Giang |
Gặp chị H’Hương Byă ở buôn Cuôr Dăng B, xã Cuôr Dăng (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) khi đang chuẩn bị lên rẫy để tưới nước cho cà phê. Chị vui mừng cho biết, nhờ có Đảng, Chính phủ, mà gia đình chị mới có "của ăn của để" như hôm nay. Chị nói, trước đây cuộc sống rất khó khăn, cái đói, cái nghèo, ốm đau bệnh tật kéo theo dai dẳng. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, đồng bào dân tộc thiểu số nghe theo lời Đảng, Chính phủ đi vào định canh định cư, được hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, kỹ thuật canh tác nên đời sống người dân ngày một khấm khá. Gia đình chị hiện nay có 2 ha cà phê, trang trại vườn cây ăn quả chất lượng cao với nhiều loại cây như bơ sáp, sầu riêng nhờ thâm canh tốt nên năng suất đạt khá cao, chỉ riêng cây cà phê đã cho năng suất 5 - 6 tấn cà phê nhân/ha. Đặc biệt, chị H’Hương Byă còn phát huy được nghề làm rượu cần truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê nên đời sống gia đình ngày càng được cải thiện. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị H’Hương Byă thu được từ 300 triệu đồng trở lên…
Cây cà phê trở thành cây làm giàu của đồng bào ở Đắk Lắk. Ảnh: Dương Giang |
Ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc, ưu tiên dành nguồn vốn đầu tư cho các địa bàn dân tộc thiểu số, địa bàn vùng sâu, vùng xa. Trong vòng 5 năm trở lại đây, từ chương trình 135 tỉnh đã đầu tư trên 345,6 tỷ đồng để xây dựng 650 công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 483 công trình giao thông nông thôn, 21 công trình thủy lợi, 41 trường học, gần 100 nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng… Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng thực hiện chương trình hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, thiếu đất sản xuất.