Đông Á căng như dây đàn

GD&TĐ - Bán đảo Triều Tiên vốn dĩ đã chưa từng bình yên trong suốt hơn nửa thế kỷ qua,

Đông Á căng như dây đàn

Gần đây lại dậy sóng với những vụ thử hạt nhân, tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng; phản ứng của Triều Tiên trước cuộc tập trận chung Hàn Quốc và Mỹ; vụ ám sát ông Kim Jong-nam, anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Malaysia; Mỹ và Nhật cam kết sát cánh cùng Hàn Quốc trước sự phẫn nộ của Triều Tiên và sự lo ngại của Trung Quốc… 

Phô trương sức mạnh

Chưa tính đến tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Đông Á đang thực sự là một trong những điểm nóng của thế giới hiện tại. Nổi lên vẫn là mối quan hệ giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên; với Bình Nhưỡng được Bắc Kinh hỗ trợ và Hàn Quốc có Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Cuộc tập trận chung thường niên khai cuộc hồi đầu tháng này giữa quân đội Hàn Quốc và Mỹ chủ yếu là cái cớ để Triều Tiên thể hiện quan điểm, trong đó không loại trừ cả việc hướng dư luận ra khỏi vụ việc ở Malaysia.

Các vụ thử tên lửa tầm xa của Triều Tiên gần đây nhắm trực tiếp vào Hàn Quốc, Nhật Bản và xa hơn là Mỹ. Đó là đe dọa trực tiếp, không còn bóng gió như trước đây.

Bình Nhưỡng tuyên bố thẳng: Đó là hoạt động chuẩn bị cho chiến tranh! Trong khi đó, vào tuần trước Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc cho biết, chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tiến hành đánh giá lại chiến lược đối với Triều Tiên với tất cả các phương án đều có thể được đưa ra.

Căng thẳng ngày càng leo thang, dù khả năng về một cuộc chiến khó có thể (hay gần như không thể) diễn ra trong tương lai gần. Ngày 14/3, khi tàu sân bay USS Carl Vinson đi vào vùng biển của Hàn Quốc để tham gia cuộc tập trận, Triều Tiên ngay lập tức đã cảnh báo Hoa Kỳ về một cuộc tấn công “tàn nhẫn” nếu có hành động vi phạm chủ quyền trong cuộc tập trận chung nói trên.

Những chiếc máy bay F-18 cất cánh từ boong tàu sân bay năng lượng hạt nhân USS Carl Vinson, đã mở đầu cho một cuộc phô diễn sức mạnh quân sự của Mỹ tại khu vực trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang với Triều Tiên.

Bình Nhưỡng tuyên bố, sự có mặt của nhóm tàu chiến của Mỹ ngoài khơi biển phía đông bán đảo Triều Tiên là một “kế hoạch liều lĩnh” nhằm tấn công họ. “Nếu họ vi phạm chủ quyền CHDCND Triều Tiên dù chỉ một chút, lực lượng quân đội của chúng ta sẽ chống trả một cuộc tấn công toàn diện từ mặt đất, trên không, trên mặt biển và dưới nước”, Hãng tin của Nhà nước Triều Tiên KCNA phát đi tuyên bố.

Phản ứng của Mỹ - Trung

Cùng với những căng thẳng trong khu vực, Trung Quốc cũng đưa ra những phản đối kịch liệt về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Hoa Kỳ và Hàn Quốc nói rằng hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD chỉ nhằm mục đích chống lại mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên, nhưng Bắc Kinh lo ngại tầm phủ sóng radar của hệ thống này có thể lan rộng trong lãnh thổ Trung Quốc.

Hoa Kỳ đã bắt đầu triển khai hệ thống một tuần trước, một ngày sau khi Triều Tiên thực hiện phóng 4 tên lửa đạn đạo. Hôm 14/3, Lầu Năm Góc cũng cho biết quân đội Mỹ sẽ bắt đầu triển khai hệ thống tấn công máy bay không người lái tại Hàn Quốc.

Liên quan đến sự việc, Bắc Kinh đã lên tiếng kêu gọi Triều Tiên ngừng thử nghiệm các loại vũ khí mới và khuyến cáo Hàn Quốc và Hoa Kỳ dừng các cuộc tập trận chung.

Trong bối cảnh đó, Nhà Trắng tất nhiên không thể ngồi từ bên kia Thái Bình Dương để nhìn sang Đông Á. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson vừa đặt chân đến Nhật Bản trong chuyến công du đầu tiên, kéo dài 4 ngày, đến châu Á. Các phản ứng của Triều Tiên chắc chắn nằm ở vị trí ưu tiên trong chương trình nghị sự của ngoại trưởng Mỹ. Nhưng Washington có lẽ chưa sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Bình Nhưỡng, thay vào đó là đối thoại với Trung Quốc và trấn an Nhật Bản, Hàn Quốc.

Một điều đáng chú ý là khác với truyền thống, không có nhà báo nào của Mỹ đi cùng Ngoại trưởng Tillerson trên chuyến bay của ông tới châu Á. Lý do được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra là để tiết giảm chi phí, Ngoại trưởng phải đi bằng máy bay nhỏ, không thể cho báo chí đi cùng.

Dẫu vậy, một số nhà báo kỳ cựu và các nhà phân tích chính sách đối ngoại phẫn nộ trong khi các nhà quan sát ngoại giao khác bày tỏ quan ngại rằng, ông Tillerson đã muốn tránh sự chú ý và giữ cho tháng đầu tiên nhậm chức không ồn ào.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói ông Tillerson sẽ tổ chức một buổi họp báo trong chặng dừng tại Nhật Bản. Chắc chắn không phải để giải thích về việc thiếu vắng sự tháp tùng của báo chí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ