Sau một ngày mệt nhoài nơi công sở, chẳng còn mấy ai hứng thú với những công việc nhà ngổn ngang. Nhưng trong mắt các nhóc tì, đó có khi lại là một điều thú vị, các bé tỏ ra rất hào hứng với việc lập lại trật tự cho ngôi nhà. Chỉ cần bố mẹ tinh ý chớp lấy “thời điểm vàng” này và cho con có cơ hội tập làm người lớn trong nhà.
Áp dụng năm nguyên tắc giản đơn mà hữu hiệu này cha mẹ sẽ dễ dàng khiến bé hứng khởi với công việc dọn dẹp nhà cửa.
1. Lưu ý đến độ tuổi của bé
Hãy cân nhắc độ khó của công việc khi giao cho bé. Ví như, với nhóc tì 3 tuổi thì bạn không thể yêu cầu bé tự giặt sạch tất, nhưng phân loại tất theo màu sắc hay kích cỡ là việc bé có thể làm ngon lành. Hãy coi đó là một trò chơi, và giải thích luật chơi cho bé, bạn sẽ ngạc nhiên đấy vì bé xử lý đống lộn xộn này chỉ trong nháy mắt mà thôi.
2. Đừng kỳ vọng sẽ có kết quả trong ngày một ngày hai
Để có thói quen dọn dẹp đồ chơi, nếp sinh hoạt ngăn nắp, bé cần được “rèn” thường xuyên. Thói quen không tự hình thành chỉ sau vài lần nhắc nhở. Bố mẹ cần kiên trì hướng dẫn để bé hiểu đó là nguyên tắc gia đình cần tuân thủ.
3. Yêu cầu nhẹ nhàng, thân thiện
Đừng đe dọa, tạo áp lực: “Nếu con không dọn đồ chơi, sáng mai khỏi đi công viên nhé”. Trẻ sẽ tiếp nhận những đe nẹt ấy như một thứ mệnh lệnh, và trong vô thức sẽ có xu hướng chống đối. Hãy nhẹ nhàng đề nghị khi muốn bé làm điều gì đó. Sẽ hiệu quả hơn nếu bạn biết khơi gợi sự đồng cảm của bé. Thay vì yêu cầu: “Nào, con thu dọn đồ chơi lại đi!”, hãy thử: “Cưng ơi, con thu dọn đồ chơi lại nhé, ông bà đến chơi mà thấy bừa bộn thế này thì mẹ con mình xấu hổ lắm." Bé sẽ cảm thấy được bố mẹ tôn trọng và hiểu vai trò của mình cũng không kém phần quan trọng trong việc giữ gìn sự ngăn nắp của ngôi nhà.
4. Đưa ra yêu cầu cụ thể
Đối với trẻ, “Dọn phòng đi” là yêu cầu hết sức mơ hồ, hơn nữa bé có thể không thấy việc quần áo ngổn ngang trên giường hay sách vở tung tóe dưới sàn là bất ổn. Vì thế, hãy yêu cầu con thật cụ thể: “Con gái bỏ tất bẩn vào máy giặt cho mẹ nhé!”, hay “Bạn Mi hãy giúp những cuốn truyện dưới sàn trở về giá sách nhé!”...
5. Xác định rõ thứ tự ưu tiên cho từng “hạng mục” công việc
Với bé, việc thực hiện nhiều việc một lúc là điều không thể. Bé chưa hiểu trình tự công việc có ý nghĩa thế nào. Hơn nữa, khả năng tập trung của các bé chưa cao, nên dễ quên nếu được giao nhiều hơn một nhiệm vụ. Vì vậy, thay vì đưa ra hàng loạt lời đề nghị, hãy cùng con bắt tay làm từng “hạng mục” một. Vừa làm vừa giải thích cho bé lý do làm việc này trước, việc kia sau. Thay vì đề nghị: “Con cho vẹt ăn trước, sau đó rửa tay, rồi giúp mẹ xếp quần áo”, hãy thử nói: “Mẹ con mình cho vẹt ăn nhé!”, “Giờ vẹt có vẻ đã no rồi, hai mẹ con mình rửa tay rồi gấp quần áo nào, bé yêu"./.
Làm sao để khích lệ
- Đừng quên cổ vũ, động viên mỗi khi bé hoàn tất công việc được giao. Để thể hiện sự khen ngợi, bố mẹ có thể ghi một ký hiệu ngộ nghĩnh lên tấm phiếu của bé, như hình ngôi sao hay trái tim. Khi bé đã sưu tầm được số lượng “ngôi sao” hay “trái tim” nhất định (như đã giao hẹn trước), bố mẹ có thể thưởng cho bé một món đồ chơi, một buổi dã ngoại, hay đơn giản là cho phép bé được xem một bộ phim yêu thích.
- Với bé từ 7 tuổi trở lên, các chuyên gia gợi ý bố mẹ có thể thưởng một khoản thù lao nhỏ khi con nỗ lực thực hiện những công việc mà chúng vốn “ghét cay ghét đắng”, như đi đổ rác, hút bụi, quét nhà… Khoản tiền này chỉ mang tính tượng trưng nhưng sẽ khiến con rất phấn khích. Bởi bé hiểu mình có thể kiếm tiền bằng sức lao động của chính mình và được quyền xài những đồng tiền ý nghĩa ấy cho nhu cầu riêng.
- Bạn cũng nên sắm cho bé các đồ nghề phù hợp - chiếc xẻng con, cây chổi nhỏ, những chiếc mắc áo xinh xinh, dây phơi vừa tầm với... Việc được sở hữu đồ nghề riêng không chỉ thuận tiện cho bé thao tác mà còn khiến bé cảm thấy thích thú và hào hứng hơn với công việc.
- Cuối cùng, quan trọng hơn mọi nguyên tắc, con trẻ thường làm theo những gì bố mẹ làm. Vì vậy, thay vì chỉ ra lệnh, hãy trở thành tấm gương của con bằng việc giữ nhà cửa luôn gọn gàng, ngăn nắp. Đó chính là bài học tốt nhất mà bố mẹ có thể dành cho con.