Đói vẫn phải... thoát nghèo để đạt chuẩn nông thôn mới

Thiếu đất sản xuất và việc làm ổn định, cái nghèo truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong số họ, không ít hộ đứt bữa, con cái bỏ học. Thế nhưng, họ lại được “giải phóng” khỏi cái nghèo theo cách không ai ngờ tới. Chuyện xảy ra ở huyện miền núi cao Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đói vẫn phải... thoát nghèo để đạt chuẩn nông thôn mới

Bỗng nhiên thoát nghèo

Chuyen co that, doi van phai... thoat ngheo de dat chuan nong thon moi - Anh 1

Ông Trạc bật khóc kể về cơn bĩ cực của gia đình mình

Vợ chồng ông Trần Trạc (75 tuổi), bà Nguyễn Thị Gái (73 tuổi) tại cụm 4 (khu vực 1, thị trấn Khe Tre) có một hoàn cảnh hết sức đáng thương.

Ông bị mù hẳn 1 mắt từ 35 năm nay, bệnh tim của bà trở nên nặng hơn kể từ 3 năm trước. Ông bà, ngoài việc tự nuôi nhau còn phải chăm thêm đứa cháu ngoại mồ côi.

Thế nhưng, ông bà đã làm một việc mà ít ai nghĩ tới. Chuyện là, năm 2014, sau khi thấy căn bệnh tim của bạn đời đã thuyên giảm, ông Trạc xung phong ra khỏi hộ nghèo.

Lúc đó, ông chỉ nghĩ đơn giản, đời mình nghèo rồi nhưng cũng chưa đứt bữa, vợ thì nay đã đỡ hơn trước, suất hộ nghèo nên dành cho người khác khó khăn hơn. Thế là, từ một hộ nghèo “thâm niên”, ông bỗng dưng thoát nghèo.

Nhưng rồi, người tính không bằng trời tính, cuối năm 2014, bệnh tình của vợ mỗi ngày một nặng, thường xuyên ngất xỉu, phải chịu đựng nhiều cơn đau hành hạ.

Không có lương thưởng, không ruộng đất, cơm cháo hàng ngày chỉ nhìn vào mấy buồng chuối, buồng cau trong vườn, ông phải vay 10 triệu đồng của Hội Người mù thị trấn Khe Tre nhiều lần đưa bà vào ra Bệnh viện Trung ương Huế điều trị.

Cùng đường, cuối năm 2015, ông lại xin để được vào hộ nghèo mong được hỗ trợ đồng nào đưa bà đi viện chữa trị. Thế nhưng, cán bộ cụm bảo, số lượng hộ nghèo đã đủ, chỉ còn bổ sung vào hộ cận nghèo nữa thôi. Không còn cách nào, vợ chồng ông đành đồng ý.

Chúng tôi đến chơi nhà ông Trạc khi nắng đã lên đến ngọn cây. Người đàn ông già nua, khổ cực mù một mắt ấy đang xắn quần ống cao ống thấp cuốc cỏ ngoài vườn. Vợ ông, người phụ nữ gầy còm, ốm yếu đang nhăn nhó trước những cơn đau tim hành hạ.

Ông Trạc nói trong nước mắt: “Tôi cũng sung sướng gì khi phải là hộ nghèo đâu. Chỉ là vì vợ đau ốm triền miên, được tấm thẻ bảo hiểm dành cho người nghèo để đỡ chi phí điều trị, được hỗ trợ thêm đồng nào thì chi phí tàu xe. Hàng ngày nhìn cảnh vợ đau đớn, quằn quại vì bệnh tim, tôi không thể cầm lòng”.

Ông Trạc chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp mà chúng tôi tiếp xúc thuộc diện nghèo đến tận cùng nhưng trong mắt chính quyền địa phương họ đã thoát nghèo. Có hay không việc chạy theo thành tích, căn bệnh trầm kha bấy lâu nay được nhiều người nhắc đến?

Theo một cán bộ xã Thượng Nhật (Nam Đông), tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều của xã năm 2016 là 19,92%, hộ cận nghèo là 13,15%. Con số này giảm “thần tốc” chỉ sau 1 năm khi hộ nghèo chỉ còn lại 14,68%, hộ cận nghèo 13,21.

Nhưng như nhiều người nhận xét, nếu nhìn vào hệ thống hạ tầng giao thông của Nam Đông nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung để đánh giá về đời sống của người dân thì có phần phiến diện.

Ở Huế, đường giao thông có thể được bê tông hóa tận chân ruộng nhưng nhà cửa, gia tài điền sản của một hộ dân có khi không có nổi chục triệu đồng.

Đến lúc này, vợ chồng anh chị Trần Xuân Thơm và Hồ Thị Túc tại thôn 6 - La Vân (xã Thượng Nhật) vẫn chưa hiểu vì sao mình bỗng dưng được “thoát nghèo”.

Chuyen co that, doi van phai... thoat ngheo de dat chuan nong thon moi - Anh 2

Chị Túc trong căn nhà rách nát

Không biết trời đất hành hạ thế nào, vợ chồng, con cái nhà anh Thơm cứ ốm đau bệnh tật triền miên. Khi anh chuẩn bị một chuyến làm ăn xa thì đứa con gái ngồi học, vì nhà phên vách nứa, mưa dột tứ tung đã bị một con rắn độc bò vào nhà cắn.

Đến nay, chạy chữa nhiều nơi, cháu cũng không được bình thường như mọi người. Nhà có 1 soi ruộng (khoảng 450 m2) chỉ thu về trên 1 tạ lúa/vụ, năm nào nhà anh Thơm cũng thiếu ăn 3-4 tháng.

Tiền anh Thơm và vợ đi làm thuê, bóc vỏ keo, bữa đực bữa cái không đủ để mua gạo, nuôi 2 đứa con ăn học. Ấy thế mà năm 2017, nhà anh Thơm chính thức thoát nghèo.

“Năm 2016, xã cấp cho nhà ta một con bò và 1 con bê trị giá 28 triệu đồng. Nhà nước chỉ hỗ trợ 6,5 triệu đồng thôi, nhà ta phải bù vào 21,5 triệu đồng nữa, nếu không lấy thì xã sẽ cho hộ khác.

Vừa bán được lứa keo, ta vay ông ngoại hơn mười triệu đồng nữa để lấy bò về. Giờ xã bảo, có bò là thoát nghèo rồi. Xã cho ta thoát nghèo trong khi vẫn nhà tranh vách nứa, vẫn đói cơm 2-3 tháng trời, trong nhà giờ này không còn một hạt lúa” - Chị Túc vừa giơ nắp đậy chiếc sập giữa nhà vừa nói như để chứng minh điều mình nói.

Đó cũng là hoàn cảnh của vợ chồng anh chị Hồ Thị Vân - Lê Văn Vui, thôn 6 - La Vân. Chị cũng được nhận 1 con bò, dù chồng bị bỏng xăng, gần như mất hết khả năng lao động, trong nhà không có gì đáng giá nhưng cũng bỗng nhiên thoát nghèo.

Chuyen co that, doi van phai... thoat ngheo de dat chuan nong thon moi - Anh 3

Nhà chị Vân cũng đã thoát nghèo

Ép thoát nghèo vì nông thôn mới

Không chỉ người dân bức xúc vì bỗng nhiên thoát nghèo mà nhiều trưởng thôn cũng tỏ thái độ không đồng tình với cách làm của lãnh đạo xã Thượng Nhật. Xem ra, câu chuyện thành tích đã len lỏi, ăn sâu vào cả những vùng sâu, vùng xa nhất của huyện miền núi Nam Đông.

Năm 2016, thôn 6-La Vân có 30 hộ nghèo. Nhưng năm 2017, 12 hộ đã buộc phải thoát nghèo. Ông Trần Xuân BRương - Trưởng thôn 6-La Vân nói:

“18 hộ nghèo đều là hộ già cả, bệnh tật, tất nhiên không cắt được rồi. Nhưng 12 hộ đã thoát nghèo trong 1 năm, họ vẫn còn nghèo, vẫn còn thiếu đói 2-3 tháng.

Nhiều hộ vẫn đang là nhà tạm bợ. Họp thôn, cán bộ xã về chỉ đạo phải giảm hộ nghèo nếu không xã, thôn sẽ không đạt chuẩn NTM nên phải thẳng tay loại những hộ này ra khỏi danh sách hộ nghèo (?)”.

Chuyen co that, doi van phai... thoat ngheo de dat chuan nong thon moi - Anh 4

Ngôi nhà của một hộ đã thoát nghèo

Trưởng thôn 5 là Hồ Van Bàn A Sách thì đấu tranh quyết liệt nhưng cuối cùng cũng phải nhượng bộ cán bộ xã: “Xã giao chỉ tiêu phải giảm từ 13 hộ nghèo năm 2016 xuống 8 hộ nghèo năm 2017, đó là chỉ tiêu của huyện giao cho xã, xã giao về cho thôn (?).

Nhưng chỉ đi chấm điểm mấy chục hộ thì đã có 11 hộ thuộc diện hộ nghèo nên dừng không đi hết cả thôn nữa. Thôn cũng đề nghị 11 hộ nghèo nhưng cãi nhau mãi rồi cũng phải chấp nhận 10 hộ nghèo.

Nếu chấm cho đúng, thôn 5 phải có ít nhất 20 hộ nghèo. Hiện thôn có 6 ngôi nhà tạm, đó là chưa tách hộ chứ nếu tách hộ thì còn nhiều hơn nữa.

Nhưng chưa dừng lại, xã còn giao chỉ tiêu, đến năm 2018, thôn 5 chỉ còn 2 hộ nghèo. Xã không cho tranh luận mà ấn định chỉ tiêu. Cao trên mây, thôn này không thể làm được”.

Dẫn chứng trưởng thôn 5 đưa ra là trường hợp của Hồ Văn Bi. Hiện, Bi là hộ nghèo. Nếu năm sau buộc phải thoát nghèo thì căn nhà tạm cũng chưa thể làm lại được, nợ 40 triệu đồng tiền ngân hàng trả tiền trồng cao su bị chết cũng lấy đâu ra mà trả?

Một cán bộ xã Thượng Nhật cho biết, hiện xã còn 55 nhà tạm. Mỗi năm, từ các nguồn hỗ trợ, Thượng Nhật xóa được khoảng 10 nhà tạm với tổng số tiền khoảng 500 triệu đồng.

Hiện nay, Thượng Nhật đã đạt 14 tiêu chí NTM và không có chuyện huyện, xã giao chỉ tiêu thoát nghèo và ép thoát nghèo bằng mọi giá (?).

Hai thôn 5 và 6 chỉ có 8,4 ha lúa nước và với 611 nhân khẩu. Trước đây, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng núi nhưng nay đóng cửa rừng, không có ngành nghề phụ, cuộc sống người dân ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng vì quá nghèo, một hộ nghèo tại thôn 6- La Vân đã không đủ tiền “đối ứng” để nhận bò. Kết quả là bò dự án rơi vào tay một hộ trung bình.

Theo Nông Nghiệp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.
“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.