Đối thoại ASEAN - EU về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái

GD&TĐ - Cuộc đối thoại do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam phối hơp với Ban Thư ký ASEAN, Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) và Chương trình tăng cường đối thoại EU-ASEAN (E-READI) tổ chức ngày 22/10 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Đối thoại
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc Đối thoại

Nội dung đối thoại tập trung vào chủ đề “Thực hiện Mục tiêu phát triên bền vững số 5: bình đẳng giới tại nơi làm việc”. Đây là hoạt động được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 3 tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: bình đẳng giới tại nơi làm việc là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quyền năng kinh tế, là tiền đề nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Nhận thức rõ điều này, Việt Nam đã xây dựng những khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ về kinh tế thông qua các mô hình, hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc.

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 50% lao động nữ được học nghề từ Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tỉ lệ có việc làm của phụ nữ trong tổng số lao động có việc làm được duy trì ở mức trên 48%. Nhiều địa phương xây dựng được Quỹ “Phụ nữ khởi nghiệp” và có tỉ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt trên 30%. Nhiều cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất có mô hình nhà trẻ. Nhờ đó, bình đẳng giới trong lao động, việc làm ngày càng được cải thiện đáng kể, tăng cường bình đẳng giới thực chất về quyền và cơ hội giữa nam và nữ.

Bình đẳng giới tuy đã có nhiều tiến bộ trong khu vực và tại từng quốc gia thành viên ASEAN, song vẫn còn nhiều việc cần phải làm để giải quyết các thách thức hiện nay. Chất lượng việc làm của lao động nữ còn thiếu bền vững, thu nhập trung bình còn thấp hơn lao động nam; định kiến giới còn tồn tại trong tuyển dụng và lựa chọn nghề của nam và nữ; những rào cản trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống vẫn là những khó khăn tồn tại trong thế giới việc làm của phụ nữ.  

Trong lĩnh vực an sinh xã hội, vấn đề việc làm, kết nối nghề với việc làm, bảo hiểm xã hội cho phụ nữ chính là những nội dung đảm bảo được bình đẳng giới trong việc làm của Mục tiêu phát triển bền vững số 5.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ