Đổi thay giáo dục Nậm Chảy

Đổi thay giáo dục Nậm Chảy

Thách thức ở xã vùng cao biên giới

Xã Nậm Chảy có 17 km đường biên giới trong đó có 4 thôn giáp biên. Trên địa bàn xã có 13 thôn bản với 10 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Nguyễn Thị Minh Xuân – Trưởng phòng GD&ĐT Mường Khương chia sẻ: Nói tới Nậm Chảy những năm trước đây người ta chỉ hình dung đến một xã còn hạn chế và khó khăn về nhiều mặt trong đó có giáo dục. Các đơn vị trường học thuộc 3 cấp học MN, TH, THCS trên địa bàn xã đối diện với vô vàn thách thức.

Đó là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất. Các phòng học, phòng chức năng, công trình phụ trợ cho các hoạt động giáo dục đặc biệt khó khăn. Tại các điểm trường lẻ, GV và HS phần lớn “dạy chay học chay” khi trang thiết bị dạy học, phòng học bộ môn, máy móc và công nghệ thông tin gần như “trắng” nên không thể triển khai ứng dụng hay có sự đổi mới sáng tạo cần thiết trong dạy học. Khuôn viên trường lớp nhỏ hẹp, những góc học tập, thư viện xanh, góc văn hóa cộng đồng, bồn hoa cây cảnh… đều thiếu.

Đội ngũ GV bảo đảm công tác dạy học tại xã Nậm Chảy không chỉ thiếu về cơ cấu mà còn chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy. Chính vì vậy, chất lượng giáo dục chưa cao. Đặc biệt, việc huy động học sinh ra lớp, duy trì tỷ lệ chuyên cần với cấp THCS là bài toán khó với nhà trường và GV.

“Có thời điểm, tỷ lệ HS đi học chuyên cần chỉ đạt 70 - 80%. Nhiều phụ huynh không ý thức được tầm quan trọng của giáo dục, mải làm ăn nên không quan tâm đến việc học tập của con em trong và ngoài giờ lên lớp. Cũng chính vì vậy, nhà trường gần như “đơn độc” trên hành trình giáo dục. Thậm chí, vì mưu sinh nhiều gia đình không tạo điều kiện cho con em đến trường học tập. GV dù nhiệt tình trong công tác huy động HS tới trường lớp thì tình trạng bỏ trốn học vẫn không thể khắc phục hoàn toàn…” - bà Nguyễn Thị Minh Xuân cho biết.

Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư khang trang tại xã Nậm Chảy huyện Mường Khương - Lào Cai
 Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư khang trang tại xã Nậm Chảy
 huyện Mường Khương - Lào Cai

Duy trì tỉ lệ chuyên cần

Theo bà Nguyễn Thị Minh Xuân, để có được chất lượng giáo dục, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Nậm Chảy và các đơn vị trường học đã xác định nhiệm vụ quan trọng nhất là nâng cao tỷ lệ chuyên cần.

Vì thế trong những năm gần đây, UBND xã và các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp, thảo luận thống nhất các giải pháp. Song song với tham mưu, tăng cường cơ sở vật chất cho các nhà trường còn quyết liệt thực hiện hàng loạt giải pháp duy trì tỉ lệ chuyên cần.

Khẩu hiệu trở thành một chương trình hành động của xã: “Trách nhiệm huy động HS ra lớp là của cấp ủy chính quyền địa phương, trách nhiệm của nhà trường phải đảm bảo, nâng cao chất lượng HS”. Vì thế, tỉ lệ HS đi học chuyên cần đã chuyển biến tích cực, bền vững. Cấp THCS đạt 96% trở lên; MN, TH đạt từ 98% trở lên; hạn chế được tình trạng HS THCS bỏ học và chưa ra lớp.

Chia sẻ kinh nghiệm duy trì sĩ số lớp, thầy Bùi Quang Tấp – Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nậm Chảy nói: Ban giám hiệu đã tham mưu với chính quyền địa phương để cùng vào cuộc với ngành Giáo dục. Cụ thể, trong các cuộc họp giao ban, giáo dục là một nội dung để báo cáo, bàn bạc, tìm giải pháp. Từ đó phân công cho cấp ủy chính quyền, thành viên trong đảng ủy cùng phụ trách cụ thể về giáo dục ở các thôn, bản.

Trong khâu tổ chức, để duy trì tốt tỉ lệ chuyên cần, hệ thống bán trú trong nhà trường đóng vai trò quan trọng. Với HS bán trú ở xa, phải tổ chức chỗ ăn ở, nền nếp tốt để thu hút HS tới trường. Cùng đó, nhà trường và GV còn tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động thể dục thể thao, tổ chức dạy học phù hợp để HS đến trường học tập không thấy khó.

Cuối cùng, trường học chủ động trao đổi thường xuyên với phụ huynh HS, trưởng thôn, trưởng các chi bộ thôn bản để 2 bên cùng nắm bắt tình hình, từ đó có hướng đi đúng đắn trong vấn đề giáo dục.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và nhà trường, sự kết hợp nhà trường - phụ huynh, Nậm Chảy được ghi nhận thoát yếu về giáo dục, tỉ lệ chuyên cần hàng ngày đạt khoảng 96 - 97% trở lên. Tình trạng bỏ học, trốn lớp của HS cơ bản được loại bỏ.

Đội ngũ GV tâm huyết với sự nghiệp ”gieo chữ trồng người” ở vùng đất khó
 Đội ngũ GV tâm huyết với sự nghiệp ”gieo chữ trồng người” ở vùng đất khó

Đầu tư đúng hướng

Giáo dục không được quan tâm phát triển đồng nghĩa xã hội, văn hóa, kinh tế bị kéo lùi và tụt hậu. Chỉ khi nào giáo dục được tạo điều kiện để phát triển xứng tầm khi đó dân trí, xã hội và kinh tế… mới có cơ hội chuyển mình. Thực tế đã chứng minh điều đó nên các cấp chính huyện Mường Khương và xã Nậm Chảy đã có sự đánh giá nhìn nhận lại vai trò giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Minh Xuân minh chứng: Từ năm 2017, Nậm Chảy thoát khỏi danh sách 14 xã yếu về giáo dục. Công tác giáo dục của xã tiếp tục được quan tâm phát triển khá toàn diện, chuyển biến rõ nét về quy mô, số lượng, chất lượng trên nhiều lĩnh vực.

Đến nay, trường lớp của ba cấp học được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đủ về số lượng và đảm bảo về chất lượng đáp ứng nhu cầu dạy và học của các trường PTDTBT. Các đơn vị trường học có đủ phòng học, phòng bộ môn, thư viện; các phòng chức năng khác và các trang thiết bị đảm bảo cho việc dạy và học.

Cô Vũ Kim Huệ - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chảy chia sẻ: Nhà trường được đầu tư đầy đủ các phòng dạy học Âm nhạc, Mĩ thuật, tiếng Anh, phòng khoa học. Trang thiết bị phòng học chức năng đều đạt tiên tiến và được thiết kế theo đặc trưng của từng môn học.

Từ khi có đủ các phòng chức năng, chất lượng giáo dục nâng cao đáng kể. HS đã có ý thực tự học nhiều hơn. Mặt khác, từ các phòng học chức năng giúp HS tăng cường năng lực học tập, kĩ năng ứng dụng ngoài cuộc sống và kĩ năng trong từng môn học mình yêu thích…

Đặc biệt với hệ thống thư viện tiên tiến của nhà trường càng góp phần tăng cường khả năng đọc hiểu. Hình thành ở HS phản xạ thấy sách truyện ở bất kỳ đâu (từ góc học tập tới thư viện xanh)… đều tự giác và yêu thích đọc sách mà không cần GV nhắc nhở.

Khám sức khỏe cho học sinh
 Khám sức khỏe cho học sinh

Không chỉ đảm bảo về số lượng và chất lượng, đội ngũ GV xã Nậm Chảy còn được nhìn nhận có phẩm chất đạo đức tốt, tâm huyết với nghề và có thể ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy hiệu quả. Nhiều GV đã đạt danh hiệu dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Các nhà trường thực hiện hiệu quả phong trào “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, sáng tạo, tự học”. HS thực hiện tốt nội quy của trường, lớp và tham gia tích cực vào hoạt động giáo dục kĩ năng sống, hoạt động thể dục thể thao, hoạt động ngoài giờ lên lớp...

Bà Nguyễn Thị Minh Xuân khẳng định: Chất lượng và hiệu quả dạy học của các nhà trường đã và đang chuyển biến qua mỗi năm học. Kết quả rèn luyện và học tập của HS có nhiều thay đổi, HS tích cực, tự giác học tập, chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của lớp, của trường. Công tác đổi mới quản lý, chỉ đạo cũng thay đổi tích cực, rõ nét, thể hiện ở sự vào cuộc quyết liệt của mỗi CBQL đến các tổ chuyên môn ở các đơn vị trường; công tác chính trị, tư tưởng; xây dựng trường học kỷ cương - văn hóa; chất lượng giáo dục thực chất.

Tới nay, tỷ lệ HS 3 - 5 tuổi ra lớp đạt 100%; Tỷ lệ trẻ nhà trẻ đạt 31%. Trẻ mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chương trình mầm non đạt 100%; HS hoàn thành chương trình TH hằng năm đạt 100%; chuyển lớp từ 99% trở lên. Nậm Chảy cũng đã huy động được 100% số trẻ từ 6 đến 11 tuổi ra lớp. Huy động HS hoàn thành chương trình TH vào học lớp 6 đạt 99%; tỷ lệ phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS đạt trên 75%.

Công tác bán trú được đầu tư với quy mô, số lượng và các điều kiện chăm lo cho HS bán trú ngày càng đảm bảo. Các nhà trường luôn đảm bảo chế độ nuôi ăn bán trú cho HS, tích cực rèn nền nếp sinh hoạt với các hoạt động “một ngày bán trú”; tăng cường giáo dục lối sống và rèn kỹ năng sống. Ngoài ra do đặc thù xã giáp biên nên các trường còn quan tâm, quản lý tốt đảm bảo an toàn, an ninh trường học...

Những đổi thay tích cực của Giáo dục Nậm Chảy không chỉ ghi nhận kết quả xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể vững mạnh, mà còn là sự đổi mới từng ngày trong công tác quản lý, chỉ đạo. Sự đổi mới mạnh mẽ về phương pháp, hình thức dạy học trong các nhà trường và đặc biệt đã phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của HS; đổi mới về mô hình trường PTDTBT, mô hình trường học gắn với thực tiễn… của các đơn vị trường học trên địa bàn xã Nậm Chảy.

Sự thay đổi tích cực giáo dục xã Nậm Chảy là phần thưởng cao quý cho những nỗ lực của thầy và trò các nhà trường trong thời gian qua. Nó cũng cho thấy, nơi đâu giáo dục được quan tâm, đầu tư xứng tầm, nơi đâu có sự đồng lòng, vào cuộc từ các cấp chính quyền đến các tổ chức xã hội và người dân...  nơi đó giáo dục sẽ vươn mình phát triển. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.