Đội ngũ nhà giáo - nhân tố quyết định đổi mới giáo dục

Đội ngũ nhà giáo - nhân tố quyết định đổi mới giáo dục
Thầy giáo quyết định đến vấn đề đổi mới trong giáo dục
Thầy giáo quyết định đến vấn đề đổi mới trong giáo dục

(GD&TĐ) - Bên cạnh các vấn đề về cơ sở vật chất, cơ chế quản lý, chương trình SGK mới… thì đội ngũ nhà giáo là một trong những vấn đề mà ngành Giáo dục rất cần quan tâm. Bởi đây chính là một trong những khâu then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục theo yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện.

Số lượng phải đi đôi với chất lượng

Theo số lượng thống kê, cả nước có hơn 1,2 triệu giáo viên, giảng viên; trong đó, gần 1,1 triệu giáo viên mầm non và phổ thông, hơn 87 nghìn giảng viên đại học, cao đẳng, còn lại là giáo viên trung cấp chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên... Cán bộ quản lý có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên đạt 98,3%, trong đó, trên chuẩn đạt 83,9%. Giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên đạt 96,47%, trong đó trên chuẩn đạt 51,4%.

Công tác phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ tiếp tục được quan tâm. Đến nay, cả nước đã có 94,4% số cán bộ quản lý và 55% số giáo viên mầm non đứng lớp; 29,3% số nhân viên được biên chế. Có 69,3% số cán bộ quản lý và giáo viên được trả lương theo bảng lương, nâng lương theo định kỳ, trong đó có 135.744 giáo viên hợp đồng làm việc, 48.744 giáo viên hợp đồng lao động. 

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục thì số đông giáo viên chưa thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục do chưa coi trọng những đợt tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ của từng trường hoặc cơ quan quản lý giáo dục tổ chức. Điều này cũng có lỗi của người tổ chức là chưa thiết thực, còn hình thức nhưng điều sai lầm chủ yếu ở các giáo viên khi không coi trọng nghề của mình không thực hiện được tính chuyên nghiệp của nghề giáo, dễ tự do tùy tiện, ngẫu hứng, không chịu theo những qui trình chuẩn mực chặt chẽ.

Bởi vậy nhiều GV còn hạn chế trong năng lực giảng dạy của mình. Cho dù ngày nay lượng thông tin khoa học bùng nổ, cùng với nó là sự bùng nổ công nghệ máy tính, truyền thông, học sinh có thể thu nhận kiến thức từ nhiều kênh, nhiều nguồn, mọi nơi, mọi lúc thì GV vẫn có vai trò quyết định tới công tác giảng dạy. Và để đội ngũ nhà giáo thực sự có chất lượng đáp ứng nhu cầu đổi mới và hội nhập đòi hỏi bản thân mỗi nhà giáo phải nỗ lực cố gắng. 

Chú trọng đến đào tạo đội ngũ trong trường sư phạm

Theo giáo sư Đinh Quang Báo (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội) trong quá trình đổi mới việc dạy học thì việc hình thành ở học sinh năng lực tự học là mục tiêu cơ bản. Để đạt được mục tiêu đó, nhà trường phải đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục. Nếu như trước đây nội dung hướng vào cung cấp một khối lượng kiến thức nhất định thì ngày nay hướng vào dạy cách học, phương pháp tư duy. Kiến thức khoa học có thể sẽ lạc hậu, nhưng cách học và phương pháp tư duy thì ít hoặc lâu bị lạc hậu hơn.

Dạy học hiện đại là dạy công cụ tìm kiếm kiến thức được hiểu theo nghĩa đó. Dạy cách học là hình thành kỹ năng thu thập, xử lý thông tin để phát hiện, giải quyết vấn đề. Công việc đó không ai khác ngoài GV và chỉ có GV mới đảm nhận được. Để HS có thể vận dụng các kỹ năng kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau để vận dụng và giải quyết vào thực tiễn thì mỗi GV phải có vai trò định hướng và giúp HS tự hình thành các kỹ năng đó.

Song để các nhà giáo có thể đảm nhiệm được trọng trách của mình thì Bộ GD&ĐT cần có chiến lược dài hơi trong chỉ đạo việc đạo tạo đội ngũ nòng cốt này. Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng) đã chia sẻ: Để phù hợp chiến lược xây dựng đội ngũ nhà giáo có chất lượng từ ngay khi được đào tạo trong các trường sư phạm thì Bộ GD&ĐT phải chỉ đạo và tạo điều kiện cho các trường sư phạm có cơ chế hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm.

Trên thực tế, hiện nay các trường sư phạm chỉ nặng đào tạo khoa học cơ bản của từng bộ môn chứ chưa tập trung đào tạo tay nghề cho sinh viên. Chương trình Tâm lý giáo dục của các trường sư phạm bị cắt giảm như các bộ môn phụ khác chưa được coi trọng như một môn trọng điểm có hệ số cao, giảng viên dạy về phương pháp giảng dạy, về tâm lý giáo dục cho sinh viên sư phạm cũng thiếu, đặc biệt bố trí thời gian thực tập quá ít (mới có 3 tháng).

Cần phải để sinh viên sư phạm thực tập ở các trường phổ thông cả học kỳ, hay năm học và phải sử dụng ổn định những giáo viên giỏi phổ thông hướng dẫn chỉ đạo sinh viên; Chỉ được đưa về những trường có giáo viên có năng lực, trình độ tay nghề hướng dẫn để đảm bảo sinh viên ra trường phải có năng lực tay nghề vững vàng mới tạo ra chất lượng giáo dục bền vững hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện triệt để giáo dục phổ thông. Như vậy các trường sư phạm phải đổi mới thì mới đảm bảo đào tạo được nguồn nhân lực giáo viên có chất lượng cho các nhà trường mầm non, phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

GV chính là người thi công và quyết định vấn đề có hiện thực hóa được chương trình SGK ban hành hay không. Vì vậy trong sự phát triển chương trình lần này, Bộ GD&ĐT rất quan tâm tới việc đổi mới một cách hệ thống và đồng bộ các khâu. Trong đó để chuyển tải được chương trình SGK đến với người học thì chương trình đổi mới sư phạm và chương trình phát triển đội ngũ nhà giáo được đặc biệt quan tâm.

Minh Châu 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ