Tân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh |
Bên lề Kỳ họp thứ 6, tân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời phỏng vấn của phóng viên về các ưu tiên trong công tác đối ngoại của Nhà nước Việt Nam thời gian tới.
Xin Phó Thủ tướng cho biết về Chương trình hành động của mình trên cương vị mới?
- Đây là vinh dự cũng là trách nhiệm rất lớn lao; Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã tin tưởng giao trách nhiệm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc theo dõi, chỉ đạo công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Cụ thể là triển khai đường lối đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra là chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tích cực xây dựng, phát triển các khuôn khổ quan hệ của Việt Nam với các nước, đưa quan hệ Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định, thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, để năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Công việc trong thời gian tới rất nhiều, yêu cầu, đòi hỏi cao, nhằm đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước thực sự có hiệu quả, không ngừng nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, cũng như góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Xin Phó Thủ tướng cho biết những ưu tiên trong việc thiết lập các quan hệ đối tác giữa Việt Nam với các nước thời gian tới?
- Từ năm 2011 đến nay chúng ta đã triển khai thực hiện việc xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện giữa Việt Nam với nhiều nước, đặc biệt là các nước có vị thế trên thế giới. Đến năm 2013, chúng ta đã xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với 14 nước.
Có thể nói, tất cả các nước lớn trên thế giới chúng ta đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn diện. Điều đó thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao; chính sách đối ngoại của chúng ta, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước, đang được triển khai một cách có hiệu quả.
Trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục xây dựng các khuôn khổ quan hệ với những nước quan trọng, những nước có vị thế trên thế giới, cũng như các nước láng giềng. Hiện nay, trong khu vực Đông Nam Á chúng ta có quan hệ đặc biệt với Lào, xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện với Campuchia.
Việt Nam đã thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia , Singapore và Thái Lan. Trong thời gian tới, xu hướng là sẽ tiếp tục định hình khuôn khổ quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Đối với các nước trên thế giới, hiện nay Việt Nam đang tiếp tục xây dựng các mối quan hệ đối tác toàn diện với các nước không chỉ là nước lớn, nước có vai trò quan trọng và cả những nước ở các khu vực khác như khu vực châu Mỹ, châu Phi...
Vấn đề biển Đông sẽ được lưu ý như thế nào thưa Phó Thủ tướng?
- Chủ quyền luôn luôn là vấn đề thiêng liêng của đất nước. Bảo vệ chủ quyền là một trong những mục tiêu của hoạt động đối ngoại. Hoạt động đối ngoại đóng góp vào bảo vệ chủ quyền, đó là duy trì môi trường hòa bình, ổn định trên thế giới để bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Trên biển Đông, chúng ta có chủ quyền, quyền chủ quyền ở thềm lục địa theo Công ước Luật biển của Liên hợp quốc. Công việc ngoại giao là đóng góp để duy trì được môi trường hòa bình, ổn định ở biển Đông, bảo vệ chủ quyền cũng như quyền chủ quyền của chúng ta trên biển Đông.
Hiện nay ở biển Đông, Việt Nam đang cùng với các nước ASEAN phấn đấu xây dung, thực hiện các tuyên bố về ứng xử ở biển Đông và tiếp tục cùng với các nước, với Trung Quốc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông. Đây là các biện pháp để chúng ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền và duy trì hòa bình, ổn định trên biển Đông.
Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc đang tham vấn về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông. Trên thực tế khi Việt Nam làm điều phối viên của ASEAN và Trung Quốc từ năm 2009-2012, Việt Nam đã rất tích cực cùng các nước ASEAN xây dựng các thành tố của Bộ quy tắc ứng xử này và được các nước trong ASEAN thống nhất với nhau về các thành tố của bộ quy tắc ứng xử.
Hiện nay, Trung Quốc đã đồng ý cùng với các nước ASEAN tiến hành tham vấn để bắt đầu đi vào xem xét Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông. Tuy nhiên đây là một quá trình vì từ tham vấn sang thương lượng và từ thương lượng đi đến ký kết là cả quá trình, cần sự cố gắng chung của các nước ASEAN và Trung Quốc.
Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!
Theo TTXVN