Cần một nền tảng dân chủ, minh bạch
Muốn một trường ĐH phát triển tốt, ổn định cần phải có phương thức quản trị hiệu quả. Ông là người từng học và làm việc ở bên Úc lâu năm, vậy theo ông, phương thức quản trị một trường ĐH như thế nào thì được xem là ưu việt?
- Để có một phương thức quản trị hiệu quả tất yếu một trường ĐH cần phải được xây dựng trên nền tảng dân chủ, minh bạch gắn liền với trách nhiệm giải trình. Ở nước ngoài, cụ thể là Úc và Mỹ không có trường ĐH nào quản trị theo kiểu tập trung quyền lực, thiếu minh bạch và thiếu cơ chế giám sát.
Chúng ta đang quyết tâm thay đổi, nhưng nói thật sự thay đổi ấy là chưa nhiều. Bộ GD&ĐT đã cho các trường tự chủ toàn diện, tự chủ hoàn toàn (nền tảng để thay đổi phương thức quản trị) nhưng vẫn còn không ít trường e ngại. Khi e ngại thì cơ chế quản lý tất nhiên vẫn theo kiểu cũ, loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn e dè và sợ ảnh hưởng quyền lợi.
Việt Nam đang đứng giữa dòng chảy của cuộc CMCN 4.0. Để không thụt lùi về chất lượng nhân lực đào tạo so với khu vực, giúp nhân lực có thể hội nhập quốc tế, các trường ĐH cần làm gì?
- Việc thay đổi để đáp ứng yêu cầu thời đại, sự vận động của nền kinh tế tri thức là điều buộc phải làm. Với các trường ĐH việc dự đoán được các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần trong tương lai (do tác động của cuộc CMCN 4.0) qua đó xây dựng, định hướng các ngành nghề đào tạo là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, để vượt qua những thách thức này, cá nhân tôi cho rằng, GD phải đem lại cho người học những kỹ năng, kiến thức cơ bản dựa trên nền tảng tư duy sáng tạo. Qua đó, giúp nguồn nhân lực có khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải.
Tất nhiên, ĐH Hoa Sen cũng không thể đứng ngoài xu hướng này. Chúng tôi sẽ định hướng và giúp mỗi GV ý thức được nguy cơ tụt hậu trong GD bằng cách áp dụng phương pháp giảng dạy trong kỷ nguyên mới từ chỗ truyền thụ kiến thức đơn thuần sang đào tạo cho SV biết vận dụng kiến thức một cách sáng tạo trong một thế giới không ngừng biến động. Đào tạo cho SV có một tinh thần biết khởi nghiệp, sáng tạo. Học không chỉ để tìm việc làm mà còn có khả năng tạo ra việc làm cho người khác.
Vượt qua rào cản lợi ích
Khi chuyển một phương thức quản lý kiểu cũ sang một phương thức quản lý kiểu mới, rào cản gì là lớn nhất, thưa ông?
- Với một trường ĐH trong kỷ nguyên CMCN 4.0, yêu cầu hội nhập là thuộc tính thường trực thì phương thức quản lý tập chung chắc chắn không còn phù hợp. Với trường ĐH theo mô hình tư thục hay ĐH theo mô hình công lập, rào cản của sự thay đổi lớn nhất có lẽ là tính lợi ích. Bên cạnh đó, tâm lý ngại thay đổi, e dè trong phương thức quản lý mới cũng là những rào cản.
Xu hướng quốc tế hóa GD là một trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Ngoài việc đẩy mạnh thu hút chất xám, trao đổi học thuật thì việc hình thành môi trường GD theo chuẩn quốc tế đóng vai trò quan trọng giúp các trường hội nhập. Ông nghĩ thế nào về điều này?
- Rõ ràng đây đây là xu thế không thể khác nếu muốn hướng hệ thống GDĐH từ đào tạo theo số lượng sang hướng tinh hoa - tức chất lượng. Cuộc CMCN 4.0 đã và đang mang đến rất nhiều cơ hội hợp tác, trao đổi giữa các trường trên khắp các lục địa.
Muốn hòa mình vào dòng chảy tri thức mà ở đó những thành tựu KHCN của kỷ nguyên công nghệ đang bùng nổ và thay đổi từng ngày, các trường bắt buộc phải tiệm cận dần đến một môi trường GD tiên tiến, chuẩn mực nếu không muốn nguồn nhân lực do mình đào tạo “bị rơi” khỏi quỹ đạo cạnh tranh chất xám một cách sòng phẳng. Sự tiên tiến và chuẩn mực ấy cần nằm ở 3 yếu tố: Con người, công nghệ và môi trường học thuật.
Thực tế, ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã ý thức và nhìn được vấn đề này nên các hoạt động trao đổi học thuật, trao đổi sinh viên, giảng viên và chuyển giao công nghệ trong NCKH rất được chú trọng. Hiện trường đang bước vào lộ trình củng cố, mở rộng và nâng cấp.
Để hội nhập, các trường buộc phải có hướng đi riêng, trong đó làm sao cho chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, cách thức đào tạo thay đổi, xóa nhòa ranh giới giữa các quốc gia để giúp các em SV trở thành một công dân toàn cầu. Điều đó có thể đến từ việc nhập khẩu chương trình, thay đổi phương thức quản trị nhà trường, đánh giá khả năng sáng tạo, kiểm định chất lượng và thành tựu NCKH chung giữa GV và SV các trường.
Khi hệ thống GD ĐH thay đổi theo hướng tinh hoa, tất yếu các trường buộc phải đẩy mạnh công tác NCKH, điều đó dự liệu dẫn đến một cuộc cạnh tranh thu hút “chất xám” gay gắt giữa các trường. Theo ông, các trường tư thục sẽ gặp khó khăn không?
- NCKH và thu hút chất xám có một mối quan hệ hữu cơ. Nếu trường làm NCKH tốt thì trường sẽ thu hút chất xám dễ hơn. Tuy nhiên để thiết lập được mối quan hệ này không phải dễ, nhất là với những trường ngoài công lập. Khó khăn là không thể phủ nhận chúng tôi quyết tâm phải làm vì một trường ĐH không có NCKH chỉ là một cây khô. Chúng tôi có lộ trình và bước đi chậm nhưng vững chắc để làm vết dầu loang.
Trước mắt là thu hút các học giả, nhà nghiên cứu là các Việt kiều bằng việc xây dựng một không gian khoa học thực sự (đã đầu tư 3 phòng thí nghiệm), sau là hình thành nên những phòng thực hành nghiên cứu dạng mời tài trợ dự án... Thực tế với nhà khoa học giỏi, đam mê họ chỉ quan trọng môi trường làm việc chứ không hẳn chỉ vì kinh tế. Do đó, khi anh xây dựng được mối liên kết tốt, có sự bổ trợ và hỗ trợ từ cộng đồng khoa học quốc tế (bạn bè, giới nghiên cứu chung lĩnh vực) anh có thể biến cái khó thành cái thuận lợi cho mình.
Xin cảm ơn ông!
PGS.TS Lưu Tiến Hiệp