Đổi mới sư phạm phải đi trước phổ thông: Đòi hỏi cấp bách!

Đổi mới sư phạm phải đi trước phổ thông: Đòi hỏi cấp bách!

(GD&TĐ) - Để “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” (GD), một trong những đòi hỏi lớn nhất của dư luận, là các trường sư phạm (SP) phải tiên phong đổi mới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, việc đổi mới ở các trường SP vẫn còn không ít trở ngại. Câu chuyện sau đây giữa PV Báo GD&TĐ và PGS-TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh sẽ giúp bạn đọc làm rõ hơn những bức xúc nói trên.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng

Phóng viên: Lâu nay, dư luận trong cũng như ngoài ngành có ý than phiền về việc các “lò” SP thường “đi sau” các cuộc cải cách phổ thông… Ông có suy nghĩ gì?

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng: Đúng là nhiều người nghĩ vậy, vì thấy rõ các trường SP trong đợt thay đổi chương trình và sách giáo khoa vừa qua chưa thể hiện tính tiên phong đối với cải cách phổ thông, dù chương trình và sách giáo khoa phổ thông hiện hành có sự đóng góp của nhiều giảng viên (GV) ĐH. Tuy nhiên, sự “vào cuộc” của các trường SP không đều: các trường hàng đầu có số lượng GV tham gia xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa, phản biện nhiều hơn các trường SP khác – điều ấy cũng là bình thường, vì ở các trường này, số lượng GV có học vị và học hàm cao chiếm phần lớn.

Chuyện các trường SP đi sau, ở đây được hiểu là họ đứng bên lề các cuộc cải cách, thay vì phải thể hiện tính tiên phong: đổi mới SP phải đi trước đổi mới phổ thông, phải dự báo được những thay đổi có thể xảy ra trong GD phổ thông. Ở góc độ này, rõ ràng các trường SP chưa thể hiện được vai trò của mình.

* Nhìn lại chặng đường 5 năm (2007-2012) công tác tuyển sinh của trường ĐH SP TP.HCM, ông có nhận xét gì? Phải chăng chất lượng “đầu vào” của trường nói riêng và ngành SP nói chung đang hồi báo động?

- 5 năm qua, số lượng học sinh thi vào khối các trường SP có xu thế sụt giảm. Những năm cuối của thế kỉ trước, có năm số thí sinh thi vào ĐH SP TP.HCM lên tới hơn 42.000 em. Năm 2012, số thí sinh đăng ký thi vào ĐH SP TP.HCM chỉ còn một nửa. Tất nhiên, khi số thí sinh chỉ còn một nửa, việc chọn điểm tuyển cũng không như trước, nhưng ở một số ngành học, điểm tuyển không giảm như: Tiếng Anh, Toán, Văn, Hóa học, GD Tiểu học và GD Mầm non… Một số ngành luôn gặp khó khăn trong tuyển sinh là GD Đặc biệt, GD Chính trị. Nguyên nhân của thí sinh ít đăng kí thi vào các trường SP thì có nhiều, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất bắt nguồn từ thu nhập của GV. Các ngành luôn có điểm tuyển cao, là những ngành mà sinh viên sau khi tốt nghiệp có thu nhập tốt. Các ngành khó tuyển sinh là những ngành mà sinh viên tốt nghiệp có thu nhập thấp. Ảnh hưởng của kinh tế thị trường càng ngày càng rõ nét trong mọi lĩnh vực và nó không loại trừ GD. Nếu chúng ta có chính sách tốt dành cho GD, nhất là chính sách tiền lương, thì khi đó các trường SP sẽ có sức hút hơn, điểm tuyển đầu vào cũng cao hơn.

Chất lượng đầu vào là một trong những yếu tố cấu thành chất lượng đầu ra. Nếu đứng ở góc độ này, hồi chuông báo động đang rung lên ở nhiều trường SP, đặc biệt là các trường có tuyển sinh viên SP ở các ĐH địa phương, các trường vừa được chuyển từ đào tạo CĐ lên ĐH, nó sẽ lan sang cả các trường ĐH SP danh tiếng, trong đó không loại trừ trường chúng tôi. Mặc dù cho tới thời điểm này, điểm tuyển sinh vào ĐH SP TP.HCM vẫn thuộc top đầu các trường SP nói riêng và các trường ĐH nói chung.

* Cán bộ - GV của các trường SP nước ta hiện nay, theo ông đang có mức sống vật chất như thế nào so với các trường ĐH SP một số nước?

- Việc thu nhập của cán bộ viên chức các trường SP khác cũng như ĐHSP TP.HCM không thuộc nhóm có thu nhập cao trong các ĐH. Sau khi có chính sách thâm niên trong GD, thu nhập của GV tốt hơn trước, nhưng tập trung vào những giảng viên có thâm niên giảng dạy cao, nhóm giảng viên trẻ có tuổi đời dưới 30 thì mức tăng không đáng kể.

Thu nhập trung bình của cán bộ viên chức trong trường chúng tôi trong năm vừa qua bằng 1,5 lần thu nhập từ lương. Trong quá khứ, đã có thời gian, mức thu nhập trung bình của cán bộ viên chức gấp 2 lần thu nhập từ lương. Thu nhập bình quân tăng do tăng lương tối thiểu của nhà nước, nhưng tỉ lệ % thu nhập từ trường có xu hướng giảm.

Nhìn chung, thu nhập của GV vừa ra trường, có thời gian công tác dưới 15 năm (gần một nửa thời gian làm việc sau khi tốt nghiệp), mức thu nhập là khó sống.

Ở các nước phát triển, GV ĐH có thu nhập khoảng 3.500 – 4.000 USD/tháng. Thu nhập của GV vào mức trung bình trong xã hội, trừ một số nước Bắc Âu. GV ĐH có mức thu nhập cao hơn khoảng 25% - 30 % so với GV phổ thông.

Giờ tự học của SV ĐH Sư phạm TP.HCM
Giờ tự học của SV ĐH Sư phạm TP.HCM

* Theo ông, đâu là những đòi hỏi khắt khe nhất đối với sinh viên các trường SP của ta thời “đổi mới căn bản và toàn diện GD” đang bắt đầu hiện nay?

- Tôi nghĩ rằng, sinh viên các trường SP trong giai đoạn “chuyển mình” của GD phổ thông nước nhà, sẽ phải cố gắng gấp bội sinh viên trước đây. Nói như vậy là vì, các trường SP nói riêng sẽ thực hiện Luật GD ĐH, trong đó có việc các trường được “toàn quyền” trong việc xây dựng chương trình học. Điều quan trọng là chương trình đó phải đáp ứng được sự thay đổi của GD phổ thông giai đoạn tới.

GD là sáng tạo. Người thầy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách, kiến thức và kỹ năng cho HS-SV. Những đòi hỏi của GD phổ thông giai đoạn mới đó là những kỹ năng giải quyết những tình huống trong cuộc sống thực, sáng tạo, hội nhập quốc tế… là vô cùng quan trọng. Sinh viên các trường SP sau tốt nghiệp phải làm được những điều đó. Vì thế họ phải được đào tạo để đáp ứng nhu cầu công việc. GV phải biết làm cho HS-SV tự tin, biết tự học, biết giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, tức là biết làm chủ mình và làm chủ cuộc sống. Họ phải là những người hết lòng yêu nghề, mến trẻ.

* Một mình các trường SP không thể đủ sức tạo “vầng hào quang rực rỡ” thu hút cán bộ, GV, SV giỏi về với mình… Có lẽ ông đã trăn trở rất nhiều?

- Tất nhiên, giải bài toán GV không chỉ trông vào sự nhiệt huyết, quyết tâm của các trường SP, mà còn là sự quan tâm của cộng đồng đối với GD, sự xác lập của cộng đồng về vị trí người thầy và cả về thu nhập của nhà giáo nữa. Nếu chúng ta có quyết tâm chính trị, chúng ta huy động được sức mạnh cộng đồng cùng chung tay, góp sức cho GD; nếu vị thế của người thầy trong xã hội được coi trọng và nếu những thầy cô giáo không phải chật vật kiếm sống, thì chúng ta sẽ có được một lực lượng GV giỏi, tất nhiên chúng ta cũng có được các thế hệ HS-SV tự tin bước vào cuộc sống trong xã hội phát triển và hòa nhập hiện nay.

* Việc bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo chuyên đề, để nâng cao chất lượng đội ngũ GV mầm non và phổ thông đã và đang tiến hành lâu nay, bị dư luận cho là xa rời thực tiễn và ít có hiệu quả… Ông có ý kiến như thế nào?

- Việc chuẩn hóa đội ngũ GV các cấp, trong đó có bậc mầm non là rất cần thiết. Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành chuẩn nghề nghiệp GV các cấp. Việc “nâng cấp” GV cho đạt chuẩn là việc phải làm, đặc biệt là chuẩn GV bậc mầm non và tiểu học – đây là bậc học đầu cấp. “Dấu ấn” mà nhà trường “ghi” lên người học sẽ đi theo họ trong suốt cuộc đời, không thể “đóng nhầm, đóng sai”, nên việc chuẩn hóa là rất cần thiết. Tất nhiên, thực hiện chuẩn hóa bất chấp chất lượng thì không thể chấp nhận. Nếu trường nào không làm tốt việc chuẩn hóa qua đào tạo là lỗi của trường đó. Đừng vì lỗi của một đơn vị mà cho rằng chủ trương chuẩn hóa là xa rời thực tiễn, là ít hiệu quả.

* Xin cảm ơn ông!

Đinh Lê Yên (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ