Đổi mới quản lý trong nhà trường bằng chia sẻ quyền lực

GD&TĐ - Hiệu trưởng không nên nắm mọi quyền hành trong tay mà cần chia sẻ quyền lực để cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia vào quá trình đưa ra các quyết định liên quan đến nhà trường, tham gia điều hành các hoạt động trong nhà trường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đó là một trong những giải pháp thầy Hoàng Đức Diễn - hiệu trưởng Trường THPT Tam Giang (Thừa Thiên Huế) đưa ra nhằm thực hiện đổi mới công tác quản lý trong nhà trường.

Với cách làm này, theo thời gian, hiệu trưởng sẽ giảm dần vai trò hướng dẫn và mang lại cơ hội cho các thành viên khác phát huy tinh thần trách nhiệm và năng lực của mình.

Như vậy, theo thầy Hoàng Đức Diễn, đổi mới quản lý giáo dục (QLGD) không chỉ đổi mới cách làm của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng mà còn đổi mới từ giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm (trong công tác quản lý lớp học) đến tổ trưởng chuyên môn (tổ chuyên môn).

Sự phân cấp rất cần được thể hiện trong nhà trường, đặc biệt là nâng cao vai trò của tổ trưởng bộ môn, làm sao cho tổ trưởng bộ môn cũng thực hiện công tác quản lý tổ với đầy đủ các chức năng quản lý.

Thầy Hoàng Đức Diễn nhấn mạnh: Trong QLGD cần tránh đi sâu vào công tác hành chính, sự vụ, càng không nhằm quản lý con người mà quan trọng là quản lý công việc, quản lý kế hoạch (trường, tổ). Chỉ có quản lý công việc thì người làm việc mới tự chủ, sáng tạo và mang lại hiệu quả thực sự, còn quản lý con người thì họ sẽ làm việc chỉ với mục đích đối phó.

Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý

Thầy Hoàng Đức Diễn cho rằng, quản lý nhà trường là quản lý theo mục tiêu chất lượng, tức là phải làm cho chương trình, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục phù hợp với các đối tượng học sinh cụ thể, các điều kiện học tập cụ thể.

Điều này, một mặt đòi hỏi hiệu trưởng phải có kế hoạch tổ chức thực hiện chương trình, mặt khác chỉ đạo tổ chức thực hiện tất cả các hoạt động giáo dục trong nhà trường, điều kiện cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin, công tác đào tạo, bồi dưỡng… tức là triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Quản lý theo chuẩn

Các nhà trường hiện nay quản lý theo các chuẩn. Các chuẩn hiện hành có tác dụng định hướng trong phấn đấu rèn luyện của bản thân hiệu trưởng và giáo viên, trong công tác xây dựng đội ngũ, trong điều hành các hoạt động trong nhà trường.

Vì vậy, trong công tác quản lý, dựa vào các yêu cầu của chuẩn và điều kiện thực tế của đơn vị, hiệu trưởng cần lập kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, xác định ta đang ở vị trí nào, xây dựng lộ trình thực hiện,… chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả hoạt động cao với thời gian tối thiểu.

Thực hiện qui chế công khai

Một nội dung quan trọng là cần thực hiện nghiêm túc quy chế công khai theo quy định của Bộ GD&ĐT. 

Nhà trường thực hiện với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, phải thu hút được sự quan tâm, niềm tin và sự đồng thuận của xã hội mà trước hết là cha mẹ học sinh. Có như vậy mới nhận được sự hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần từ phía xã hội.

Chú trọng chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học

Phương pháp dạy học bao gồm phương pháp giảng dạy (của giáo viên) và phương pháp học tập (của học sinh) đều lấy học sinh làm trung tâm.

Thầy Hoàng Đức Diễn cho rằng, nhà trường cần có nhiều hình thức bồi dưỡng về đổi mới phương pháp giảng dạy cho giáo viên thông qua hội thảo chuyên đề, sinh hoạt tổ chuyên môn ở cụm, ở trường…và đặc biệt là việc chuẩn bị lên lớp như soạn giáo án.

Việc soạn giáo án là nhân tố đầu tiên có vai trò quan trọng đối với hiệu quả giờ học. Giáo án bao gồm không chỉ nội dung, phương pháp giảng dạy mà cả cách thức tổ chức hoạt động của giáo viên và học sinh, làm sao cho học sinh được suy nghĩ nhiều hơn, hành động nhiều hơn, hợp tác học tập với nhau nhiều hơn, bày tỏ ý kiến của mình nhiều hơn (thể hiện vai trò trung tâm của học sinh).

Giáo viên sử dụng hiệu quả các nhóm phương pháp (dùng lời, trực quan, thực hành) phù hợp với đối tượng, nội dung bài học; bồi dưỡng tình cảm hứng thú, tinh thần chủ động, thái độ tích cực trong học tập của học sinh; hướng dẫn học sinh sử dụng hợp lí SGK ở nhà cũng như trên lớp, kiên quyết khắc phục tình trạng dạy học theo lối đọc chép.

Nhà trường nên điều hành hoạt động dạy học theo hướng nâng cao vai trò chủ động của người học, ví dụ như tăng cường dạy học tại phòng bộ môn.

Cần đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phục vụ đổi mới phương pháp dạy học. Khai thác tối đa hiệu quả các phòng học bộ môn, thực hiện đầy đủ các tiết thực hành, phát huy tính tích cực của học sinh trong việc khám phá tri thức mới, củng cố kiến thức đã học.

Củng cố nề nếp hoạt động của tổ, nhóm chuyên môn; nội dung sinh hoạt cần tập trung trao đổi giáo án, thiết kế bài dạy, tìm hiểu những vấn đề khó, trao đổi các tình huống dạy học theo hướng đổi mới phương pháp dạy học, rút kinh nghiệm tiết dạy,...

Việc đánh giá tiết dạy phải chuyển từ chú ý đến nghệ thuật truyền thụ của giáo viên sang chú ý đánh giá năng lực tổ chức các hoạt động tự lực, khám phá tri thức của học sinh.

Đổi mới kiểm tra, đánh giá

Coi trọng việc phân tích kết quả kiểm tra, qua đó giúp giáo viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy, giúp học sinh biết tự đánh giá kết quả học tập để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu trong học tập; các cấp quản lí điều chỉnh, bổ sung công tác chỉ đạo dạy học, kiểm tra đánh giá một cách kịp thời.

Bồi dưỡng giáo viên về kĩ năng ra đề, soạn đáp án và chấm bài thi, kiểm tra bằng hình thức tự luận, trắc nghiệm, bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình với 3 cấp độ: Biết, thông hiểu, vận dụng sáng tạo. Kiểm tra đánh giá không chỉ cho điểm mà phải có nhận xét, lời phê (liên quan đến kiến thức, đạo đức của học sinh)

Lập ngân hàng các câu hỏi, bài tập, đề thi, giáo án, tài liệu tham khảo trên website của trường, tạo điều kiện để giáo viên có thể tham khảo tư liệu, đề kiểm tra từ các website của các trường bạn, của Sở,....

Căn cứ vào đặc trưng của các nhóm môn học để nâng cao chất lượng dạy học các môn học và hoạt động giáo dục. Đối với các môn khoa học xã hội nhân văn, cần khắc phục tình trạng kiểm tra thiên về ghi nhớ kiến thức, tăng cường ra đề "mở” nhằm kiểm tra mức độ thông hiểu và vận dụng sáng tạo kiến thức để giải quyết vấn đề và tạo cơ hội cho học sinh biểu đạt chính kiến của bản thân khi làm bài.

Đối với các môn khoa học tự nhiên, cần phát triển kĩ năng tư duy logic, kĩ năng thực hành, thói quen vận dụng sáng tạo kiến thức vào thực tiễn.

Cần kết hợp một cách hợp lí hình thức tự luận với hình thức trắc nghiệm khách quan trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. Trong kiểm tra miệng có thể tiến hành vào đầu giờ hoặc trong quá trình dạy học (đầu giờ, giữa giờ, cuối giờ). Khi kiểm tra miệng, cần chú ý rèn luyện kĩ năng nói, kĩ năng diễn đạt trước tập thể; kiểm tra 1 tiết cần vận dụng linh hoạt giữa câu hỏi trắc nghiệm và tự luận.

Đổi mới công tác thi đua

Đổi mới thi đua, theo thầy Hoàng Đức Diễn, cần đảm bảo tính khoa học, công bằng, công khai từ khâu xây dựng các tiêu chí, triển khai thực hiện đến việc kiểm tra đánh giá. Kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, hình thức.

Gắn liền việc khen và thưởng một cách hợp lý và xứng đáng, sao cho phong trào thi đua thực sự trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người đoàn kết, cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bồi dưỡng công tác quản lý cho một số vị trí chủ chốt

Bồi dưỡng công tác quản lý cho một số vị trí chủ chốt trong nhà trường như phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, tổ trưởng chuyên môn nhằm có một tập thể đủ hiểu biết, đủ mạnh, đủ bản lĩnh để thực hiện đổi mới công tác QLGD trong trường, từ đó sẽ tác động làm chuyển biến chất lượng giáo dục.

Chỉ đạo bằng văn bản, thông tin, thông báo

Tránh hội họp nhiều, phải có kế hoạch cho các cuộc họp trong tháng. Tăng cường chỉ đạo bằng văn bản, thông tin, thông báo, vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tạo cơ sở pháp lý nhằm ràng buộc trách nhiệm đối với các thành viên trong hội đồng, mà trước hết là các tổ trưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ