(GD&TĐ)-Phân luồng – câu chuyện đã nói mãi nhưng dường như vẫn chưa mấy tiến triển. Đây thực sự là một bài toán khó cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, ngành và toàn xã hội. Không thể sử dụng một công cụ “phân luồng” giản đơn để giải quyết một bài toán phức tạp mang tính hệ thống– Ông Hoàng Ngọc Vinh – Vụ trưởng Vụ GD chuyên nghiệp - thường trực Ban chỉ đạo đào tạo theo nhu cầu xã hội (Bộ GD&ĐT) trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại điện tử.
Ông Hoàng Ngọc Vinh – Ảnh: gdtd.vn |
PV.Thưa ông, sau rất nhiều năm đổi mới nhưng tỷ lệ lao động của nước ta chưa được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (CMKT) vẫn rất cao. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê năm 2010, trong tổng số lực lượng lao động 50,8 triệu người, chỉ có 7,8 triệu người được đào tạo CMKT, chiếm 14,7%; 85,3% chưa được đào tạo CMKT. Ông nghĩ sao về con số này?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Năm 1995, theo số liệu thống kê, chúng ta có khoảng trên 800 ngàn học sinh không vào học THPT; đến năm 2010 thì con số này giảm xuống còn 300 ngàn. Khi hệ thống các trường THPT được mở rộng thì học sinh vào học THPT nhiều hơn, còn lại vào hệ thống dạy nghề rất thấp. Như bên TCCN, mỗi năm tuyển sinh được chừng khoảng 25-30 ngàn, đó đã là cố gắng lắm. Con số học sinh vào trường nghề còn ít hơn nhiều. Theo đánh giá của chiến lược phát triển giáo dục 2000-2010, chúng ta chưa đạt được những mục tiêu về phân luồng.
PV.Dường như câu chuyên về phân luồng đã nói nhiều, làm nhiều nhưng vẫn không mấy tiến triển?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: trước hết là vấn đề nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước; nhận thức của học sinh, gia đình học sinh; phương tiện thông tin đại chúng và các doanh nghiệp.
Chúng ta vẫn nói giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng địa phương nào tổ chức cấp ủy Đảng chính quyền quan tâm đến phân luồng thì làm được và làm hiệu quả. Những hoạt động thể hiện sự quyết tâm phân luồng như chăm lo đến tư vấn hướng nghiệp việc làm; tổ chức các ngày hội việc làm; đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phối kết hợp với các tổ chức chính trị xã hội tại địa bàn để cùng làm việc này…Như thành phố Hồ Chí Minh là một điển hình.
Yếu tố gia đình cũng quan trọng. Hiện nay, gia đình nào cũng mong con cái mình học cao, thoát nghèo bằng con đường học, từ thành thị đến nông thôn. Họ quan niệm vào ĐH là cơ hội cải thiện điều kiện sống, việc làm, thu nhập, chăm sóc bản thân, danh dự… nhưng lại ít chú ý đến năng lực học tập của con em mình và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp.
Doanh nghiệp đóng góp vai trò gì trong phân luồng? Nếu quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà trường tốt sẽ tạo điều kiện để học sinh được tiếp xúc với việc sản xuất, làm ra sản phẩm, từ đó giúp các em yêu mến nghề nghiệp từ sớm. Doanh nghiệp cũng có những chương trình hỗ trợ nhà trường như đưa những doanh nhân thành đạt về nói chuyện … Điều đáng nói là, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều đòi hỏi lao động phải có bằng tốt nghiệp THPT, tốt nghiệp THPT như điều kiện tiên quyết để có việc làm. Thực tế tuyển dụng gần đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp nước ngoài rất hiện đại nhưng lại không tuyển người học nghề mà chỉ tuyển toàn học sinh tốt nghiệp THPT. Như Công ty Điện tử Sam sung ở Bắc Ninh – một doanh nghiệp chế tạo điện thoại di động hiện đại bậc nhất Đông Nam Á nhưng 90% là lao động phổ thông. Đây là thực tế có tác động rất mạnh.
Các phương tiện thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền nhiều những tấm gương gia đình có nhiều con vào ĐH nhưng ít tuyên truyền những nghệ nhân trưởng thành từ học nghề, những sản phẩm do học sinh trường nghề làm ra… cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý xã hội…
Một điều nữa, cũng phải thừa nhận, nền kinh tế của chúng ta còn khó khăn, việc làm ít so với lao động dư dôi, đầu tư cho các cơ sở giáo dục như TCCN, dạy nghề nói chung còn hạn chế, thiếu thốn nên chất lượng không cao. Chất lượng không cao dẫn đến sản phẩm đầu ra kém, khó có cơ hội tìm việc làm và thu nhập cao. Không tìm được việc làm nên càng ít người học nghề.
Cái cuối cùng, vấn đề là kinh tế phát triển, việc làm nhiều và một hệ thống thị trường lao động minh bạch thì câu chuyện bế tắc trong phân luồng sẽ được giải quyết một phần. Cứ loay hoay, bế tắc như vòng luẩn quẩn, kinh tế khó khăn, đầu tư cho TCCN hạn chế, chất lượng đào tạo thấp, cơ hội việc làm và năng suất lao động thấp làm tăng trưởng chậm, tăng trưởng chậm thì không lấy gì đầu tư trở lại cho giáo dục, giáo dục kém thì chất lượng kém, chất lượng kém thì khó có việc làm…
PV.Lại nói đến quyết tâm của chính quyền địa phương. Các phương tiện truyền thông vừa qua nhắc nhiều đến câu chuyện phân luồng tại Vĩnh Phúc. Rõ ràng là tỉnh quan tâm và làm phân luồng quyết liệt nhưng đã tạo ra nhiều dư luận trái chiều. Vậy theo ông, chúng ta thu được bài học gì từ Vĩnh Phúc?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Quyết liệt nhưng phải có cách làm, phải làm cho người dân thấy được việc mình làm là vì lợi ích của họ, đáp ứng mong muốn của họ. Nếu người dân và học trò chưa nhận thức được lợi ích thì thầy cô đừng ép buộc. Vĩnh Phúc có thể cung cấp cho người dân những thông tin thống kê. Ví dụ, trong các trường học, những em đạt điểm này có bao nhiêu phần trăm đã vào được ĐH trong vài năm học qua, bao nhiêu phần trăm học nghề và trong những em học nghề có bao nhiêu đã thành công trong cuộc đời. Đừng để người ta nghĩ học nghề là con đường cụt. Tuyên truyền quan trọng là ở chỗ đó. Nên thông tin cho học sinh biết, với học lực này, các em khó có thể đỗ ĐH nên chọn con đường khác, nhưng nên nhớ, chỉ là thông tin chứ không cưỡng ép. Bên cạnh đó, có thể dùng những chính sách hỗ trợ khác để động viên, khuyến khích.
PV.Vậy theo ông, có giải pháp nào cho câu chuyện phân luồng đầy phức tạp?
Ông Hoàng Ngọc Vinh: Giải pháp thì có nhiều nhưng khó nhất là điều kiện thực hiện giải pháp. Chúng ta đã nói mãi về các giải pháp như nâng cao nhận thức; tuyên truyền; tăng cường phối hợp giữa đoàn thể chính quyền địa phương, đảng ủy; nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo nghề bằng cách đầu tư; tăng cường tuyên truyền hướng nghiệp; đào tạo đội ngũ tư vấn hướng nghiệp; cải thiện tính minh bạch của thị trường; doanh nghiệp tuyển đầu ra là sinh viên tốt nghiệp các trường nghề; liên thông; cơ cấu lại hệ thống giáo dục…. Như thế, giải pháp thì không thiếu vấn đề là quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, xã hội và cần phải đổi mới căn bản toàn diện giáo dục mà tái cơ cấu hệ thống giáo dục nghề nghiệp để hình thành lại hệ thống các trường trung học nghề, trung học kỹ thuật, liên thông lên các trường cao đẳng 2 năm và đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp có thể xem là khâu đột phá cho phân luồng.
Hiếu Nguyễn (thực hiện)