(GD&TĐ)-Công tác học sinh, sinh viên (HSSV) có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong tổng thể các mặt hoạt động của nhà trường. Ngoài việc đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của người học, quản lý, tổ chức các hoạt động hỗ trợ, phục vụ HSSV, công tác HSSV còn trực tiếp giáo dục về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, thẩm mỹ, thể chất của HSSV.
Để có cái nhìn toàn cảnh về công tác HSSV trong thời gian qua cũng như phương hướng công tác này trong thời gian tới, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với TS.Ngũ Duy Anh – Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT).
Nữ sinh trường ĐH Ngoại thương. Ảnh: gdtd.vn |
PV. Trong thời gian qua, công tác HSSV đã có những chuyển biến như thế nào thưa Vụ trưởng?
TS.Ngũ Duy Anh: Ngày 09/4/2009, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 2837/QĐ-BGDĐT phê duyệt Chương trình công tác HSSV các trường ĐH, CĐ, TCCN giai đoạn 2009-2012 với 6 mục tiêu cụ thể và 9 nhóm giải pháp nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả và phát triển công tác HSSV trong các nhà trường.
Nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo hành lang pháp lý để các nhà trường thực hiện tốt công tác HSSV, Bộ GD&ĐT đã rà soát, sửa đổi, bổ sung trình cấp trên ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật về công tác HSSV, giáo dục thể chất và y tế trường học. Một số văn bản ban hành trong giai đoạn này đã có tác dụng tốt, được triển khai sâu rộng trong các nhà trường.
Theo báo cáo tổng kết của 187 trường ĐH, CĐ, TCCN và việc kiểm tra, khảo sát thực tiễn, đa số các nhà trường đã đạt được 6 mục tiêu cụ thể của Chương trình ở mức độ tốt. Các nhà trường đã cụ thể hóa văn bản pháp quy của Bộ phù hợp với điều kiện nhà trường, thể hiện công khai, minh bạch trong công tác sinh viên, đặc biệt là các quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của sinh viên. Bước đầu xác lập được cơ chế thực hiện công tác sinh viên trong đào tạo theo tín chỉ. Một số nhà trường đã phát huy sự chủ động, sáng tạo, thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả để thực hiện công tác sinh viên đáp ứng việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
Các nhà trường ngày càng coi trọng hơn việc hỗ trợ, phục vụ, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh, sinh viên học tập và rèn luyện. HSSV ngày càng tích cực hơn trong học tập và các hoạt động phong trào. Việc đánh giá kết quả rèn luyện và xếp loại, khen thưởng HSSV cũng như xét cấp học bổng khuyến khích học tập trên cả 2 tiêu chí học tập và rèn luyện đã tạo được xu hướng HSSV không chỉ quan tâm đến kết quả học tập mà còn tích cực rèn luyện, tham gia các hoạt động của nhà trường và công tác xã hội, rèn luyện các kỹ năng “mềm”. Tự trang bị thêm kiến thức về ngoại ngữ, tin học cùng với bằng cấp chuyên môn đã được sinh viên nhận thức rõ nét, xác định là yếu tố tất yếu của đội ngũ tri thức trong điều kiện hội nhập quốc tế. Xu hướng công tác sinh viên trong các nhà trường đang chuyển dần từ quản lý sang tự quản lý, phát huy, được tính tự chủ, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của sinh viên.
Bên cạnh đó, vấn đề an ninh, trật tự trong các nhà trường được đảm bảo. Ý thức trách nhiệm của công dân – HSSV trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước ngày càng được nâng cao. Công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục với các ban ngành liên quan được quy định thống nhất từ trung ương đến địa phương. Các hoạt động văn nghệ, thể thao, y tế trường học được tăng cường đã góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống tinh thần, định hướng, giáo dục thẩm mỹ, thể chất và chăm sóc sức khỏe của HSSV.
PV. Sau một số năm thí điểm, việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ đối với giáo dục ĐH được chính thức thực hiện. Ngoài một số trường đã có kinh nghiệm nhiều năm trong việc đào tạo theo tín chỉ, trong giai đoạn 2009-2012, hầu hết các nhà trường đang thực hiện chuyển dần từ việc đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ (đào tạo theo tín chỉ đối với từng khóa, từng ngành học, từng môn học). Trong giai đoạn chuyển giao như vậy, công tác HSSV sẽ gặp không ít khó khăn?
TS.Ngũ Duy Anh: Nắm bắt được những khó khăn khi chuyển đổi hình thức đào tạo theo tín chỉ, Bộ GD&ĐT đã tổ chức một số hội thảo, giới thiệu một số mô hình thực hiện công tác sinh viên trong đào tạo theo tín chỉ tại lớp tập huấn công tác sinh viên hàng năm để các trường tham khảo, áp dụng phù hợp với thực tiễn của nhà trường; đồng thời thường xuyên theo dõi, phát hiện những hạn chế, bất cập để sửa đổi Quy chế, quy định khi cần thiết.
Để thực hiện tốt công tác sinh viên phù hợp với đặc điểm đào tạo theo tín chỉ, một số nhà trường đã rà soát, tham khảo kinh nghiệm của các trường khác để ban hành các quy định về công tác sinh viên dành riêng cho việc đào tạo theo tín chỉ nhằm khắc phục những khó khăn trong công tác quản lý sinh viên và tổ chức các hoạt động giáo dục, rèn luyện sinh viên. Những khó khăn như: tổ chức quản lý lớp sinh viên theo niên chế và lớp sinh viên theo tín chỉ, việc theo dõi và đánh giá kết quả rèn luyện của sinh viên, công tác phát triển Đảng và hoạt động của Đoàn, Hội,…đã dần được khắc phục bằng các giải pháp cụ thể, sáng tạo, phù hợp với Quy chế HSSV và Quy chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
Một trong những giải pháp tích cực mà một số trường đang thực hiện đó là: phát huy tính chủ động, tự rèn luyện của sinh viên thông qua việc tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động tình nguyện; tổ chức cho sinh viên tham gia các loại hình câu lạc bộ về học thuật, nghề nghiệp, văn hóa, thể thao theo sở thích của sinh viên để thông qua đó đánh giá việc rèn luyện của sinh viên. Sau khi thực hiện thí điểm, một số trường (Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ,…) đã ban hành quy định bắt buộc (là điều kiện để được tốt nghiệp) sinh viên phải tham gia đủ một khối lượng nhất định về công tác xã hội.
Tuy nhiên hiện nay, trong bối cảnh các trường đang chuyển dần sang đào tạo hoàn toàn theo tín chỉ thì việc thực hiện các nội dung công tác sinh viên vẫn gặp nhiều khó khăn, thậm chí có trường còn bị động, lúng túng. Một số trường chưa chủ động tham khảo kinh nghiệm của các trường khác để thực hiện các giải pháp phù hợp với thực tiễn của trường mình, còn có tư tưởng chờ đợi hướng dẫn chi tiết từ Bộ GD&ĐT.
TS.Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác HSSV - Bộ GD&ĐT |
PV. Hoạt động phối hợp giữa nhà trường, các cơ quan, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giáo dục HSSV và đảm bảo an ninh, trật tự trường học được thực hiện thế nào, thưa Vụ trưởng?
TS.Ngũ Duy Anh: Việc phối hợp với các cơ quan hữu quan, tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương được tăng cường thường xuyên nhằm huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia quản lý, giáo dục, hỗ trợ HSSV
Ở trung ương, Bộ GD&ĐT đã chủ động phối hợp thường xuyên và hiệu quả với các cơ quan, tổ chức như: Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, TƯ Đoàn TNCS HCM,…để triển các hoạt động liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên. Bộ GD&ĐT cũng nhận được sự ủng hộ, phối hợp tích cực từ các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế của Unesco, Unicef, UNODC,…cùng tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao học sinh, sinh viên, giáo dục an toàn giao thông, phòng chống ma tuý, HIV/AIDS, phòng chống thảm họa thiên và ứng phó trong trường hợp khẩn cấp.
Nhằm tạo cơ chế phối hợp đồng bộ từ trung ương đến các địa phương, Bộ GD&ĐT đã chủ trì, ký kết nhiều văn bản liên tịch như: Thông tư liên tịch số 34 năm 2009 với Bộ Công an hướng dẫn phối hợp giữa nhà trường và cơ quan công an trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học; Nghị quyết liên tịch số 12 năm 2008 với Trung ương Đoàn về tăng cường công tác giáo dục toàn diện HSSV và các hoạt động Đoàn, Hội, Đội trong trường học; Kế hoạch phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phối hợp chỉ đạo các hoạt động thể thao trường học,…Các văn bản liên tịch này chính là cơ sở pháp lý để các nhà trường xây dựng quy chế phối hợp, phân định rõ trách nhiệm của mỗi bên cùng tham gia công tác HSSV.
Thông qua việc phối hợp liên ngành, ngành Giáo dục đã thực hiện tốt vai trò tuyên truyền, giáo dục và quản lý HSSV không bị kích động, tham gia các hoạt động chưa được pháp luật cho phép và phối hợp tốt với ngành Công an, chính quyền địa phương xử lý các tình huống phức tạp xảy ra, góp phần cho sự ổn định về an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Theo kế hoạch hàng năm, Bộ GD&ĐT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công an tổ chức giao ban công tác đảm bảo an ninh, trật tự trường học tại các khu vực trên toàn quốc. Thông qua giao ban, nắm tình hình cho thấy: các nhà trường và công an địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo bảo an ninh, trật tự trường học được quy định tại Thông tư liên tịch số 34 của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an và các quy chế, quy định của ngành Giáo dục.
Một số nhà trường đã phối hợp với công an làm tốt công tác đăng ký tạm trú, tạm vắng, kiểm tra hộ khẩu, quản lý sinh viên và trấn áp các đối tượng xấu bên ngoài nhà trường. Công an giúp nhà trường huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng làm công tác bảo vệ và Đội thanh niên xung kích bảo vệ an ninh; thường xuyên trao đổi với nhà trường về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và hoạt động của tội phạm để phối hợp, tổ chức các biện pháp phòng ngừa.
Tuy nhiên, chất lượng triển khai công tác phối hợp đảm bảo an ninh trật tự trường học, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở một số đơn vị chưa cao. Công tác tổ chức nắm bắt tình hình diễn biến tư tưởng của HSSV chưa thường xuyên, liên tục nên chưa chủ động phát hiện được những nguy cơ để chủ động phối hợp xử lý. Một số nhà trường chưa chú ý đến việc tuyên truyền, giải thích cho HSSV hiểu rõ các quy định liên quan đến chế độ, chính sách, học phí, học bổng; các quy chế, quy định về thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập,...hoặc thiếu sự quan tâm đến những điều kiện cơ sở vật chất phục vụ việc học tập, sinh hoạt của HSSV nên còn để xảy ra tình trạng bức xúc, khiếu kiện; cá biệt có trường hợp HSSV tụ tập đông người để phản đối, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trường học.
Ở một số địa phương, ngành Giáo dục và ngành Công an chưa chủ động tham mưu cho UBND ban hành quy định về quản lý HSSV ngoại trú trên địa bàn nên việc thực hiện công tác HSSV ngoại trú của nhà trường còn gặp nhiều khó khăn. Đời sống văn hóa, tinh thần của HSSV trong các khu ngoại trú còn nghèo nàn, môi trường ở ngoại trú rất phức tạp về an ninh, trật tự, chính là hệ quả từ việc chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các nhà trường trong công tác quản lý, xử lý các vi phạm liên quan đến sinh hoạt, học tập và an ninh, trật tự của HSSV ngoại trú.
PV. Vậy trong thời gian tới, công tác HSSV sẽ chú trọng thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào?
TS. Ngũ Duy Anh: Tháng 12/2012, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình công tác HSSV trong các trường ĐH, CĐ, TCCN giai đoạn 2012-2016. Theo Chương trình này, công tác HSSV trong thời gian tới sẽ tiếp tục chú trọng tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho HSSV. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp công tác HSSV phù hợp với đào tạo theo hệ thống tín chỉ và yêu cầu đổi mới giáo dục – đào tạo. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong trường học, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong HSSV. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách và hoạt động hỗ trợ, phục vụ HSSV. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục thể chất, thể thao, công tác y tế trường học. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác HSSV.
Trung Toàn – Hiếu Nguyễn