Kỳ 3: Giáo viên phải sẵn sàng “gánh” nhiều việc nặng
(GD&TĐ) - Đổi mới phương pháp dạy học (PPDH), đổi mới kiểm tra đánh giá (KTĐG) được ngành Giáo dục triển khai đã tác động tích cực, góp phần phát huy tính độc lập, sáng tạo, trang bị cho HS phương pháp tự học hiệu quả, tiến tới nâng cao chất lượng giáo dục... Tuy nhiên, hiệu quả của hoạt động đổi mới KTĐG trong trường phổ thông vẫn chưa thực sự ảnh hưởng sâu rộng đến đông đảo GV và HS...
Những tín hiệu khả quan
Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020 đã khẳng định một trong những giải pháp quan trọng để phát triển giáo dục là “Đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục”.
Đổi mới KTĐG sẽ là thước đo đánh giá HS một cách chính xác và toàn diện. ông Hồ Văn Luyến - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tầm Vu 1 (Hậu Giang) khẳng định: Trước nhu cầu đổi mới KTĐG các nhà giáo cũng phải phấn đấu, không ngừng nâng cao tay nghề. Nhà trường có điểm thuận lợi là GV đa số còn trẻ, lực lượng tổ trưởng rất kinh nghiệm và có quyết tâm đổi mới nên không gặp khó khi triển khai đổi mới KTĐG...
Thầy Lương Thành Được – Tổ trưởng Tổ Văn Trường THPT Tầm Vu 1 cho biết thêm: Đổi mới KTĐG tạo sự đồng đều về chất lượng GD giữa các lớp. Do đó, có thể đánh giá khách quan sức học của HS, không mang tính chủ quan của người thầy dạy lớp nào đánh giá lớp đó mà có sự đánh giá tổng hợp của nhiều GV. KTĐG là phương án hiệu quả nhất để nhận thấy HS có hạn chế, yếu kém ở chỗ nào, từ đó có biện pháp khắc phục tốt hơn so với cảm nhận chủ quan của người dạy trực tiếp trên lớp như trước...”.
Lợi ích của việc đổi mới KTĐG đã được khẳng định và được xem như động lực để thúc đẩy đổi mới PPDH, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT, đảm bảo mục tiêu GD và là cơ sở quan trọng để đổi mới thi cử. Được triển khai sâu rộng, vận dụng sáng tạo nên việc đổi mới KTĐG đã góp phần nâng cao chất lượng GD ở không ít địa phương, đơn cử như việc tổ chức thi tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là tuyển sinh vào lớp 10 ở các tỉnh ĐBSCL. Đây được xem như cách vận dụng linh động, có hiệu quả trong đổi mới KTĐG.
Nhận thấy tầm quan trọng của đổi mới KTĐG, nhiều địa phương đã mạnh dạn tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 nên chất lượng giáo dục bậc THPT được nâng lên rõ rệt. Nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý công nhận rằng khi chưa thực hiện việc thi tuyển sinh vào lớp 10 thì nhận thức và thái độ học tập của HS, công tác giảng dạy của GV, sự chỉ đạo của cán bộ quản lý các trường chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng HS đầu vào lớp 10 được các trường THPT đánh giá là chưa tốt, HS còn hổng nhiều kiến thức, kể cả kiến thức cơ bản. Tuy nhiên, khi thay đổi cách tuyển sinh bằng hình thức thi tuyển thì sự tác động của hình thức này là có hiệu quả rõ rệt.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT An Giang, chủ trương thi tuyển vào lớp 10 trong toàn tỉnh thực hiện được 3 năm qua, chất lượng học tập ở bậc THCS có chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ thi đầu cấp có thay đổi, điểm chuẩn đầu vào nâng dần từ 2 - 3 điểm mỗi năm. TS Nguyễn Thanh Bình - Nguyên GĐ Sở GD&ĐT tỉnh An Giang từng chia sẻ: “Những năm học trước, tỉnh tuyển sinh vào lớp 10 với 3 hình thức là thi tuyển, xét tuyển và kết hợp thi tuyển, xét tuyển. Hình thức xét tuyển bên cạnh những ưu điểm vẫn bộc lộ một số nhược điểm. Ở phương thức xét tuyển sinh vào lớp 10 vẫn còn không ít trường hợp GV đánh giá chưa thực sự đúng với trình độ của các em HS, tạo các em có thái độ học tập không nghiêm túc…”.
Giáo viên cũng phải chạy đua
Tuy nhiên, không có sự đổi mới nào dễ dàng. Tình trạng dạy học chủ yếu thông qua đọc – chép vẫn chưa phải đã hết. Vẫn còn GV áp dụng máy móc các phương pháp dạy học tích cực để đối phó khi được dự giờ. Vì thế, chất lượng GD còn chậm được nâng cao.
Đổi mới kiểm tra đánh giá thì ai cũng thấy lợi ích rõ rệt. Song nhiều GV cho biết họ phải “gánh” một khối lượng công việc khá nặng nề từ việc áp dụng đổi mới này.
Thầy Lê Văn Tiền – Tổ trưởng tổ Văn Trường THCS - THPT Phú Thịnh (Tam Bình, Vĩnh Long) chia sẻ: GV phải vất vả hơn, ban đầu triển khai có áp lực nhưng dần cũng quen. Yêu cầu đổi mới GV phải đóng vai trò hướng dẫn để HS học, bổ sung kiến thức từ các nguồn tài liệu... Đối với HS trung bình, yếu có thể không theo kịp với đổi mới, nhiều em tỏ ra vẫn thích theo cách kiểm tra đánh giá cũ. Bên cạnh đó đổi mới đôi khi đòi hỏi rất công phu nên GV không đảm bảo triển khai một cách hiệu quả nhất. Như việc tổ chức kiểm tra, thi cử trước tiên phải vất vả tìm tài liệu, làm đề chi tiết, làm ma trận đề, in sao đề... đòi hỏi GV phải có năng lực để đảm bảo có bộ đề đa dạng. Đặc biệt là yêu cầu về thời gian khiến chúng tôi phải chạy đua trong tiết dạy.
Ngoài ra các trường cũng đang gặp khó khi còn thiếu cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng máy phục vụ tìm kiếm, cập nhật tài liệu, thiếu đồ dùng dạy học, thiếu phòng học bộ môn, máy chấm điểm trắc nghiệm, máy photocopy, máy in... Đôi khi cả trường từ hiệu trưởng đến GV, HS rất hăng hái, tâm huyết thực hiện đổi mới PPDH, đổi mới KTĐG nhưng chỉ vì thiếu cơ sở vật chất nên đành chịu lực bất tòng tâm...
Nguồn tài liệu phục vụ cho việc đổi mới PPDH, đổi mới KTĐG vẫn là bài toán khó cho đội ngũ nhà giáo và HS. Nhiều GV đứng lớp cho biết hiện nay ngoài sách giáo khoa ra thì họ chưa có nguồn tài liệu tham khảo nào mang tính chính thống để áp dụng vào quá trình đổi mới PPDH, KTĐG. Một nguồn tài liệu chính thống, theo từng môn học, có ngân hàng đề hoặc cơ sở dữ liệu môn học thực sự cần thiết. Thầy Lương Thành Được – Tổ trưởng Tổ Văn Trường THPT Tầm Vu 1 kiến nghị, ngành GD nên đầu tư nguồn tư liệu mang tính chính thống để GV có bộ đề hay tư liệu phục vụ công tác dạy học, đổi mới KTĐG vì hiện nay tư liệu này còn quá ít. Chúng tôi muốn tìm tài liệu vẫn có nhưng chỉ rải rác và là ấn phẩm của nhiều nhà xuất bản khác nhau nên ít nhiều gây nên nhiễu thông tin.
Một trong những “rào cản” khác là nhiều GV còn quá lệ thuộc vào sách giáo khoa cũng như Sách hướng dẫn GV, chưa dám chủ động vận dụng linh hoạt nội dung dạy học cho phù hợp với đặc điểm địa phương và khả năng nhận thức của HS, hạn chế về sử dụng thiết bị dạy học và CNTT khi lên lớp. Công tác chỉ đạo đổi mới kiểm tra, thi cử, đánh giá ở nhiều trường còn nặng về yêu cầu tái hiện kiến thức; chưa chú trọng đến yêu cầu thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng và suy nghĩ sáng tạo, rèn luyện năng lực tự học cho HS theo như nhận xét của thầy Nguyễn Thanh Long - Phó Hiệu trưởng Trường cấp THCS - THPT Phú Thịnh (Tam Bình, Vĩnh Long).
Phải đổi mới mạnh mẽ hoạt động đánh giá, coi trọng đánh giá của GV ngay trong quá trình dạy học. Đây là hoạt động chủ yếu thay vì tập trung thi cử cuối khóa nặng nề, đối phó, hình thức, thiếu thực chất, thoát ly mục tiêu đào tạo. Phải tạo điều kiện cho người học tự đánh giá để tự hoàn thiện mình, phải phối hợp với phụ huynh đánh giá HS. Thông qua xã hội, người sử dụng lao động, đánh giá để tạo sự thống nhất hệ thống giá trị giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Nâng cao chất lượng các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ, kiểm tra học kỳ cả lý thuyết và thực hành. GV chủ động kết hợp một cách hợp lý, phù hợp giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan. Khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, động viên sự cố gắng, tiến bộ của HS. Việc cho điểm có thể kết hợp giữa đánh giá kết quả bài làm với theo dõi sự cố gắng, tiến bộ của HS. Hướng dẫn HS đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá năng lực của mình. Chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc công tác kiểm tra, thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp THPT ở tất cả các khâu. NGND.TS Thái Văn Long, GĐ Sở GD&ĐT Cà Mau |
Nguyễn Quốc ngữ
TIN LIÊN QUAN |
---|