Đổi mới kiểm tra đánh giá giáo dục: Đi tìm "chìa khóa vàng"

Đổi mới kiểm tra đánh giá giáo dục: Đi tìm "chìa khóa vàng"

(GD&TĐ) - Việc đổi mới kiểm tra đánh giá (gắn liền với đổi mới phương pháp giảng dạy) là đòn bẩy mạnh mẽ làm thay đổi đáng kể chất lượng dạy và học. GV linh hoạt hơn trong vai trò chủ đạo; HS tích cực hơn trong vai trò chủ động. Tuy nhiên, việc đổi mới này thành kỹ năng của giáo viên thì lại không hề đơn giản. Như ví von của một số cán bộ quản lý là “mặt hàng hiếm trong ngôi nhà phương pháp”…

 Nhiều hạt sạn trong kiểm tra, đánh giá

Một tồn đọng khá phổ biến trong khâu soạn, giảng hiện nay là giáo viên vận dụng hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh còn rất đơn điệu, do tách rời hai khâu: Truyền thụ kiến thức và đánh giá khả năng vận dụng kiến thức. Chẳng hạn, một quy trình lên lớp 5 bước: Ổn định tổ chức, kiểm tra bài cũ, giảng bài mới, củng cố, dặn dò, thì khâu kiểm tra bài cũ chỉ làm qua loa cho lấy lệ, gọi từ một tới hai HS lên kiểm tra là vào bài mới, chứ không định hình rõ việc đánh giá khả năng tiếp nhận kiến thức và kỹ năng của HS phải được thực hiện suốt cả một tiết học. 

Điều này lý giải vì sao có tình trạng, cùng một lớp dạy, GV bộ môn này kêu ca HS lười học, GV kia lại khen ngợi mặt bằng chất lượng của lớp khá. Một GV kể về trường hợp học trò của mình, một HS học lực trung bình, rất hiếm khi thuộc bài cũ. Cho tới một hôm, em xuất hiện trong danh sách đội tuyển HS giỏi môn Vật lý. Các GV tỏ ra nghi ngờ rằng thầy giáo phụ trách đội tuyển này có sự thiên vị riêng tư. Tuy nhiên, sau đó tới kỳ thi cấp tỉnh, em này đã đạt giải (dù chỉ là giải khuyến khích). Tìm hiểu tường tận, mới thấy thầy giáo này có kinh nghiệm để dìu dắt HS cá biệt về văn hóa chỉ từ việc kiểm tra kiến thức, kỹ năng của HS một cách thường trực trong mỗi tiết dạy bằng những “mẹo vặt” thu hút. 

Sự đánh giá thiếu khách quan, công bằng cũng là một trong những nguyên do làm giảm sút ý chí học tập của HS. Có lần, một phụ huynh mang bài kiểm tra môn Ngữ Văn lớp 9 của con mình tới phản ánh việc con trai họ bị cô giáo cho điểm oan bài kiểm tra. Xem bài kiểm tra thì rất ngạc nhiên về cách ra câu hỏi của cô. Có những câu trắc nghiệm, ngay bản thân GV Ngữ văn cũng còn phải lúng túng không biết phải chọn lựa như thế nào. Ở phần Tập làm văn (nghị luận về một hiện tượng của đời sống) đề bài yêu cầu: “Bày tỏ suy nghĩ về phong trào nhảy hip-hop trong học sinh”, cô phê mỗi một chữ “lạc đề” rồi phết vào bên cạnh điểm 3 (phần tập làm văn tổng cộng là 6 điểm). Đọc xong phần luận của em HS này, bất cứ cô giáo, phụ huynh nào cũng giật mình bởi cả lời phê lẫn sự cho điểm phũ phàng của cô giáo, bởi em HS đã tỏ ra khá am hiểu về hip-hop, thể hiện được niềm say mê ở những vũ điệu khỏe khoắn, sôi động của nó chứ hoàn toàn không lạc đề. Tìm hiểu, mới biết cô giáo muốn qua đề bài kiểm tra, yêu cầu HS phải phê phán kịch liệt phong trào nhảy hip-hop. Lẽ ra, cô phải khẳng định HS đã làm đúng thể loại nghị luận, rồi gợi mở cho HS tranh luận thêm về mức độ tham gia phong trào như thế nào để không ảnh hưởng tới việc học, trang phục ra sao khi biểu diễn ở trường, thay vì áp đặt chính kiến của mình.

Một quan niệm sai lầm lâu nay là cán bộ quản lý chuyên môn ở trường học mặc nhiên chấp nhận quan niệm ở GV cho rằng, chỉ có môn Ngữ văn mới cần lời phê, còn tất cả các môn khác chỉ cần chấm điểm. Ở các môn Toán, Lý, Hóa, giáo viên nào cẩn thận lắm cũng chấm điểm thành phần từng câu. Với các môn xã hội như Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân cũng rất ít môn có lời phê. Nếu bài làm quá tệ thì có thể được phê “bài làm quá yếu”, hay “lười học bài”. Khi trả bài,ít có GV dành thời gian nhận xét bài làm, nên nhiều HS không quan tâm sai sót của bạn để tránh cho mình và những sai sót lại tiếp tục lặp lại ở bài sau. Theo thầy Đặng Ngọc Trai - Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Đào Duy Từ (Quảng Bình), trừ những người lâu năm có kinh nghiệm, nhiều GV trẻ hầu như không lập “ma trận” khi ra đề kiểm tra, nên đề ra thiếu cân đối giữa các nội dung thậm chí thiếu hẳn sự phù hợp giữa 3 yêu cầu cơ bản trong cách ra đề (nhận biết, thông hiểu và vận dụng) dẫn tới việc HS học tủ, học lệch.

Giải mã hiện tượng “Lực bất tòng tâm”

Đổi mới kiểm tra đánh giá là việc phải làm ngay, nếu không đổi mới kiểm tra đánh giá thì coi như không thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Thời gian qua, khá nhiều trường cũng đã có những hình thức sinh hoạt chuyên môn để bàn thảo, tuy nhiên sự chuyển biến còn rất chậm. Đi tìm chìa khóa để mở cánh cửa vào kho tàng chuyên môn vốn phong phú và đa dạng, mới thấy lĩnh vực kiểm tra, đánh giá còn khó hơn cả việc lên lớp truyền thụ kiến thức một chiều. 

Thực tế, tâm lý coi thường kiểm tra, đánh giá gần như bị loại bỏ. Ngoại trừ số ít GV có tính chây ỳ cố hữu (ngại việc) thì đa số GV đều nhận thức được trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì “Đánh giá trong quá trình dạy học của các nhà trường chúng ta hiện nay rất yếu, cần đặc biệt quan tâm đổi mới cả trong công tác chỉ đạo và bồi dưỡng nhằm tăng cường năng lực và trách nhiệm của các GV và CBQL, trước hết là trong GD phổ thông”. Mắt xích của vấn đề chính là: “Công tác chỉ đạo và bồi dưỡng” của cán bộ quản lý cùng  “năng lực và trách nhiệm” của GV.  

Các Sở, Phòng nên có hướng chọn GV dạy giỏi, có kinh nghiệm và năng lực ứng dụng CNTT để cơ cấu vào các phòng, ban khảo thí chuyên làm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện khâu kiểm tra, đánh giá của GV các trường. Cán bộ quản lý trường học từ cấp tổ trưởng chuyên môn trở lên cũng nên chọn lựa từ những GV có kinh nghiệm thực dạy. Vì hiện nay, tình trạng cơ cấu cán bộ quản lý còn bị ràng buộc bởi cơ chế phân cấp kéo theo hạn chế đáng kể trong tuyển chọn cán bộ quản lý giỏi ở cơ sở. Một khi người “hồng” mà không “chuyên” thì khó mà chỉ đạo việc đánh giá, bồi dưỡng GV cho tinh được. Một trong những hình thức bồi dưỡng tốt nhất cho năng lực và trách nhiệm của người thầy giáo vẫn là hình thức sinh hoạt chuyên đề đi vào “tiểu tiết” của tổ chuyên môn. Mỗi tháng, chỉ cần đi vào một tiết dạy minh họa cụ thể cho một chuyên đề. Người dạy chỉ rõ cho các tổ viên biết kiểm tra như thế nào là thay đổi cách kiểm tra cũ. Hay là mở riêng những buổi trao đổi về kinh nghiệm trình bày lời phê trong bài kiểm tra của HS. Việc đi vào tiểu tiết như thế sẽ tránh được lối bồi dưỡng theo kiểu hình thức, đối phó, thiên về lý thuyết mà khi vận dụng thì vẫn lúng lúng hoàn lúng túng.

Nguyễn Thị Thúy Hồng

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.