(GD&TĐ) - Nhận định về tình hình giáo dục nước ta hiện nay người ta có thể khẳng định, đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, song cũng tồn tại nhiều hạn chế….
Đó là sự tồn tại của một nền giáo dục đã không còn phù hợp với những yêu cầu thực tế của đời sống xã hội, sự mất cân bằng giữa việc tăng số lượng và chất lượng giáo dục, giáo dục chạy theo số lượng, thiếu cân đối ngành nghề, trình độ đào tạo,.…bấy nhiêu hạn chế đó cũng đủ cho ngành và toàn xã hội nhận thức rằng: Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam là nhiệm vụ bức thiết.
(ảnh mang tính minh họa) |
Vấn đề tất yếu là thay đổi ra sao? Và ai thay đổi? Dễ thường người ta nghĩ đến trách nhiệm của cơ quan ‘đầu tàu”- Bộ Giáo dục & Đào tạo; và đã đến lúc chúng ta cần thay đổi nhận thức rằng: nhiệm vụ đổi mới giáo dục là trách nhiệm chung của toàn xã hội chứ không đơn thuần là chỉ một mình ngành Giáo dục mà dẫn đường là các chuyên gia có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm ở lĩnh vực giáo dục và đòi hỏi từng cá nhân có đầu óc tư duy đổi mới.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp của một số đại biểu thanh niên các nước tham gia Chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á trong buổi thảo luận về chủ đề giáo dục trong nhà trường, tôi nhận thấy thực trạng mà ngành Giáo dục Việt Nam đang phải đối mặt, đang tìm kiếm giải pháp cũng là hình ảnh chung đối với một số quốc gia Đông Nam Á, đâu đó vẫn là câu chuyện chất lượng giáo dục chưa đảm bảo với thực tiễn đời sống, thiếu nhân tài, nội dung và phương pháp đào tạo chưa hấp dẫn người được đào tạo, tình trạng xuống cấp về đạo đức….
Rất nhiều ý kiến của các bạn trẻ tại buổi thảo luận chia sẻ: xã hội, đặc biệt là những người đã, đang và sẽ hoạt động trong ngành giáo dục cần có cái nhìn mới mẻ hơn về giáo dục thực tại. Giáo dục thời nay không còn đơn thuần là sự tồn tại biệt lập của nhà trường so với yêu cầu chung của xã hội mà thay vào đó là sự chủ động trong việc liên kết, hỗ trợ mạnh mẽ lẫn nhau trong việc định hướng đào tạo ngành nghề cho học viên tiến tới sự cân bằng cung-cầu ngành nghề mà xã hội đang thực sự cần, thực trạng thiếu thừa việc làm của sinh viên tốt nghiệp vì thế mà cũng được đẩy lùi, tệ nạn xã hội phần nào được hạn chế.
Bổ sung biện pháp cải cách giáo dục các đại biểu thanh niên còn đưa ra khái niệm về giáo dục hiện đại mà ở đó người đào tạo và học viên sẽ dần xóa bỏ cách giảng và tiếp thu bài giảng một cách thụ động theo lối mòn cũ rích mà tạo không gian mở tối đa để trao đổi thông tin, kiến thức; tận dụng thời gian vốn dĩ chỉ dành cho lý thuyết bằng các giờ thực hành, ứng dụng vào thực tiễn đời sống đó cách kiểm chứng kết quả lý thuyết hiệu quả nhất cho học viên. Không gian lớp học sẽ không còn đơn giản người giảng cầm phấn viết lên bảng, học viên chỉ nghe viết và viết mà ở đó có sự hỗ trợ đắc lực của các thiết bị máy móc hiện đại: máy tính nối mạng, máy chiếu cùng các điều kiện khác phù hợp với từng ngành nghề đào tạo…
Tất nhiên đấy chỉ là một mặt của khái niệm giáo dục hiện đại, thực sự cải cách nó đòi hỏi phải xuất phát từ hệ thống, bộ máy cấu thành nên nó, đó là nội dung, phương pháp và con người thực hiện công tác giáo dục sao cho hiệu quả nhất.
Tất cả các ý kiến đều hướng tới một mục tiêu chung thay đổi giáo dục phù hợp với nhu cầu thực tế tuy nhiên điều tôi ấn tượng có lẽ là câu kết cuối cùng cho bài báo cáo về vấn đề giáo dục trong nhà trường của các bạn: “giáo dục hiện đại không nằm ngoài giáo dục truyền thống mà giữa chúng còn giữ mối quan hệ bổ trợ cho nhau”.
Cũng xuất phát từ thực trạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều bạn trẻ không nắm rõ lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc mình, ý thức đạo đức kém, vi phạm pháp luật hay nghiêm trọng hơn sa vào các tệ nạn xã hội…hậu quả ấy báo động một xã hội tất yếu cần thay đổi, trước nhất cần sớm đưa các môn lịch sử, đạo đức, văn hóa ngay từ những năm cấp I hoặc linh hoạt đưa vào hệ thống giáo dục mầm non để trẻ sớm hình thành nhận thức mỹ quan về văn hóa truyền thống dù đó chỉ là sơ nét và chưa đủ chín để tiếp thu nhưng đó thực sự là tiền đề quan trọng cho những giai đoạn sau của cấp đào tạo.
Giáo dục theo “xu hướng mở” không gói gọn trong phạm vi trường học mà tăng cường cho các em học sinh được tham quan, dã ngoại trên cơ sở kết hợp cùng gia đình sẽ là nền tảng vững chắc tạo cho các em học sinh tự ý thức yêu quý gia đình, xã hội, ý thức về bảo vệ môi trường… Vì vậy, để hướng tới một nền giáo dục hoàn thiện tất yếu phải xác định đổi mới giáo dục là nhiệm vụ chung của toàn xã hội.
H’Yuên
(Gia Lai)