Đổi mới giáo dục đã chạm đến ý nguyện của người dân

GD&TĐ - Đây là nhận định của PGS.TS Đặng Quốc Bảo. Ông cho rằng: Ngành Giáo dục đã đi đúng hướng và chạm đến ý nguyện của đông đảo tầng lớp nhân dân.

Những đổi mới của ngành Giáo dục đã tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội. Ảnh chụp một lớp học VNEN ở Trường tiểu học Thạch Bằng (Lộc Hà, Hà Tĩnh)
Những đổi mới của ngành Giáo dục đã tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội. Ảnh chụp một lớp học VNEN ở Trường tiểu học Thạch Bằng (Lộc Hà, Hà Tĩnh)

Xung quanh vấn đề này, PGS đã có những phân tích, trao đổi với báo Giáo dục & Thời đại về những đổi mới giáo dục đã “chinh phục” ông trong thời gian gần đây.

Những dấu ấn đổi mới của giáo dục

Theo PGS Đặng Quốc Bảo, trong những năm gần đây, ngành Giáo dục đã có những cải tiến đáng kể về đổi mới phương pháp dạy và học ở trong nhà trường và trong mỗi nhà giáo. 

Đổi mới để không ngừng nâng cao kiến thức chuyên môn, đổi mới để phát huy được năng lực của học sinh. Học sinh đã trở thành trung tâm trong từng tiết học. Giáo viên đã thay đổi trong tư duy, đó là: “Dạy những gì học sinh cần, chứ không dạy những gì giáo viên có”.

Ông phân tích thêm: Thực ra, giáo dục đã bắt đầu đổi mới 30 năm nay, nhưng rộn ràng nhất là kể từ năm 2000 cho tới nay. Có thể nói 14 năm qua chúng ta đã có bộ sách giáo khoa khá là hoàn chỉnh, đẹp hơn cả về nội dung lẫn hình thức và phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước.

Trong những năm qua, ngành Giáo dục cũng có rất nhiều giáo viên tài hoa, tâm huyết với nghề. Họ vẫn âm thầm cống hiến, bám trường bám lớp một cách trong sáng.

Đáp lại những tình cảm thiêng liêng đó, Ngành Giáo dục cũng đã có nhiều chính sách quan tâm, ưu đãi nhằm động viên khích lệ các nhà giáo thêm yêu nghề và cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp “trồng người”, nhất là đối với những giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn.

Đơn cử như: Nghị định số 61/2006/2010 về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số: 60/2011/QĐ-TTg quy định về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015, trong đó có nhiều chính sách ưu đãi đối với giáo viên mầm non cùng một số văn bản chính sách về chế độ đối với giáo viên thể dục, giáo viên dạy quốc phòng và chế độ miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên.

Đặc biệt phải kể đến Nghị định số 54/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo đã được giáo viên cả nước vui mừng đón nhận trước sự quan tâm của Ngành, của Chính phủ.

“Với sự quan tâm của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua, dẫu biết rằng tất cả những điều đó chưa thể bù đắp hết những khó khăn vất vả mà các nhà giáo vẫn đang ngày đêm miệt mài gieo chữ cho em mình. 

Thế nhưng theo tôi, chỉ chừng ấy thôi đã cho thấy Bộ GD&ĐT đã có những đổi mới theo hướng thực tế hơn, gần gũi hơn, sâu sát hơn đối với đội ngũ nhà giáo để cùng với đội ngũ nhà giáo xắn tay lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà” – PGS Đặng Quốc Bảo chia sẻ.

So sánh trong giáo dục là khập khiễng

 PGS Đặng Quốc Bảo: Cần có cái nhìn thấu đáo, toàn diện về giáo dục Việt Nam
Tin tưởng vào thành tựu của giáo dục Việt Nam, PGS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh: Cần có cái nhìn thấu đáo, toàn diện về giáo dục Việt Nam. 

Một đất nước với trên 90 triệu dân, thu nhập quốc dân theo đầu người còn thấp hơn so với các nước trong khu vực; xuất phát điểm thấp hơn rất nhiều so các nước bạn, lại bị ảnh hưởng nặng nề của các cuộc chiến tranh, vậy mà Giáo dục nước nhà đã làm được nhiều điều và có những bước tiến vững chắc như thế là điều rất đáng khích lệ và cổ vũ.

Học sinh của Việt Nam không hề thua kém các nước trên thế giới. Bằng chứng là theo kết quả khảo sát PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thì học sinh Việt Nam có thứ hạng khá cao trên thế giới, thậm chí còn vượt cả nước Anh, Mỹ, Úc.

Còn tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, Việt Nam luôn đứng ở vị trí các nước có thành tích cao. Học sinh, sinh viên Việt Nam du học đã thích nghi và bắt nhịp rất tốt với điều kiện học tập ở các trường nổi tiếng trên thế giới.

Rõ ràng, những thành tích trên cho thấy chất lượng giáo dục phổ thông của chúng ta khá ổn. Trong đó yếu tố cốt lõi để tạo nên thành công ấy chính là giáo dục trong nhà trường mà thực chất chính là từ những đổi mới trong cách dạy, cách học, cách quản lý của ngành Giáo dục nước nhà như hiện nay.

PGS cũng đánh giá cao về những đổi mới trong công tác kiểm tra, đánh giá của Bộ GD&ĐT trong thời gian qua, như việc không cho điểm ở bậc tiểu học - một hướng đổi mới hoàn toàn tích cực. 

Hay như việc đổi mới ra đề thi theo hướng tăng cường câu hỏi mở, vận dụng ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 và kỳ thi đại học, cao đẳng vừa qua là hoàn toàn hợp lý, chạm vào nguyện vọng của học sinh, giáo viên, cha mẹ các em, là một bước đột phá của giáo dục năm 2014.

“Vì thế, tôi cho rằng nếu cứ đứng bên ngoài rồi nhận xét thế này, thế kia thì ai cũng nói được. Điều đó không khác gì bạn đang xem một trận đá bóng, cứ ngồi trên khán đài, dậm chân chỉ tay nhìn xuống sân rồi “vẽ” các cầu thủ sao không đá thế này, sao không chơi thế kia, để dường như ai cũng có thể làm huấn luyện viên được. 

Đến khi trực tiếp làm cầu thủ trên sân thì lại không thực hiện được những điều mà mình vung tay “chỉ đạo” khi ngồi trên khán đài! Điều quan trọng là chúng ta phải có niềm tin vào nhau, niềm tin vào chính mình, không nên đứng ở góc độ của người ngoài cuộc mà mặc sức nhận xét, bình luận. 

Hãy cùng chung tay với ngành Giáo dục để đạt được những điều mong muốn. Đó mới thực sự là tâm huyết với Giáo dục” – PGS Đặng Quốc Bảo chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ