Khi hiệu trưởng lên bục giảng
Bấy lâu nay, những buổi hội giảng thường được các trường tổ chức và “vai chính” là giáo viên bộ môn; còn ban giám hiệu thường là người “cầm cân nảy mực”. Tuy nhiên, đối với thầy cô giáo ở Trường Tiểu học Phú Mỹ (TP Sa Đéc, Đồng Tháp), việc hiệu trưởng đóng “vai chính” trong buổi hội giảng là điều rất quen thuộc.
Mới đây, Trường Tiểu học Phú Mỹ tổ chức Hội giảng phân môn Tập viết lớp 3. Hội giảng này được nhà trường triển khai đến tập thể cán bộ, giáo viên nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dạy và học. Tham dự buổi hội giảng có 40 giáo viên và 24 học sinh của nhà trường. Tại buổi hội giảng này, thầy Nguyễn Minh Nhựt - Hiệu trưởng nhà trường đã trực tiếp dạy minh họa bài “Ôn chữ hoa Q”, phân môn Tập viết lớp 3. Sau khi dự một tiết dạy minh họa, các giáo viên và lãnh đạo nhà trường cùng nhau trao đổi, chia sẻ rất rôm rả và đưa ra nhiều giải pháp hay.
Theo thầy Nguyễn Minh Nhựt: Kết quả của buổi hội giảng chính là những chia sẻ về phương pháp, kinh nghiệm giảng dạy phân môn Tập viết cũng như việc sử dụng đồ dùng dạy học; những kinh nghiệm hay, những bài học ở các môn mà giáo viên còn vướng mắc, khó khăn. Từ đó giúp tập thể tiến bộ, từng bước nâng cao chất lượng dạy học tại đơn vị.
Nhiều giáo viên cũng chia sẻ, những buổi hội giảng khi có lãnh đạo trường tham gia sẽ tạo không khí phấn khởi và tinh thần trách nhiệm cao. Thay vì trước đây giáo viên bộ môn giảng dạy thì nay hiệu trưởng hoặc hiệu phó chuyên môn cùng tham gia. Qua đó mới hiểu được tình hình thực tế cũng như những thuận lợi, khó khăn. Điều quan trọng nhất là sau hội giảng sẽ rút ra những kinh nghiệm, những giải pháp góp phần cho công tác nâng cao chất lượng dạy, học ở nhà trường.
Phát huy trí tuệ tập thể
Đối với nhiều giáo viên tổ Ngữ văn của Trường THPT Lấp Vò 2 (huyện Lấp Vò, Đồng Tháp), Hội thảo chuyên môn với chủ đề “Nâng cao hiệu quả việc phụ đạo học sinh yếu - kém” được nhà trường tổ chức vào năm học 2016 - 2017 là “chìa khóa” để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Theo các giáo viên tổ Ngữ văn của trường: Thực tế giảng dạy môn Ngữ văn hiện nay các hình thức thi cử liên tục đổi mới. Theo đó các dạng câu hỏi, đề bài làm văn cũng thay đổi; đòi hỏi sự vận dụng kỹ năng nhiều hơn là kiểu chủ yếu thuộc lòng theo truyền thống các môn Khoa học xã hội như trước. Vì vậy, nhiều học sinh yếu kém không thể làm bài điểm cao do rất yếu kỹ năng vận dụng. Do thường xuyên bị điểm kém, từ đó các em chán nản, tự ti giữa bản thân với bạn bè, các em ngại ngùng tiếp xúc với bạn bè, thầy cô. Kết quả là việc học ngày một nặng nề với các em, các em tìm những trò vui khác để bù lấp, như: Ham chơi hơn, hay đi học muộn, bỏ tiết, bỏ học...
Từ thực trạng trên, tổ Ngữ văn thấy rằng việc phụ đạo học sinh yếu, kém là một công tác đòi hỏi nhiều kinh nghiệm lẫn tâm huyết của người đứng lớp. Nhờ những chia sẻ thực tế của giáo viên, tổ Ngữ văn đã đóng góp thêm về kinh nghiệm bổ ích về phân bố thời gian, cách lựa chọn ngữ liệu, cách sửa bài làm cho học sinh, cách tạo không khí cho lớp học… Từ đó mà những tiết dạy của giáo viên được hoàn hảo. Giúp nâng cao hiệu quả việc phụ đạo học sinh yếu - kém.
Cô Nguyễn Thị Đoan Trang (Trường THPT Lấp Vò 2) chia sẻ: Vì nhiều lí do chủ quan và khách quan mà nhiều học sinh hiện nay không mấy hứng thú trong giờ học Văn. Nhằm tìm ra giải pháp để giáo viên có thể giúp học sinh không chỉ diễn đạt đúng mà còn yêu thích tác phẩm văn chương, có tâm hồn cao đẹp, tư duy trong sáng. Hội thảo chuyên môn chủ đề “Phương pháp tạo hứng thú cho học sinh trong tiết học Ngữ văn” vừa được nhà trường tổ chức đã góp phần giải quyết những khó khăn trên.
Từ phần dự giờ tiết dạy vận dụng một số phương pháp tạo hứng thú cho học sinh. Sau đó là phần góp ý rút kinh nghiệm chân thành của ban giám hiệu và các thầy cô trong tổ bộ môn. Mọi người đã thẳng thắn chỉ ra những ưu điểm cần phát huy trong tiết dạy. Song song đó là ý kiến tham luận, chia sẻ kinh nghiệm hết sức nghiêm túc của tất cả giáo viên trong tổ.
“Nhờ tinh thần làm việc của tập thể nên đã rút ra được những phương pháp đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chuyên môn, nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy các khối nói chung và tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT quốc gia nói riêng. Những hội thảo chuyên môn này được tổ chức trong không khí hết sức phấn khởi, thân tình. Giúp cho tập thể tổ Ngữ văn có thêm nhiều sáng kiến độc đáo để gặt hái thêm nhiều thành công”, cô Trang nêu rõ.