Đổi mới giảng dạy Lịch sử trong trường phổ thông

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đề nghị tăng cường và đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn Lịch sử trong các trường phổ thông.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã và đang chỉ đạo các nhà trường, giáo viên đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; chú trọng phát triển năng lực lịch sử cho học sinh như phát hiện và giải quyết vấn đề, sử dụng các phương tiện trực quan; khai thác các nguồn sử liệu, phân tích sự kiện, quá trình lịch sử và rút ra những nhận xét, đánh giá, tạo cơ sở phát triển năng lực tự học Lịch sử suốt đời; kết hợp các hình thức dạy học để khám phá lịch sử, vận dụng sáng tạo kiến thức vào các tình huống học tập và thực tiễn cuộc sống...

Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai một số giải pháp cụ thể sau: Tổ chức các cuộc tập huấn đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực chủ động của học sinh, tăng cường tổ chức các hoạt động thực hành bộ môn, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học: Dạy học dự án, dạy học tại di sản, bảo tàng, tổ chức có hiệu quả cuộc thi “Em yêu Lịch sử”… làm cho việc học tập Lịch sử sinh động, hấp dẫn hơn qua đó giúp các em yêu thích, say mê học tập bộ môn Lịch sử.

Gắn đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá với định hướng nghề nghiệp của học sinh, qua đó giúp học sinh có những định hướng nghề nghiệp một cách đúng đắn, phù hợp năng lực sở trường của mình, tạo cho các em có động lực trong việc học tập bộ môn Lịch sử.

Tích cực mở các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên qua đó giúp họ yêu nghề, tích cực đổi mới phương pháp dạy học có những giờ Lịch sử hay và hấp dẫn đối với học sinh.

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội khóa XIV về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và định hướng nghề nghiệp của học sinh; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học trên; chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tăng cường thời gian hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động xã hội.

Trong đó, nội dung giáo dục Lịch sử được chú trọng nhằm giáo dục nhân sinh quan, thế giới quan, hoàn thiện nhân cách, giáo dục ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng và những phẩm chất tiêu biểu của công dân toàn cầu trong xu thế phát triển, đổi mới, sáng tạo của thời đại. Cụ thể: Đối với cấp tiểu học, môn Lịch sử và Địa lý (đối với lớp 4 và lớp 5) 70 tiết/năm học; cấp THCS, môn Lịch sử và Địa lý 105 tiết/năm học; cấp THPT, nhóm môn Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật) 210 tiết/năm (70 tiết/môn).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...