Đổi mới đào tạo giáo viên gắn với giáo dục STEM

GD&TĐ - Ngày 28/9, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Đổi mới trong đào tạo giáo viên” với chủ đề “I am STEM”.

Hội thảo khoa học quốc tế “Đổi mới trong đào tạo giáo viên” với chủ đề “I am STEM”
Hội thảo khoa học quốc tế “Đổi mới trong đào tạo giáo viên” với chủ đề “I am STEM”

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, báo cáo viên trong và ngoài nước đến từ Thái Lan, Lào, Indonesia, Australia, Philippines, Ireland, New Zealand và cán bộ quản lý, giáo viên một số tỉnh trong cả nước.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Giáo sư Tiến sĩ Mai Xuân Trường - Hiệu trường Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho biết: Việc khuyến khích, thúc đẩy giáo dục STEM tại mỗi quốc gia đều hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các ngành nghề liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Nhờ đó nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế mỗi quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hội thảo sẽ góp phần khẳng định rõ hơn vai trò của giáo dục STEM đối với đào tạo giáo viên ở nước ta trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

Các đại biểu tại hội thảo
 Các đại biểu tại hội thảo

Hội thảo đã nhận được 150 báo cáo khoa học trong và ngoài nước, trong đó có hơn 60 báo cáo của các nhà khoa học đến từ Thái Lan, Indonesia, New Zealand, Ireland, Đài Loan, Úc, Philippines,…

Các báo cáo khoa học tại hội thảo tập trung vào các vấn đề: Phát triển giáo dục STEM/STEAM trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Khung năng lực nghề nghiệp giáo viên và giảng viên sư phạm đáp ứng yêu cầu giáo dục STEM/STEAM; Đổi mới mô hình đào tạo giáo viên STEM/STEAM đáp ứng CTGDPT mới; Ứng dụng CNTT trong đào tạo giáo viên STEM/STEAM; Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển giáo dục STEM/STEAM; Bước đầu triển khai giáo dục STEM/STEAM ở Việt Nam và các đề xuất.

Các báo cáo đã phân tích thực trạng giáo dục STEM ở Việt Nam, nêu ra những khó khăn và giải pháp triển khai. Một số báo cáo đã nêu cụ thể thực tiễn áp dụng STEM ở các tỉnh như: Nam Định, Huế, Bạc Liêu, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bến Tre, Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, Lào Cai, Lạng Sơn,… Nhiều báo cáo khoa học đã nêu lên cách tiếp cận giáo dục STEM trong CTGDPT năm 2018 của Việt Nam.

Đại biểu quốc tế tham quan các sản phẩm giáo dục STEM của Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên
  Đại biểu quốc tế tham quan các sản phẩm giáo dục STEM của Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên

Một số tác giả đã bước đầu thiết kế các hoạt động, bài học theo định hướng STEM gắn với thực tiễn cuộc sống, các hoạt động trải nghiệm và hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua giáo dục STEM.

Đối với giáo viên, các báo cáo, bài viết có đề cập đến năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục STEM, vấn đề đánh giá năng lực của học sinh trong giáo dục STEM và các cấp độ áp dụng giáo dục STEM ở trường học của Việt Nam. Ngoài ra, một số bài viết đã phân tích các điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực để áp dụng giáo dục STEM ở Việt Nam.

Trong đào tạo giáo viên, các báo cáo đã đề cập đến tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong đổi mới chương trình giáo dục ở trường phổ thông, trong đó một số bài viết tập trung vào phân tích các kỹ năng của thế kỷ 21, tư duy sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề. Từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới chương trình đào tạo giáo viên và phát triển chương trình giáo dục STEM ở các cấp học…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?