Đổi mới công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục

GD&TĐ - Theo thạc sỹ Nguyễn Hồng Liêu – nguyên Phó hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý Giáo dục TP Hồ Chí Minh, trong công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, cần lấy đổi mới quản lý giáo dục là khâu đột phá; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt.

Ảnh minh họa/Minh Phong
Ảnh minh họa/Minh Phong

5 nội dung cần lưu ý 

Để đạt được mục tiêu trên, theo thạc sỹ Nguyễn Hồng Liêu cần tập trung vào một số nội dung sau:

Thứ nhất, đổi mới trong việc tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục; tạo động lực để cơ sở giáo dục chủ động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ hai, đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ửng yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp.

Thứ ba, sắp xếp, kiện toàn hệ thống và điều chỉnh nhiệm vụ các cơ sở đào tạo giáo viên, cơ sở bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục; tập trung chỉ đạo và triển khai đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Thứ tư, xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sờ giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Thứ năm, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà giáo đầu ngành ở các cấp học và trình độ đào tạo phù hợp với điều kiện của Việt Nam và từng bước hội nhập quốc tế;

Phát triển năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục

Như vậy, từ năm nội dung cơ bản về đổi mới quản lý giáo dục và xây dựng phát triển đội ngũ, cho ta thấy mặc dù nghị quyết không đặt ra yêu cầu về phát triển năng lực cho người cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) một cách trực tiếp nhưng ta có thể thấy để đạt được yêu cầu nội dung trên thì một số năng lực sau cho họ là rất rõ ràng.

Ngoài những chức năng cơ bản của một nhà quản lý phải có là: Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thì với họ - những nhà quản lý tương lai trong thế giới hôm nay còn phải có năng lực thích ứng và quản lý sự thay đổi, để từ đó linh hoạt, sáng tạo từ khâu chủ động lập kế hoạch năm học đến khâu tổ chức thực hiện;

Cán bộ quản lý giáo dục phải là những người có năng lực lãnh đạo quá trình dạy học, biết tập trung phát triển chương trình và hỗ trợ các hoạt động nâng cao trình độ chuyên môn hướng đến chất lượng giảng dạy và phát triển năng lực cho giáo viên đứng lớp.

Họ phải có năng lực tự học, học suốt đời để tăng giá trị bản thân. Họ phải có kỹ năng xây dựng nên hình ảnh tương lai của nhà trường với một chiến lược phát triển bền vững. Ngoài kỹ năng quản lý tài chính, kỹ năng quản lý nhân sự họ còn phải có kỹ năng nghiên cứu khoa học đánh giá và vận dụng tri thức khoa học vào thực tiễn.

Nói cách khác, người cán bộ quản lý giáo dục phải là những nhà lãnh đạo và quản lý có tri thức và năng lực quản lý hướng đến tính chuyên nghiệp trên tinh thần tương tác và hợp tác.

Bài viết được biên tập, lược ghi từ tham luận của thạc sỹ Nguyễn Hồng Liêu tại Hội thảo khoa học "Chuẩn hiệu trưởng và phát triển chương trình, tài liệu, tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ