(GD&TĐ) - Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” đang trong quá trình soạn thảo, vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành. Những nội dung như kinh phí cho đề án, lộ trình thực hiện, mục tiêu hướng tới của đề án đối với giáo dục phổ thông nước nhà sau năm 2015... đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của công luận mấy ngày qua với nhiều ý kiến đa chiều. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) – xung quanh các ý kiến phản hồi về Dự thảo đề án.
Chương trình SGK mới sẽ lựa chọn các kiến thức cơ bản, vừa đủ để phát triển tư duy, phù hợp với tâm sinh lý học sinh |
Phóng viên: Theo ý kiến của một số chuyên gia, việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa phải là khâu cuối cùng của quy trình đổi mới toàn diện và triệt để nền giáo dục phổ thông; nghĩa là việc đổi mới chương trình, SGK chỉ có thể triển khai khi ngành giáo dục đã xác định rõ nội dung, lộ trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI bằng một chiến lược giáo dục toàn diện. Vậy xin ông cho biết việc chúng ta đặt ra việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa lúc này có phải là “đi ngược quy trình” không?
TS. Vũ Đình Chuẩn: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đặt ra nhiệm vụ phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Để thực hiện được việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, chúng ta xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020. Việc đổi mới chương trình – sách giáo khoa là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược đó.
Tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện sẽ được thể hiện trong chương trình giáo dục phổ thông lần này, từ cách tiếp cận cho đến các định hướng, nguyên tắc, qui trình; thể hiện qua các phần của bộ chương trình giáo dục phổ thông như: mục tiêu của chương trình, nội dung dạy học, định hướng về phương pháp dạy học, phương tiện dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. Như vậy, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này là bước đi phù hợp với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, chứ không phải là đi ngược qui trình.
Phóng viên: Một số ý kiến cho rằng ngành GD - ĐT mới thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa từ năm 2002, nay đã lại tiếp tục đổi mới. Vậy xin ông cho biết tại lý do của việc tiến hành đổi mới chương trình, sách giáo khoa và theo ông lần đổi mới này sẽ mang lại những gì khác biệt cho giáo dục phổ thông nước nhà sau khi được triển khai đại trà vào thực tế?
TS. Vũ Đình Chuẩn: Như đã nói ở trên, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nằm trong lộ trình chung đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.
Bên cạnh đó, khoa học công nghệ hiện nay đang phát triển như vũ bão, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt cuộc sống xã hội, trong đó có giáo dục. Không chỉ có khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và công nghệ phát triển mạnh, mà khoa học giáo dục cũng có sự phát triển theo thời gian. Cho nên, chương trình giáo dục phổ thông của các nước phát triển sau 7 – 10 năm đều có sự xem xét, điều chỉnh và thay đổi. Và vì vậy, việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa đặt ra ở nước ta hiện nay để thực hiện vào năm 2017 là phù hợp với xu hướng và kinh nghiệm chung của thế giới, đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực với các phẩm chất và năng lực phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước theo yêu cầu của xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Một số định hướng lớn trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là:
(1) Chương trình hiện hành quan tâm chủ yếu tới việc học sinh sẽ học được những gì. Việc xây dựng Chương trình như vậy được gọi là theo hướng tiếp cận nội dung dạy học. Chương trình mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực; tức là xuất phát từ các năng lực mà mỗi học sinh cần có trong cuộc sống và kết quả cuối cùng phải đạt các năng lực ấy. Theo đó nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá đều phải hướng tới năng lực tự học, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề trong học tập, trong cuộc sống; coi trọng rèn luyện kỹ năng sống.
(2) Chương trình mới sẽ có mức yêu cầu, nội dung mang tính bắt buộc trong toàn quốc, nhưng cũng phải có phần dành cho các địa phương chủ động xác định, vận dụng phù hợp với điều kiện và đặc điểm dạy học của địa phương, của thầy và trò.
(3) Chương trình có sự hài hòa, cân đối giữa “dạy chữ”, “dạy người” và từng bước “dạy nghề”, định hướng nghề nghiệp, nhất là ở cấp THPT.
(4) Nội dung các môn học cần cân đối giữa lí thuyết với tăng cường thực hành, gắn với các tình huống đời sống và yêu cầu giải quyết vấn đề; tích hợp tránh sự trùng lặp không cần thiết gây nên sự quá tải của chương trình.
Chương trình không nặng về cung cấp nhiều kiến thức mà các kiến thức được lựa chọn cơ bản, vừa đủ để phát triển năng lực tư duy, phương pháp học, phát triển năng lực giải quyết vấn đề, ... cho học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí học sinh…
Phóng viên: Hiện nay, đang có một số ý kiến bàn về khoản kinh phí 70 ngàn tỷ đồng được chi cho dự án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Xin ông cho biết khoản kinh phí này sẽ được dự kiến chi vào những việc gì trong khuôn khổ dự án này?
T.S Vũ Đình Chuẩn: Trong dự thảo Đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông có dự toán kinh phí 70 ngàn tỉ đồng, nhưng không phải tất cả số tiền đó chi cho việc biên soạn chương trình - sách giáo khoa, mà việc biên soạn chương trình - sách giáo khoa chỉ dự kiến chi là hơn 960 tỉ (chưa đầy 1/70 tổng dự toán ); số còn lại chi cho các công việc khác như: Xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 35 ngàn tỉ (chiếm ½ tổng dự toán); mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học khoảng 30 ngàn tỉ (gần ½ nữa); đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí hơn 390 tỉ… Đây cũng chỉ mới là khái toán trong một bản dự thảo Đề án để xin ý kiến các Bộ, Ngành. Chúng ta sẽ còn tiếp tục phải tính toán chi tiết và xây dựng lộ trình đầu tư phù hợp.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.
Chúc Thanh (thực hiện)