(GD&TD)-Đó là một trong 9 giải pháp được đưa ra tại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 vừa được Quốc hội thông qua tại phiên họp toàn thể sáng nay (08/11).
Mục tiêu tổng quát cho 5 năm tới là “phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh. Bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tăng cường hoạt động đối ngoại và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. |
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 với tỷ lệ 89,20% đại biểu tán thành |
Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 với 446 tán thành trên tổng số 458 đại biểu tham gia (đạt 89,20%).
Theo đó, Quốc hội ấn định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5 - 7% vào 2015, GDP tăng khoảng 6,5 - 7%, tỷ trọng đầu tư toàn xã hội 5 năm khoảng 33,5% - 35% GDP. Trong những năm tới sẽ giảm dần nhập siêu và phấn đấu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào 2015.
Mục tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách được Quốc hội thống nhất ở mức dưới 4,5% vào 2015 (có cộng thêm trái phiếu Chính phủ). Tỷ lệ huy động thuế và phí vào ngân sách không quá 22% - 23% GDP năm. Nợ công đến 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 50% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP.
Trước đó, trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế trình lên Thường vụ Quốc hội xem xét có đề nghị mục tiêu đến 2015, chỉ số giá tiêu dùng bình quân dưới 9%/năm, năm 2011 là 17%-18%, năm 2012 tăng ở mức 1 con số, năm 2013 - 2014 dưới 6% và năm 2015 dưới 5%.
Kiểm soát nhập siêu ở mức khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu và không quá 5 tỷ USD vào năm 2015. Bội chi ngân sách nhà nước tính theo thông lệ quốc tế và phấn đấu dưới 5% vào năm 2015. Tỷ lệ huy động vào ngân sách không quá 24% GDP/năm.
Nợ Chính phủ đến năm 2015 theo đề nghị của Ủy ban Kinh tế,không vượt quá 50% GDP; nợ công không quá 60% GDP.
Như vậy, nhiều chỉ tiêu kinh tế mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra trước đó chặt chẽ và khó khăn hơn so những chỉ tiêu được Quốc hội thông qua sáng nay.
Đến 2015, các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế sẽ gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu.
Trong đó, nhiệm vụ tái cấu trúc khu vực tài chính đặt trọng tâm vào việc củng cố hệ thống ngân hàng, xem đây là kênh cung ứng vốn linh hoạt, thông suốt cho nền kinh tế; sắp xếp, sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và quy mô nhỏ nhằm ổn định thị trường, hạn chế rủi ro cho hệ thống.
Bên cạnh đó, phát triển thị trường chứng khoán lành mạnh, sắp xếp lại các công ty chứng khoán, hoàn thiện các thể chể minh bạch thị trường để góp phần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa. Tăng hiệu quả hoạt động các loại hình bảo hiểm góp phần an toàn cho hoạt động sản xuất-kinh doanh của nền kinh tế và bảo đảm thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Một nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là kiểm soát hiệu quả các quỹ đầu tư hướng về thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ lũng đoạn thị trường.
Về tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, sẽ xây dựng lộ trình cổ phần hóa các công ty nhà nước kinh doanh ngoài lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính; rút dần nguồn vốn đầu tư vào khu vực tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư), bất động sản và chấm dứt vào năm 2015.
Về chính sách tài khóa, định hướng thời gian tới sẽ tăng tỷ trọng thuế trực thu, giảm tỷ lệ tương đối thuế gián thu trong thu ngân sách nhà nước. Trong những năm tới điều chỉnh mức thuế thu nhập doanh nghiệp xuống khoảng 20%, nâng và mở rộng mức thu thuế thu nhập cá nhân đối với người có thu nhập cao.
9 giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu: Thứ nhất, Khắc phục nhanh, hiệu quả những hạn chế, yếu kém do các nguyên nhân chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành. Thứ hai, có đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đơn vị cơ sở, sản xuất chủ yếu. Trong đó cần tập trung cơ cấu đầu tư công, thị trường tài chính (trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính), doanh nghiệp (mà trọng tâm là các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước). Thứ ba, tiếp tục kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị sức mua đồng tiền. Cơ cấu lại thu-chi ngân sách. Rà soát, điều chỉnh phân cấp quản lý đầu tư từ nguồn Ngân sách Nhà nước và trái phiếu chính phủ. Đổi mới chính sách xuất-nhập khẩu, kiềm chế nhập siêu. Thứ tư, tập trung thực hiện 3 đột phá, 12 định hướng chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2011-2020. Cơ bản xây dựng xong hệ thống pháp luật gắn với cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. Rà soát, sửa đổi lại quy định về phân cấp giữa Trung ương và địa phương. Rà soát, đánh giá các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm. Thứ năm, áp dụng đồng bộ các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo. Thứ sáu, đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục – Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm đến nhân lực lãnh đạo. Nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là bậc đại học. Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục. Đổi mới căn bản cơ chế quản lý Khoa học-Công nghệ, phát triển kinh tế tri thức. Thứ bảy, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả, hiệu lực các chính sách, pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm phát triển bền vững. Kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Thứ tám, tập trung xây dựng, thực hiện các đề án cải cách tư pháp bảo đảm chất lượng, tiến độ. Thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, xử lý nghiêm các hành vi chống người thi hành công vụ. Kiên quyết phòng chống và xử lý nghiêm, hiệu quả nạn tham nhũng. Thứ chín, quan tâm củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại vững mạnh, giữ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển đảo của Tổ quốc. Thúc đẩy giải quyết các vấn đề tồn tại về biên giới lãnh thổ, chú trọng vấn đề biển Đông một cách thỏa đáng, cân bằng trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng pháp luật quốc tế và nguyên tắc ứng xử khu vực. |
Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia 5 năm 2011-2015; Chương trình sử dụng trái phiếu Chính phủ 5 năm 2011-2015.
ĐB Lê Văn Hoàng (TP.Đà Nẵng) cho rằng, một trong nhiều vấn đề cần quan tâm trong các CTMTQG là có đến 13 dự án thuộc 13/15 chương trình chi đầu tư thường xuyên của Bộ, ngành, địa phương quá cao (chiếm đến 60-80% nguồn vốn thực hiện Chương trình). “Tình trạng này suốt thời gian dài không khắc phục nên trong giai đoạn tới, Chính phủ cần nghiêm túc xem xét để thực hiện Chương trình hiệu quả hơn. Thậm chí cần loại bỏ, tránh ảnh hưởng đến chương trình để chi đầu tư phát triển.” - ĐB Hoàng đề nghị.
Lấy ví dụ chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững có sự tham gia của 13 Bộ, ngành, áp dụng 68 cơ chế, chính sách, ĐB Hoàng cho rằng “việc đánh giá sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn nhiều “trăn trở” vì Ban Chỉ đạo một số chương trình hoạt động chưa hiệu quả, chưa gắn kết sự chỉ đạo của các ngành, trong phân phối lồng ghép các chương trình, lập kế hoạch, phân bổ vốn.
12 CTMTQG giai đoạn 2006-2010 dù thúc đẩy phát triển xã hội nhưng hiệu quả nhỏ, ĐB Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) lo ngại, trong đó có 6 chương trình chuyển tiếp từ giai đoạn 2001-2005. Như vậy, quá trình thực hiện chưa đạt hiệu quả mong muốn, giải ngân vốn chưa cao, dự án nhỏ nên khó bố trí vốn. Chương trình ở địa phương nhiều nhưng chưa được đầu tư thỏa đáng vì thường bố trí theo chương trình của bộ, ngành.
Cũng cùng trăn trở như ĐB Hoàng, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (TP.Hà Nội) nhận thấy, thực hiện các chương trình còn thiếu sự gắn kết các chương trình, hầu như mỗi chương trình là sự hoạt động riêng lẻ của các bộ, ngành địa phương. Nhiều chương trình đã được thực hiện ở các địa phương còn sử dụng nguồn vốn lãng phí, không có tính bền vững, còn mang tính trùng lặp, hiệu quả thấp… dù “chúng ta đã đổ một lượng tiền lớn vào các chương trình này”.
Trong khi ĐB Lê Minh Hoàng kiến nghị nên đưa vào CTMTQG vấn đề khắc phục ô nhiễm môi trường thì ĐB Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) đề nghị lưu ý đưa thêm một số nội dung khác như phòng chống tội phạm ma túy, phòng chống tội phạm nói chung, xây dựng nông thôn mới… vào CTMTQG để huy động toàn hệ thống chính trị và xã hội tham gia.
Về sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ: ĐB Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) cho rằng, chương trình vốn trái phiếu của Chính phủ giai đoạn 2011-2015 có nhiều yếu tố mới, khả thi, phù hợp với cơ cấu kinh tế hiệu quả, chất lượng. Nhiều dự án dùng vốn trái phiếu Chính phủ không có hiệu quả trước mắt, mà lâu dài. Nên nâng được hiệu quả dự án này thì hiệu quả xã hội sẽ rất cao. Việc phân bổ vốn “không nhất thiết “cứng nhắc” theo nguyên tắc phân bổ vốn mà cần cân nhắc theo mặt bằng chung để đánh giá hiệu quả dự án khi quyết định đầu tư (cân đối giữa khối lượng hoàn thành và mục tiêu dự án).” – ĐB Quỳnh đề nghị.
Đánh giá hiệu quả của vốn trái phiếu Chính phủ đã góp phần hoàn thành nhiều dự án đường giao thông, thủy lợi quan trọng, tái định cư, kiên cố hóa trường lớp học, ký túc xá cho sinh viên... đã tạo thúc đẩy kinh tế xã hội cả nước, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, ĐB Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) bày tỏ sự nhất trí với các nguyên tắc bố trí vốn cho các dự án như kế hoạch của Chính phủ.
ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cơ bản đánh giá, những chương trình sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ đem lại hiệu quả thiết thực. Nguồn trái phiếu Chính phủ đã bổ sung lượng vốn lớn, hoàn thành nhiều dự án dân sinh bức xúc. Nhưng “cơ cấu dự án, việc sử dụng nguồn vốn tính hiệu quả vẫn chưa cao, chính điều này đã góp phần làm cho lạm phát tăng cao thời gian qua”.
Do vậy, ĐB Hường cho rằng, những năm tới, nhu cầu nguồn vốn lớn, trong khi đó vốn ngày càng hạn hẹp, nên cần tập trung bố trí cho các dự án đang làm nhưng còn dang dở. Ưu tiên vốn cho dự án cần hoàn thành trong năm 2012, tuy nhiên đó phải là dự án phục vụ ngay cho nhu cầu dân sinh bức xúc.
Bên cạnh đó cần rà soát lại danh mục đầu tư của các dự án là việc làm quan trọng. Cần nhấn mạnh trách nhiệm chính quyền địa phương, bộ ban ngành nếu các đơn vị này đề nghị xây dựng dự án tránh trường hợp đầu tư lãng phí. “Phải cắt khúc trách nhiệm của từng cơ quan đến đâu để quy trách nhiệm chứ không mãi đổ cho công tác giải phóng mặt bằng, để cuối cùng tiền đổ vào rồi nhưng dự án cứ “đắp chiếu” – ĐB Hường kiến nghị.
Nếu nguồn tiền ít mà rải đều tất cả 16 chương trình thì chẳng chương trình nào hiệu quả dẫn đến việc đất nước đã nghèo càng nghèo. Phải đầu tư thế nào để đem lại hiệu quả cao nhất….
Nguyễn Sơn-Quang Huy